Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tại sao nhiều người lười đọc sách?  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tại sao nhiều người lười đọc sách?  

Hội sách TPHCM 2008 thu hút đông đảo bạn đọc trẻ. Ảnh chụp tại quầy sách Walt Disney, bán toàn sách in ngoại ngữ – Ảnh: Hữu Thắng.

(TBKTSG Online) – Trong vài năm gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến “văn hóa đọc”, nghe nhiều nhận xét về tình trạng ngày càng ít người có đam mê thú đọc sách… Và cũng có rất nhiều nhận định về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đó là chuyện “đọc sách in”.

Ngày nay, có nhiều phương tiện khác giúp người ta hưởng thụ những lợi ích tuyệt vời do sách đem đến cho con người từ bao đời nay. Có lẽ không nên cho rằng những người không còn mê đọc “sách in” là không còn “mê đọc sách” rồi từ đó nhìn vấn đề trở nên nghiêm trọng và lo sợ xã hội sẽ không thể phát triển, loài người sẽ phải ngu dốt v.v. 

Cuộc hội thảo với chủ đề “Người Việt có mê đọc sách?” do www.sachhay.com tổ chức tại TPHCM ngày 14-3 với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà giáo, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà xuất bản đã cho thấy vai trò quan trọng, sự cần thiết của sách gắn liền với đòi hỏi nâng cao chất lượng cuộc sống con người và sự phát triển xã hội về nhiều mặt.

Tuy nhiên, nội dung trao đổi tại hội thảo vẫn nặng về những nhận định hiện trạng và so sánh với một thời “hoàng kim” đã qua đi khá lâu hơn là phân tích vấn đề một cách thẳng thắn, khách quan để tìm “thuốc đặc trị” cho căn bệnh “lười” đọc sách của người Việt hiện nay. Người Việt vốn có truyền thống hiếu học, ham tìm hiểu; vậy tại sao người ta lại thờ ơ với sách?

Thực ra, sách không chỉ là kho báu tri thức; nó còn đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức văn học, nghệ thuật và nuôi dưỡng đời sống tinh thần, tâm linh cho con người. Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, Internet và các giải pháp kỹ thuật số đa phương tiện đã đem lại cho con người nhiều cách để tiếp cận với tri thức nhân loại, đáp ứng mọi lợi ích khác như sách đã từng phục vụ cho con người. Đó là chưa nói đến sự thuận tiện, tính hấp dẫn của các giải pháp công nghệ thực sự vượt trội nhiều mặt so với những ấn phẩm.

Tất nhiên, các phương tiện vừa nêu không thể thay thế hoàn toàn những cuốn sách, nhưng rõ ràng chúng có sức “cạnh tranh” đáng kể. Và tất yếu, nhu cầu đọc sách in phải giảm là điều không thể tránh khỏi.

Có thể nói, người Việt ngày nay ít mua sách in (hoặc bảo là ít đọc sách in cũng được) hơn trước, nhưng không có nghĩa là họ lơ là việc học tập, nghiên cứu và thưởng thức văn chương; hay nói gọn là thờ ơ với “kho báu tri thức” của nhân loại. Muốn “giành” lại bạn đọc, sách in phải hay, có giá bán hợp lý và nhà xuất bản phải được sự tin cậy của bạn đọc.

Mua sách giảm giá là cơ hội hấp dẫn các bạn trẻ mê sách nhưng ít tiền – Ảnh: Hữu Thắng.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có nhiều sách hay trên thị trường do một phần từ cơ chế xuất bản bất hợp lý. Nhà nước vẫn giữ độc quyền khâu xuất bản. Độc quyền vừa giết chết cạnh tranh, vừa tạo ra cơ chế xin – cho, trung gian, môi giới, gây cản trở cho quá trình làm sách, đưa sách đến với người đọc. 

Theo chúng tôi, nhận xét như thế là đúng nhưng chưa đủ, dù chỉ đề cập đến khía cạnh quản lý. Thực tế, tuy tư nhân không được lập nhà xuất bản, nhưng mọi người đều có thể thấy hoạt động xuất bản nước ta từ lâu đã có sự “tham gia” khá sâu của tư nhân, nếu không nói là có sự “chi phối” khá mạnh của giới phát hành sách tư nhân. Sự tham gia này cũng có những tác động tích cực, đồng thời đã tạo xu hướng đặt nặng mục tiêu thương mại một cách quá đáng.

Lợi nhuận đã khiến người ta không còn lòng tự trọng khi in ra những cuốn sách sao chép nội dung tác phẩm của người khác. Nhiều tác phẩm đã xuất bản từ vài chục năm trước, nay in cũng bị cắt xén rồi “bổ sung” một cách bừa bãi khiến người đọc mất lòng tin vào sách, vào những người làm sách.

Nhiều “công trình góp nhặt” tác phẩm (thường được gọi là “tuyển tập” văn thơ) với những cái tên rất “nổ” được in ra sau một quy trình sưu tầm, biên tập, hiệu đính lung tung khiến tác giả (nếu còn sống và tình cờ đọc được) cảm thấy bị xúc phạm (chưa nói đến chuyện vi phạm quyền tác giả) vì nội dung đã bị “biên tập” bằng những câu chữ ngô nghê, ngớ ngẩn!

Chưa kể, có nhiều người còn cho rằng ở xứ ta những năm gần đây, việc một tác giả cho ra đời một cuốn sách (nhất là các tập thơ) của mình dễ dàng hơn bất cứ đâu trên thế giới.

Thời nào và ở đâu cũng có sách hay, sách dở. Giá trị một ấn phẩm kém do năng lực yếu từ phía tác giả, dịch giả hoặc người tuyển chọn, biên tập là điều bình thường, dễ hiểu. Nhưng đối với các vụ đạo văn, “in nhầm” tác phẩm của người khác hoặc cẩu thả, vô trách nhiệm khi biên tập, hiệu đính – nhất là đối với các tác phẩm dịch thuật, biên khảo thì không thể chấp nhận được.

Thậm chí, từng có một công trình được tổ chức biên soạn khá quy mô, bài bản như Từ điển thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM – 3/2001) nhưng vẫn vấp phải những sai sót không đáng có. Tất cả những hành vi tắc trách đó đã làm nhiều người đọc sách mất niềm tin và khiến họ quay lưng với các nhà làm sách thừa máu kinh doanh nhưng lại thiếu sự tôn trọng với những sản phẩm kết tinh tri thức, văn hóa của con người.  

MAI LĨNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới