Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tâm lý và biện pháp cần có trước khi quyết định ‘ở yên tại chỗ’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tâm lý và biện pháp cần có trước khi quyết định ‘ở yên tại chỗ’

Nhân Tâm

Tâm lý và biện pháp cần có trước khi quyết định 'ở yên tại chỗ'

(KTSG Online) – Từ thứ Hai tuần sau, Đà Nẵng có thể sẽ thực hiện “khóa chặt cửa” trong vòng 7 ngày để phòng chống dịch nếu số ca lây nhiễm trong cộng đồng không giảm.

Thông tin này được đề cập tại phiên khai mạc kỳ họp của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra sáng 12-8.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết nếu trong vòng 4 ngày nữa, việc thực hiện các biện pháp như hiện nay (áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kèm các biện pháp hạn chế khác) mà tình hình dịch bệnh không giảm thì phải thực hiện triệt để hơn nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

Như vậy, người dân sẽ không ra khỏi nhà; các công sở, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động phải ở tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày.

Ông Quảng cho biết đây là biện pháp thành phố không mong muốn áp dụng và hy vọng không phải áp dụng. Nhưng đây là cách khả thi để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân.

Phương án này được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất nhanh và ở mức độ rất nguy hiểm. Số liệu cho thấy từ ngày 3-5-2021 đến nay thành phố ghi nhận 1.593 ca dương tính, 16 ca tử vong. Riêng từ ngày 10-7 đến 11-8, với chủng Delta đã ghi nhận 1.473 ca dương tính, 13 người đã tử vong; hiện đang điều trị 1.069 ca bệnh, trong đó có 43 ca bệnh nặng có nguy cơ tử vong.

Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau khi thông tin này được công bố, những hình ảnh siêu thị, chợ đông đúc người mua tràn ngập trên các trang mạng xã hội.

Trên nhóm Zalo “Báo chí Đà Nẵng” do Sở Thông tin và Truyền thông lập ra để trao đổi thông tin, phóng viên các tờ báo chia sẻ nhau những hình ảnh này từ chợ truyền thống (chợ Đống Đa) đến cửa hàng tiện lợi (Vinmart) và siêu thị (Lotte Mart, Mega) kèm những dòng ghi nhận về lo lắng của người dân.

Người viết muốn nói đến hai vấn đề ở đây: ý thức khi tiếp nhận thông tin của người dân và sự tiên liệu tình huống cùng biện pháp xử lý ngay khi quyết định công bố thông tin của chính quyền.

Người dân Đà Nẵng ít nhất đã trải qua một lần giãn cách xã hội ở quy mô lớn cũng vào thời điểm này năm ngoái. Ắt hẳn kinh nghiệm ứng phó cũng như mua và tích trữ lương thực để dùng trong 14 ngày đã có.

Vậy sao phải cứ đổ xô đi mua đồ tích trữ khi đã có các công cụ khác như số điện thoại và app mua hàng của cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay tổ trưởng tổ dân phố (đối với vùng cách ly y tế)? Chẳng lẽ, phải tự tay đi mua mới chọn được hàng vừa ý?

Chỉ có thể “biện hộ” rằng do người dân vẫn còn tâm lý hoang mang và thiếu ý thức trong phòng chống dịch. Điều này sẽ càng gây khó cho công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng. Những ca mới trong cộng đồng sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu người dân không tuân thủ việc hạn chế đi ra ngoài đường.

Ai dám đảm bảo không có F0 tại các siêu thị đông đúc lúc này cho dù các cửa hàng có thực hiện nghiêm 5K.

Đó cũng là tình huống cần được tiên liệu trước và có biện pháp phòng ngừa tình huống từ phía chính quyền khi công bố thông tin.

Trước hết, việc công khai, minh bạch thông tin với người dân về diễn biến của dịch bệnh cũng như các phương án mà chính quyền thành phố sẽ áp dụng để đảm bảo đẩy lùi dịch bệnh, theo người viết, là điều hoàn toàn đúng và rất cần thiết. Người dân cần được biết các phương án sắp tới của thành phố để chia sẻ và chung tay với chính quyền thực hiện các biện pháp ấy trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. 

Cụ thể ở đây, chính quyền đã đưa ra khoảng thời gian 4 ngày để các bên liên quan cũng như người dân chuẩn bị vật dụng cũng như nhu yếu phẩm cần thiết để có thể “ở yên tại chỗ” trong vòng 7 ngày.

Ông Quảng cũng đã khẳng định: “…chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là ở khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; các địa phương phải thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn…”.

Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nữa nếu ngay sau đó, chính quyền Đà Nẵng công bố luôn phương án chi tiết cung cấp lương thực và thực phẩm cho người dân trong thời gian 7 ngày này.

Ví dụ, Sở Công Thương phối hợp với các ban quản lý tại các chợ truyền thống tổ chức các gian hàng thực phẩm lưu động tại các chốt phòng chống dịch và vùng cách ly y tế trên địa bàn thành phố.

Các tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng tại các địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ người dân trong việc mua và giao nhận lương thực, thực phẩm hằng ngày để hạn chế tình trạng “gom đơn” mua luôn một lần và phải đợi 3-4 ngày sau mới có như thời gian vừa qua. Nhân viên tại các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi đăng ký để được cấp thẻ giao hàng tại các chốt cách ly y tế và giao cho tổ phòng chống dịch để giao cho người dân và đảm bảo 5K.

Nếu những phương án hỗ trợ người dân được công bố sớm trên nhiều phương tiện truyền thông (báo đài, mạng xã hội, loa phường…) thì sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng người dân đổ xô vào cửa hàng, siêu thị dẫn đến có thể  làm lây lan dịch bệnh.

Một người dân ở quận Sơn Trà (nơi đang là điểm nóng của Covid-19) chia sẻ với người viết rằng Chủ nhật này anh sẽ ra siêu thị để mua nhu yếu phẩm đủ dùng trong 7 ngày để dự phòng khi thành phố siết chặt việc phòng chống dịch với lý do “sẽ mua được thực phẩm tươi mới”.

Hy vọng thành phố sớm ban hành những phương án hỗ trợ và chi tiết để người dân hiểu và không lo lắng thì sẽ không xảy ra cảnh siêu thị, cửa hàng đông đúc người mua sát trước ngày "ở yên tại chỗ". Người dân sẽ yên tâm vì không thiếu hàng thiết yếu.

3 BÌNH LUẬN

  1. Tính khả thi của chủ trương là quan trọng nhất trước khi ban hành 1. Có thể loại bỏ hoàn toàn covid ra khỏi cộng đồng không —> chắc là không, 2. Sau 7 ngày rồi thì cái gì sẽ tái diễn, chắc là không thể tiếp tục đóng cửa, do vậy buộc phải nới lỏng —> nguy cơ lây nhiễm lại tái phát, 3. Vậy giải pháp hợp lý là gì —> khoanh vùng dập dịch/ nâng cao năng lực điều trị/ xã hội hóa trách nhiệm cách ly/ bao phủ vaccin sớm là thượng sách.

  2. Lãnh đạo quyết thì dễ. Lòng dân thì khó lường. Hậu quả trước mắt là rối loạn thị trường và giá cả tăng phi mã. Đề nghị trước khi tính toán bất kỳ phương án gì ảnh hưởng đến cộng đồng rộng lớn cũng nên cân nhắc đầy đủ tác động và hậu quả để có cách xử lý bài bản, phù hợp.

  3. Giải quyết tâm lý (tâm bệnh) trước khi giải quyết bệnh (thân bệnh) là quan trọng nhất. Ví dụ, 1. Sợ quá hoặc nhờn quá cũng không được. Nhiều gia đình bị covid, tự cách ly ở nhà, tự chăm sóc nhau, lại nhanh khỏi bệnh. Vấn đề ở đây chính là tâm lý được thoải mái, được chăm sóc nhau kỹ lưỡng. 2. Khi cần cấp cứu gấp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chỉ cần gọi một tổng đài tập trung, từ đó có người điều phối xử lý. Đây cũng là vấn đề tâm lý, không để bệnh nhân gọi khắp nơi, nếu không có ai cầm máy hoặc máy bận liên tục càng nguy to.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới