Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tầm nhìn công nghiệp dài hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tầm nhìn công nghiệp dài hạn

Lê Đăng Hà

Công nhân của nhà máy tôn Hoa Sen ở khu công nghiệp Sóng Thần 2. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Việc ra đời các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tuy nhiên nó cũng đặt không ít vấn đề về hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh, bài toán môi trường – xã hội…

“Phong trào” khu công nghiệp

Phát triển công nghiệp là hướng đi đúng, song quan trọng là bài toán hiệu quả dựa trên lợi thế so sánh có tính chất dài hơi, 30 năm, 50 năm thậm chí 100 năm mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, có một thực tế đang xảy ra trên cả nước hiện nay đó là địa phương nào cũng dấy lên phong trào phát triển công nghiệp, cụ thể là xây dựng các KCN-KCX rồi cụm công nghiệp.

Những tỉnh/thành vốn có thế mạnh và đủ điều kiện không nói làm gì, những địa phương khác dù chưa có đủ khả năng hoặc có thể phát triển ngành nghề, lĩnh vực khác cũng “đua nhau” làm công nghiệp. Hà Giang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu… cũng lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng!

Điển hình như Bắc Ninh, một địa phương có diện tích tự nhiên nhỏ nhất đồng bằng sông Hồng cũng có đến 14-15 KCN. Tương tự Phú Thọ cũng 4-5 KCN; Thanh Hóa cũng cỡ đấy. Nói tóm lại, tỉnh ít nhất cũng 2-3 KCN và cụm công nghiệp, địa phương nhiều nhất 15-20 KCN và cụm công nghiệp.

Rõ ràng, việc phát triển công nghiệp theo kiểu “phong trào” không những dẫn đến sự manh mún mà còn khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp bị băm nhỏ để nhường chỗ cho KCN, cụm công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thái, một Việt kiều định cư tại Đức, sinh ra ở Thái Bình, đợt về quê vừa rồi có nhận xét: “Ở Đức hay ở Canada, ngồi trên ô tô đi xuyên chiều dài nước họ thấy rất nhiều những cánh đồng bát ngát, nào đồng nho, đồng lúa mì… còn các KCN bao giờ cũng được phát triển tập trung ở những nơi không có khả năng phát triển nông nghiệp hoặc cho năng suất thấp và quy hoạch rất rõ ràng.

Còn ở ta, là một nước nông nghiệp, song đi từ Hà Nội vào Sài Gòn trên quốc lộ 1A đâu đâu cũng thấy các KCN bé xíu, ngay cả đến mảnh đất Thái Bình quê tôi, những cánh đồng lúa bát ngát ngày nào, giờ cũng đang được “xẻo thịt” để lập các KCN, cụm công nghiệp liệu không biết sẽ ra sao đây?”.

Quả thật, ở nước ta phát triển công nghiệp đang có chiều hướng ngược, những nơi đất cằn cỗi thì để hoang, những cánh đồng phì nhiêu có lịch sử hàng ngàn năm canh tác với nền văn minh lúa nước cho những vựa lúa, hoa màu đặc sản thì san đi làm công nghiệp! Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… thậm chí là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vốn là những vựa lúa chính của cả nước, cũng đang quyết tâm thành các tỉnh công nghiệp.

PGS.TS. Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét: “Tính cát cứ về kinh tế ở nước ta quá cao, vượt cả quy hoạch tổng thể và không tuân theo quy luật nào, mạnh ai nấy làm!”. Vì vậy, TS. Đoàn đề nghị cần phải tìm ra nguyên nhân chi phối toàn bộ sự chuyển đổi vội vã này. Nếu chỉ thấy cái lợi trước mắt (góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương), mà không nhìn thấy hệ quả của 10-15 năm tới, khi những dự án đó, những KCN đó không còn phù hợp, thì thiệt hại sẽ rất lớn!

Bên cạnh việc chạy đua xây dựng các KCN-KCX, cụm công nghiệp, việc quy hoạch thiếu tầm nhìn đã dẫn đến tình trạng “cư dân bao vây KCN”. Hà Nội và TPHCM, sau hơn 13 năm xây dựng KCN, mới giật mình nhận ra rằng, quá nhiều KCN được xây dựng gần trung tâm thành phố, nên khi thành phố mở rộng, một cuộc di dời tốn kém lại được bắt đầu.

Được và mất gì?

Trong chiến lược phát triển các KCN- KCX phải tính đến bài toán liệu sau 20-30 năm nữa khi những KCN, KCX đã hoàn thành sứ mạng lịch sử, thì nó sẽ để lại gì cho nông dân ở vùng đó và rộng hơn cho đất nước.

Không so sánh với các nước phát triển trên thế giới, chỉ so với một số nước có nền kinh tế mạnh trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan… chúng ta đã tụt hậu khá xa kể cả về kinh tế lẫn công nghệ. Để cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ “phải tập trung vào phát triển công nghiệp, công nghệ trên cơ sở đi tắt, đón đầu”.

Thế nhưng, nhìn vào bức tranh phát triển công nghiệp hiện nay vẫn chưa thấy sự hiện diện của việc “đi tắt đón đầu” là bao. Về vấn đề này, theo TS. Đoàn, “hiện Việt Nam đang phát triển công nghiệp như một số nước tiên tiến cách đây 4-6 thập kỷ”!

Quả thật, nhìn vào lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngoại trừ một số địa phương thu hút được các dự án lớn có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, còn lại đa số là những dự án có quy mô trung bình, về mặt nào đó không phát triển được ở nước họ phải đầu tư vào Việt Nam nhằm sinh lời trong một thời gian rồi kết thúc.

Còn PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Công đoàn Hà Nội, cho rằng: “Trong việc thu hút đầu tư đang có không ít các nhà đầu tư tính đến việc ăn xổi ở thì, họ chỉ cần đầu tư vào Việt Nam 10-15 năm, khi đã đạt được lợi nhuận thì rút vốn, chắc chắn sẽ để lại những hậu quả khôn lường”.

Trong một môi trường cạnh tranh, khi thị trường trong nước bị bão hòa, liệu những dự án công nghiệp như trên có đủ sức cạnh tranh, nhất là khi chúng ta đã là thành viên của WTO, không khéo những mảnh đất màu mỡ lại trở thành công xưởng… chơ vơ!

Bởi thế, TS. Thọ nêu vấn đề: “Điều quan trọng, khi đã quy hoạch phát triển công nghiệp, làm KCN, cụm công nghiệp thì nên chọn loại dịch vụ, ngành nghề gì đặt vào đó để sản xuất; tức loại ngành nào đặt nhà xưởng ở KCN nào để đảm bảo được môi trường sinh thái và sức khỏe con người không bị ảnh hưởng. Tệ hại nhất, cứ hô hào đầu tư bằng được các dự án vào KCN, mà không có sự chọn lọc, hậu quả khôn lường chắc chắn sẽ xảy ra.

Bài học nhãn tiền về phát triển KCN Việt Trì hay KCN Cao-Xà-Lá ngay tại thủ đô là ví dụ điển hình. KCN Việt Trì dành cho xây dựng các nhà máy hóa chất, giấy… nhưng nước thải thì đổ cả ra sông Hồng, khiến không những người dân vùng đó phải gánh chịu mà cả khu vực hạ lưu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, kết quả phải đóng cửa một số nhà máy trước đây”. Phát triển công nghiệp đã làm hơn 70% hệ thống sông ngòi trên địa bàn cả nước bị ô nhiễm là thống kê đau lòng!

Những vấn đề đặt ra

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp hiện nay đặt ra không ít vấn đề mà nếu không sớm có biện pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng đến môi trường xã hội.

Theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, hiện cả nước có trên 200.000 héc ta đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng, tính ra việc chuyển đổi này tương đương mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động bị mất việc làm. Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm năm qua, việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động tới đời sống của khoảng 628.000 hộ nông dân với trên 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng.

Mặc dù, xu hướng công nghiệp hóa đã khá đậm nét trong bức tranh kinh tế – xã hội nước ta trong năm năm qua, song theo khảo sát, hiện vẫn có trên 60% số hộ nông dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó, đất đai bị thu hồi ngày một nhiều. Nếu như năm 2001, thành phố Hà Nội (cũ) mới chỉ thu hồi 733 héc ta đất cho 159 dự án, thì đến năm 2002 là 1.003 héc ta đất và năm 2003 là 1.424 héc ta… Ước tính mỗi năm có khoảng 13.000-15.000 lao động bị mất việc; trong đó đa số là nông dân.

Từ thực trạng phát triển các KCN – KCX hiện nay, TS. Thọ đề nghị Nhà nước phải mở cuộc điều tra về thực trạng sử dụng đất để từ đó tiến hành phân loại đất, xem loại đất nào để lại phục vụ sản xuất nông nghiệp, loại đất nào trước mắt cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Chính sách này không có gì mới, Singapore và Malaysia đã và đang áp dụng. Bên cạnh đó, phải có luận cứ khoa học về chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp sẽ được lợi những gì và mất những gì? Vì rằng, lợi ích nông nghiệp không chỉ tính bằng các con số mà còn phải tính đến lao động luân phiên có việc làm ra sao và điều quan trọng nữa là phải tính yếu tố môi trường trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới