Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tầm phào ngày tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tầm phào ngày tết

Ngày tết, người Việt rất thích chơi vạn thọ, loài hoa dân dã, dễ trồng và dễ… mua.

(TBKTSG Online) – Vài năm gần đây… khi mấy ngày tết qua rồi, cây mai trước nhà đã rậm lá, gỡ mấy tờ lịch mà thở phào nhẹ nhõm. Buổi sáng ra đường, không còn phải nhìn trước ngó sau để né mấy sòng nhậu. 

Ba ngày Tết, lỡ bị “phát hiện”, làm sao chối. Nhất là mấy đứa bạn làm ăn xa, về quê ăn Tết. Gạt ly rượu, thằng trách, đứa móc: “Chắc coi tụi này không xứng để lai rai chớ gì?”.

1. Nhớ hồi trước, mấy ngày đầu năm của tôi là một chuỗi những cuộc nhậu quay cuồng trời đất. Đêm mồng một, về nhà, người vào được trong nhà nhưng xe để ngoài sân. Sáng dậy, nghe anh chị bàn chuyện đi thăm bà con, lắc đầu nguầy nguậy.

Ngồi quán, lắc đầu không xuể với mấy đứa nhỏ bán vé số. Lại thấy một bà già lụm cụm, bưng xề bánh bán rong, hỏi sao bà không nghỉ cho khoẻ mấy ngày tết, bà đáp: “Xề bánh nuôi tui chớ nghỉ tết, ai nuôi?”.

Cô giáo nhà ngang cửa, cứ cận tết là hỉ hả ngồi đếm mấy cái phong bì, gói quà mà học trò biếu tặng, cứ như điểm danh coi có trò nào sót không. Còn anh bạn gần nhà, cứ cận Tết là thở dài than vắn, lo bàn với vợ nên biếu xếp lớn, xếp nhỏ thứ gì cho đạt “trên mức tình cảm” mà không hụt tiền ăn tết.

Đồ ăn mấy ngày xuân, cần gì dạo chợ tết, cứ ra siêu thị, đủ hết. Mà chẳng cần mua trữ, cứ cần gì mua nấy, mùng một ra hàng quán, bán đủ. Cứ thế, ba ngày tết trôi qua lặng lẽ trong hơi men, trong những lời chúc tụng được lập trình sẵn. Mà hình như mọi hình thức diễn ra cũng như chỉ là làm cho có với thiên hạ, từ chúc tụng người lớn, lì xì cho con nít… Anh Hai ghé nhà, lì xì cho xấp nhỏ rồi uống liền tù mấy ly bia cho đúng phép, rồi lên xe dong tuốt. Rủ tối ghé, anh lắc đầu: “Tao kẹt độ!”.

2. Lại nhớ… hồi còn nhỏ.

Mới qua rằm tháng Chạp, lòng đã nôn nao, mong tết, dù biết trước sau gì đêm giao thừa cũng tới.

Chiều chiều, ra chiếc cầu sắt bắc ngang con rạch, chờ dáng anh Hai, chị Ba tay quảy nách mang, từ ký túc xá trên Sài Gòn về quê. Mấy ngày đó, dù rất thèm nhưng đành bỏ qua những buổi lội kênh, thụt cua, bắt tép. Bởi lỡ gặp rắn – nhẹ hơn thì miểng cứa chân – coi như đi tong mấy ngày Tết. “Mà tụi bây cũng để cho con cá, con cua đón tết với chớ!”, bà Hai đầu xóm, lắc lư mái tóc bạc trắng, nhóp nhép nhai trầu, nhắc khéo. Ừ, mấy bà già xưa mà!

Đêm hăm ba, nhà nào cũng bày mâm cúng ngoài sân, đưa ông Táo về trời, lửa nhang lung linh khắp xóm. Tụi nhỏ chúng tôi, chạy nháo nhác theo tiếng pháo nổ, giành nhau mấy viên pháo lép. Suốt mấy ngày Tết, sáng nào cũng hăm hở thay đồ mới, chờ cha mẹ, anh chị dắt đi chúc Tết ở nhà bà con thân quen. Tối về, chui vào góc nhà, nhẩm đếm tiền lì xì “thu” được. Xếp mấy tờ bạc mới tinh, cứ móc ra vuốt vuốt, không dám xài. Nhưng loay quay rồi vài ngày sau cũng hết. Vậy mà vui.

Nhớ lại mà cưòi.

Đêm ba mươi năm rồi, đứa em họ sống ở Hà Lan, điện thoại về chúc tết. “Em nhớ mấy ngày tết ở quê mình quá”, nó than. Tôi biết, nó nhớ những đêm ngồi cắn hạt dưa, tán chuyện hoài không dứt. Nhớ mấy bữa chạy lòng vòng coi múa lân. Nhớ mấy mẻ mứt phơi ngoài sân chờ tết, nhớ nồi bánh tét đỏ lửa thâu đêm. Nhớ cảnh chợ chiều ba mươi vắng tanh, còn trơ sạp, chõng, tha hồ chạy nhảy. Và, nó nhớ những buổi chiều cứ ra vào nhìn đồng hồ, chờ đúng sáu giờ là xách xe đạp, đi chở người yêu dạo chợ hoa, lựa dưa hấu…

Thôi! Tiếc gì. Cứ lo “cày”, khi nào rảnh về, có tiền là như có tết. Dưa hấu bây giờ có quanh năm. Tết rồi, mấy chị bán dưa ở chợ Cái Răng ngồi ngáp dài ngáp vắn rồi đó!

Phải chăng tuổi nào tết đó, cảm nhận khác nhau? Hay thời nào, tết vậy?

3. Mấy ngày nay, trời trở gió. Lập đông qua rồi, tết sắp về. Mấy chùm bông xoài trước nhà đã trút dần những cánh hoa màu sữa trắng muốt, thay thế bằng những trái non vừa nhú xanh lừng.

Mấy bà già trong xóm bắt đầu siêng thăm vườn. Chà! Mớ cam này chắc cũng vừa bán bữa hăm ba. Buồng chuối này dành cho mấy chị mua về cúng ông bà. Mong người ta đừng đổ xô mua mấy thứ trái cây chưng bằng nhựa, bằng không, nhiêu đó cũng đủ để chờ Tết.

Đêm công tác, nằm ở Bạc Liêu, nhớ tiếng cá kèo quẩy mình trở lặn. Nhớ hương vườn nhãn, nhớ câu Dạ cổ của Sáu Lầu. Ờ hé!, tất cả vẫn còn đó ở đất này, mà sao cứ như thấy thiếu, thấy nhạt… Dù muốn dù không, tất cả đã pha trộn một thứ gì đó mà người thời nay thường gọi nôm na là công nghiệp hoá. “Hoá” cả lời ca tiếng hát, bởi người ta cất giọng lên không bằng cái tâm, cái mê say thấm đượm mà chỉ hát để chiều theo những vị khách… say mèm đang vung tiền mua vui.

Những cánh đồng xanh rì ngút mắt của công tử Bạc Liêu ngày nào, nay đã thành những vuông tôm, rào rào những bộ quạt nước lầm lì xoay tít. Đâu còn những cánh cò bay mút mắt trên đồng lúa thẫm?

Biết sao được! Tờ lịch có bao giờ đứng yên. Mọi chuyện hôm nay không thể giống hôm qua. Chỉ có điều, cái mình thích, mình nhớ thì biết đâu có người chê xưa. Còn cái mình chán thì người ta lại thích, để mong đổi đời.

Và tết cũng tới chân rồi? Dù sao cũng không ngăn được những khoắc khoải tất niên, nên bèn tám chuyện tầm phào để nhớ vị ba ngày đầu xuân mới. Ừ! Thế mới là Tết…

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới