Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tâm lý mua là thắng và sự nguy hiểm của thị trường chứng khoán

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Không ít cổ phiếu trước đây có thị giá thấp nhưng nay có giá còn cao hơn những cổ phiếu blue-chip khiến không ít nhà đầu tư săn tìm những cổ phiếu penny, mua vào và chờ đợi sẽ đến lúc chứng kiến những phiên tăng trần hàng loạt. Nhưng hãy luôn tỉnh táo với tâm lý mua là chắc thắng.

Màn trình diễn của penny

Trước xu hướng đi lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư hiện nay có tâm lý cứ mua là chắc thắng, do đó rót tiền ồ ạt mà thiếu tìm hiểu về doanh nghiệp. Chính vì vậy mà những phiên gần đây thị trường chứng kiến hàng loạt công ty làm ăn thua lỗ, kết quả kinh doanh yếu kém nhưng cổ phiếu vẫn tà tà đi lên, thậm chí còn tăng nóng với nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Số lượng cổ phiếu tăng trưởng tính bằng lần rất nhiều trong gần hai năm qua, đặc biệt không ít cổ phiếu trước đây có thị giá thấp nhưng nay có giá còn cao hơn những cổ phiếu blue-chip, khiến một bộ phận nhà đầu tư đang đi săn tìm những cổ phiếu penny, mua vào và chờ đợi sẽ đến lúc chứng kiến những phiên tăng trần hàng loạt.

Đặc biệt là những nhà đầu tư F0 càng dễ bị thu hút bởi các cổ phiếu này, dù tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của nhóm này vẫn khá tệ hại như đã nói. Thống kê cho thấy số lượng tài khoản mở mới riêng trong tháng 10 vừa qua gần 130.000, lũy kế 10 tháng đã hơn triệu tài khoản chứng khoán mở mới, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả bốn năm 2017-2020 cộng lại, cho thấy một dòng tiền cuồn cuộn đang đổ vào thị trường.

Với những nhà đầu tư F0 này, phần lớn còn thiếu kinh nghiệm, do đó dễ bị thu hút bởi những cổ phiếu có thị giá thấp và biến động mạnh về giá, vì mong muốn kiếm lời nhanh. Hệ quả là trong những tuần gần đây, cổ phiếu penny (vốn hóa nhỏ và thị giá thấp) tăng mạnh mẽ, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả dường như đang bị bỏ quên.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, sàn HOSE chứng kiến 59 mã cổ phiếu tăng trần, sàn Hà Nội là 47 cổ phiếu còn sàn UpCom là 56 cổ phiếu, hầu hết là nhóm penny. Trước đó trong những phiên giao dịch từ đầu tháng 11 đến nay, thị trường thường xuyên chứng kiến số lượng cổ phiếu tăng trần ồ ạt, trong đó sàn UpCom nhiều mã cổ phiếu từ trước đến nay thanh khoản èo ọt với thị giá thấp bỗng nay chói sáng với nhiều phiên tăng trần liên tiếp mà không rõ nguyên nhân.

Như trong phiên thị trường ghi nhận khối lượng giao dịch kỷ lục hôm 3-11, sàn UpCom có 92 mã cổ phiếu tăng trần, còn sàn HOSE chỉ có 28 mã cổ phiếu tăng trần, HNX có 17 mã tăng trần. Hay phiên ngày 12-11 cũng ghi nhận số mã cổ phiếu tăng trần lên đến 203, trong đó có đến 127 mã trên sàn UpCom. Với biên độ giao dịch lên đến 15%, cao hơn gấp đôi so với sàn HOSE và gấp rưỡi sàn HNX, nhiều nhà đầu tư hiện nay không thể kiềm chế được lòng tham trước sức nóng của thị trường và mạnh tay rót tiền vào UpCom.

Chỉ báo đầy lo ngại

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho làn sóng tăng giá của nhóm cổ phiếu penny. Đầu tiên các doanh nghiệp thuộc nhóm này thường kinh doanh yếu kém trong nhiều năm qua, vì vậy luôn có nhu cầu huy động vốn mới để bù đắp cho nguồn vốn bị hao hụt vì thua lỗ. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi từ năm ngoái đến nay, không ít doanh nghiệp trong số này lên kế hoạch tăng vốn khủng, nhưng để tăng vốn với giá phát hành ít nhất bằng mệnh giá 10.000 đồng, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này ít nhất phải kéo lên trên mốc này mới đảm bảo thành công. Vì vậy, “game” tăng vốn ở nhóm doanh nghiệp này luôn thu hút một lượng nhà đầu tư nhất định, với niềm tin rằng doanh nghiệp trước sau gì cũng phải kéo giá cổ phiếu lên.

Thực tế diễn biến của thị trường chứng khoán trong những phiên vừa qua cũng phát đi những tín hiệu đáng lo ngại, khi tăng giảm đột ngột kèm theo thanh khoản tăng vọt. Khối lượng giao dịch tăng lên ở mức cao nhưng điểm số không tăng hoặc giảm là một chỉ báo hàm ý khả năng phân phối có thể đang diễn ra, tức các nhà đầu tư lớn đang dần thoát hàng.

Thứ hai là với những doanh nghiệp thuộc nhóm này sau nhiều năm thua lỗ, nay bỗng báo lãi trở lại nhờ kết quả tái cơ cấu thành công, do đó thu hút nhiều nhà đầu tư theo trường phái tìm kiếm các doanh nghiệp tái cấu trúc (turn around) rót tiền vào với niềm tin doanh nghiệp sẽ sớm quay lại vị thế như trước đây. Đây cũng được xem là nhóm tích cực, tuy nhiên không ít trường hợp nhà đầu tư bị “hố” vì thực tế sau đó cho thấy kết quả tái cấu trúc của doanh nghiệp vẫn chẳng đi đến đâu.

Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp đang có lượng tài sản ngầm lớn nhưng chưa được khai thác hết, vì thiếu vốn, thiếu hụt dòng tiền, nhưng tiềm năng phát triển trong tương lai là rất lớn, trong khi thị trường chưa đánh giá đúng giá trị của doanh nghiệp nên thị giá vẫn cứ bèo bọt. Vì vậy, một số nhà đầu tư nhận ra giá trị thực của những doanh nghiệp này nên mạnh tay rót tiền vào, nhất là khi kỳ vọng sẽ được lợi từ các gói hỗ trợ, kích cầu của Chính phủ trong thời gian tới.

Dù vậy, từ việc sở hữu các tài sản, dự án đắc địa cho đến việc triển khai thành công không phải là điều dễ dàng, cũng như không phải chỉ cần một khoảng thời gian ngắn ngủi là xong. Nhưng các nhà đầu tư chứng khoán luôn đầy lạc quan mỗi khi thị trường vào xu hướng tăng, vì vậy sẵn sàng trả giá cao hơn cho những doanh nghiệp thuộc loại này. Đây cũng là lý do giải thích cho đà tăng vọt giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản có thị giá thấp gần đây.

Tuy nhiên, dù là vì lý do gì đi nữa, việc nhiều cổ phiếu penny tăng nóng từ đầu tháng 11 đến nay là một chỉ báo đáng lo ngại, vì quá khứ từng cho thấy sóng cổ phiếu penny ít khi nào bền vững và không ít nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đã bị mắc kẹt tại các cổ phiếu này suốt thời gian dài. Còn giới phân tích và đầu tư lâu năm từ trước đến nay vẫn cho rằng sóng cổ phiếu penny có thể là sóng cuối, báo hiệu khả năng sắp điều chỉnh trong hành trình tăng giá của thị trường.

Thực tế diễn biến của thị trường chứng khoán trong những phiên vừa qua cũng phát đi những tín hiệu đáng lo ngại, khi tăng giảm đột ngột kèm theo thanh khoản tăng vọt. Khối lượng giao dịch tăng lên ở mức cao nhưng điểm số không tăng hoặc giảm là một chỉ báo hàm ý khả năng phân phối có thể đang diễn ra, tức các nhà đầu tư lớn đang dần thoát hàng.

Diễn biến thị trường tăng mạnh đầu phiên, sau đó yếu dần vào giữa phiên và càng về sau đó càng bị bán mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu từ sắc xanh/tím chuyển sang đỏ, nhưng đến cuối phiên lại được kéo lên lại là dấu hiệu rất tiêu cực. Xu hướng này lặp đi lặp lại qua nhiều phiên có thể tạo nên thói quen bắt đáy khi thị trường giảm trong phiên của nhiều nhà đầu tư, khi tạo niềm tin cho nhà đầu tư về hiện tượng điều chỉnh sẽ chỉ diễn ra ngắn ngủi và sau đó hồi phục ngay lập tức.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đó là một cái bẫy đang ngầm được giăng ra, đến một lúc nào đó thị trường sẽ điều chỉnh thật sự và giảm mạnh, những nhà đầu tư lỡ bắt đáy với hy vọng lướt sóng kiếm lời ngay trong phiên có thể sẽ trả giá đắt, nhất là trót ôm những cổ phiếu có nền tảng cơ bản yếu nhưng đã tăng nóng suốt thời gian qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới