Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tầm nhìn và sự quyết tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tầm nhìn và sự quyết tâm

Quy hoạch đô thị đòi hỏi tầm nhìn và cả sự quyết tâm – Ảnh minh họa: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Nhân đọc bài viết của PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa đăng trên báo Pháp Luật TPHCM (số Xuân Kỷ Sửu 2009) về việc TPHCM sẽ có 2 đô thị vệ tinh trong vòng 15 năm nữa, chợt nhớ về những đề xuất phát triển đô thị vệ tinh đã bị lãng quên trong một thời gian dài.

Trong bài viết của mình, TS. Hòa nói rằng hai thành phố vệ tinh này nằm ở hai đầu của TPHCM , gồm đô thị Tây Bắc nằm về phía bắc và đô thị cảng Hiệp Phước phía nam thành phố. Bài viết nói: “10-15 năm nữa, TPHCM sẽ có hai thành phố đô thị vệ tinh chia sẻ sự quá tải khu vực trung tâm thành phố”. “Sau nhiều năm liền “cơ khổ” đào đường, kẹt xe, ngập nước, khói bụi, thêm “ấn tượng” năm 2008 là bùng nổ các “lô cốt”, người dân TPHCM vẫn luôn nuôi hy vọng vào một sự thay đổi nào đó”.

Đây cũng là mong muốn của người dân thành phố, về một môi trường sống không ngập nước, không kẹt xe, không khói bụi ô nhiễm…

Nhiều chuyên gia ngành quy hoạch nói rằng từ cách đây hàng chục năm đã có những đề xuất về việc phát triển đô thị vệ tinh, khi mà tốc độ gia tăng dân cư tại khu trung tâm thành phố đã tạo sức ép quá tải lên hệ thống cơ sở hạ tầng.

Những đề xuất này tiếp tục được nhắc đến trong các bản báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của lãnh đạo thành phố đôi ba lần trong một năm. Chính quyền thành phố nói rằng trong tầm nhìn xa hơn, những đề xuất này được gắn với mục tiêu kéo giảm dân số nội thành, giúp giải quyết những vấn đề “đau đầu” trong quản lý đô thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm gần đây, hàng loạt dự án cao ốc, tổ hợp cao tầng đã, đang và sắp mọc lên lố nhố khắp khu trung tâm chật hẹp của thành phố. Khi có một số ý kiến phản biện về việc những công trình cao tầng đang dần phá hết cảnh quan của một khu trung tâm thành phố cũ – vốn từng được quy hoạch rất ngăn nắp, thì các cơ quan quản lý mới vội vã ban hành những quy định về kiến trúc, tầng cao, khoảng lùi không gian, mật độ xây dựng, mật độ cây xanh cho các công trình tại một số khu vực theo kiểu phát sinh đến đâu thì lập ra quy định đến đó.

Trung tâm hiện hữu – vốn chứa đựng quá nhiều chức năng nào hành chính, dịch vụ, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế… và cả cảng biển đi kèm với dịch vụ hậu cần, kho bãi…, vẫn chưa được tách bớt đi một phần chức năng sang một khu đô thị mới, hoặc một đô thị vệ tinh nào đó, để tạo đà cho sự phát triển hạ tầng và kéo một bộ phận dân cư đến những nơi mới học tập, làm việc và cả sinh sống.

Bản thân một lãnh đạo thành phố từng tự trả lời câu hỏi “Vì sao khu trung tâm của một thành phố được xem là trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ của cả nước mà luôn tồn tại tình trạng ngập nước, kẹt xe, mật độ dân cư quá cao? – Vì thành phố chưa có các khu đô thị vệ tinh, có chăng thì chất lượng dịch vụ như giáo dục, y tế, giao thông… còn kém, không đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân nên mọi người cứ đổ dồn về trung tâm.”

Tìm câu trả lời cho vấn đề trên là một điều không khó, nhưng thực hiện lời giải này không chỉ đòi hỏi một tầm nhìn, năng lực quản lý và còn cần cả sự quyết tâm.

Câu chuyện phát triển Thủ Thiêm là một ví dụ; 13 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (1996), đến nay viễn cảnh về một đô thị hiện đại vẫn còn đang ở phía trước vì trong thời điểm hiện tại vẫn đở dang chuyện chuẩn bị mặt bằng. Sự trở mình chậm chạp của một dự án – được xác định phải vươn tới tầm cỡ “trung tâm tài chính của cả nước và khu vực”, không chỉ làm cho người dân mệt mỏi, nhà đầu tư nản lòng mà còn tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, vì chi phí gia tăng theo thời gian.

Nếu không có sự quyết tâm, có lẽ những đô thị vệ tinh của thành phố chỉ là những bản kế hoạch kéo dài trên giấy từ trang này sang trang khác.

YẾN DUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới