Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tấm lưới an sinh không đủ che chắn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tấm lưới an sinh không đủ che chắn

Tư Giang

Một người bán hàng rong ở TPHCM. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Thành công lớn nhất của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo đang bị ảnh hưởng bởi giá cả, lạm phát vẫn còn tăng.

Gần đây, Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết họ đang xem xét kế hoạch tài trợ không hoàn lại 150 triệu euro (tương đương 212 triệu đô la Mỹ), cho chương trình giảm nghèo ở Việt Nam trong hai năm tới. Tuy nhiên, để giải ngân số vốn trên EU đặt ra hai điều kiện tiên quyết: Việt Nam phải tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; và hiện đại hóa quản lý tài chính công.

Đại biện của phái đoàn EU, ông Emmanuel Mersch, chỉ rõ những vấn đề then chốt Việt Nam phải giải quyết như lạm phát còn ở mức cao, tỷ giá hối đoái còn nguy cơ bất ổn trong trung hạn, đẩy nhanh tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Ông nói: “Cam kết về ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn là cần thiết để lấy lại niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam và tạo nền móng cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam”.

Đây là lần đầu tiên một nhà tài trợ đưa ra thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô như là điều kiện để giải ngân nguồn vốn viện trợ không hoàn lại kể từ khi Việt Nam tái tiếp nhận tài trợ của cộng đồng quốc tế từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Câu chuyện trên không phải là duy nhất. Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 4 kéo dài từ nay đến cuối năm 2012 được ký kết đầu tháng này giữa hai chính phủ cũng đề cập đến bất ổn kinh tế vĩ mô như là một thách thức lớn phải xử lý. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản yêu cầu Việt Nam giải quyết vấn đề ổn kinh tế vĩ mô kể từ khi họ tài trợ cho chương trình sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản từ năm 2003 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Bản sáng kiến chung nhận định: “Trong vòng ba năm nay, đồng tiền Việt Nam liên tục mất giá… Trong khi giá trị đồng tiền của các nước trong khu vực so với đô la Mỹ đều tăng thì chỉ có đồng Việt Nam giảm giá”. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki nói: “Cải thiện kinh tế vĩ mô là điều cần thiết để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.

Những động thái trên cho thấy, câu chuyện bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam đã bắt đầu được các đối tác phát triển đưa vào chương trình nghị sự chính thức, sau khi họ bày tỏ quan ngại tại các diễn đàn đối thoại với chính phủ hàng năm trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, sức ép bên ngoài đó không lớn bằng sức ép nội tại: những bất ổn kinh tế đang trực tiếp đe dọa công cuộc xóa đói giảm nghèo, vốn được coi là thành công phát triển lớn nhất của Việt Nam. Một số các nghiên cứu công bố gần đây cho thấy điều đó.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2010, thu nhập bình quân tháng của một người, tính chung trên cả nước, theo giá hiện hành đạt gần 1,4 triệu đồng, tăng 39,4% so với năm 2008, tăng bình quân 18,1%/năm trong thời kỳ 2008-2010. Thu nhập thực tế (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) của thời kỳ 2008-2010 tăng 9,3% mỗi năm.

Trong khi đó, tính chung cả nước, chi tiêu theo giá hiện hành năm 2010 bình quân một người mỗi tháng đạt 1,21 triệu đồng, tăng 52,8% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 23,6%. Chi tiêu thực tế (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) thời kỳ 2008-2010 tăng 14,1% mỗi năm.

Những số liệu trên cho thấy tốc độ tăng chi tiêu luôn cao hơn tốc độ tăng thu nhập. Điều đáng quan tâm hơn, theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng chi cho ăn uống trong tổng chi tiêu đời sống ở các hộ gia đình Việt Nam vẫn ở ngưỡng rất cao, gần 53% vào năm 2010, tức chiếm hầu hết của các nhu cầu tối thiểu khác như đi lại, giáo dục và y tế. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm giải thích thêm, do chỉ số CPI tăng khoảng 60% từ năm 2007 tới nay nên “đời sống của hầu hết người dân đều bị ảnh hưởng bới giá cả tăng cao”. Tổng cục Thống kê cho biết tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2010 là 14,2% nếu tính theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ cho giai đoạn 2011-2015, và 10,7% theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhìn nhận việc điều chỉnh này được đưa ra như là hệ quả của lạm phát tăng cao trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, ông nhận xét, tiêu chí nghèo đói của Việt Nam vẫn còn lâu mới theo kịp tiêu chí của Ngân hàng Thế giới là 1,75 đô la Mỹ một người một ngày. Ông Doanh nói: “Chúng ta đừng quá tự hào về thành tích giảm nghèo mà quên đi tình hình đói nghèo còn nguyên đó. Lạm phát tăng cao vẫn đang tiếp tục đe dọa công cuộc này”. Trong khi đó, ông Đàm cho rằng tiêu chí để Nhà nước trợ cấp xã hội chỉ bằng khoảng 40% chuẩn nghèo là rất thấp, vì thế nhiều hộ nghèo đã lọt qua tấm lưới đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế công bố gần đây, hầu hết đời sống của các hộ gia đình Việt Nam bị tác động do nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đều lên giá và tình hình kinh tế khó khăn dự kiến còn kéo dài đến hết năm 2011 và sang cả năm 2012. Báo cáo này ghi nhận bốn xu hướng rõ nét mà người dân nhận định về cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Thứ nhất, 89,3% cảm thấy ô nhiễm môi trường hơn; nhiều bệnh tật hơn (88,2%); tệ nạn xã hội phát triển (82,5%); cảm thấy cuộc sống không an toàn (79,6%). Thứ hai, thu nhập gia tăng nhưng phải chi nhiều hơn và giá cả lại đắt đỏ hơn. Thứ ba, trong khi việc làm luôn thiếu nhưng lại có nhiều người bị thất nghiệp (68,2%). Và cuối cùng, là sự sụt giảm niềm tin trong các giao dịch xã hội (64,3%)… như cảm thấy ít hạnh phúc hơn.

Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường

Hôm 9-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện.

Công điện nêu rõ, trong những ngày đầu tháng 7, ở một số địa phương xảy ra tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15 -17% như đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời ban hành chính sách thuế phù hợp và có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống; kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đề ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới