Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tâm sự của người “vác tù và hàng tổng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tâm sự của người “vác tù và hàng tổng”

Đỗ Hòa (*)

(TBKTSG) – Nói đến trách nhiệm xã hội (CSR), đa số chúng ta sẽ nghĩ đến những hoạt động từ thiện và bảo vệ môi trường. Đây thường là những hoạt động xã hội có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cho những hoạt động này được trích từ ngân sách năm và được hạch toán như là một loại chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy hầu như là không có chỗ cho những hoạt động xã hội cần kiên trì thực hiện lâu dài, mà người được hưởng lợi ích của nó là số đông, là toàn xã hội chứ không chỉ riêng một cá nhân hay doanh nghiệp nào.

Hơn 15 năm trước, khi còn đang phụ trách một vị trí cấp vùng cho một tập đoàn đa quốc gia, tôi có cơ hội tiếp xúc và làm việc với các đồng nghiệp, các doanh nghiệp ở các nước khác trong khu vực và nhận ra rằng trình độ quản lý và kinh doanh của người Việt Nam mình lúc ấy so với các nước chung quanh còn quá chênh lệch.

Chênh lệch cũng phải thôi, vì Việt Nam lúc ấy chỉ mới mở cửa hội nhập với nền kinh tế thị trường của thế giới chưa đến 15 năm. Từ đó tôi nhìn thấy triển vọng bị thua thiệt trên sân nhà theo lộ trình mở cửa hội nhập của Chính phủ là quá to lớn, quá thiệt thòi cho doanh nghiệp và đất nước mình. Và cũng từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ, liệu có cách gì để Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách ấy.

Theo hiểu biết của tôi, để rút ngắn khoảng cách về hiệu quả thì cần nâng cao năng lực, để cải thiện năng lực thì cần phải thu nạp kiến thức mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam lúc ấy vẫn trọng lý thuyết xem nhẹ thực hành và kiến thức giảng dạy thì là những lý thuyết đã lạc hậu.

Tôi nghĩ, nếu chờ Nhà nước thì không biết đến bao giờ, nên tôi xác định mục tiêu là làm sao để mọi người có nhiều cơ hội để học hỏi lẫn nhau hơn. Nhưng để lôi kéo những người khác, những người cũng có kiến thức, cùng tham gia với mình, thì vướng vào cái nhận thức hẹp hòi, kém hợp tác cố hữu của người Việt. Người Việt mình thường rất hiếm khi chia sẻ kiến thức, giúp đỡ lẫn nhau. Ai biết cái gì thì cứ ôm khư khư chỉ mình mình biết, vì sợ người khác biết thì họ sẽ giỏi hơn mình, rồi họ tranh mất cơ hội của mình.

Trong khi trong môi trường doanh nghiệp nước ngoài thì họ nhận thức rất rõ rằng, để liên tục tiến bộ thì mọi người trong doanh nghiệp ấy phải liên tục học hỏi, và quan trọng nhất, học với chi phí thấp nhất chính là học hỏi lẫn nhau. Và điều này không chỉ đúng trong môi trường doanh nghiệp mà đúng cả trong môi trường xã hội của một quốc gia.

Thách thức đặt ra là làm cách nào để có thể tác động mọi người thay đổi dần dần, xóa bỏ cái tư duy hẹp hòi, tiêu cực này. Làm sao để mọi người mạnh dạn chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, để cuối cùng ai cũng được lợi, ai cũng tiến bộ.

Để làm việc này, mới đầu tôi tạo ra một trang web, và dành thời gian biên tập nội dung để chia sẻ kiến thức về marketing (trang marketingchienluoc.com), sau đó khi bắt đầu có mạng xã hội Facebook thì tôi cũng viết bài chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Nhưng ngay cả như thế cũng không giúp ích được nhiều, bởi chia sẻ thì vẫn chỉ mình tôi. Những người khác chỉ âm thầm lên đọc và nắm bắt được gì thì cũng tự mình biết lấy, chứ không có ai làm theo tôi. Thậm chí tôi kêu gọi mọi người đưa ra ý kiến nhận xét, để mổ xẻ thêm cũng chẳng mấy ai hưởng ứng. Như vậy trang web thiếu hẳn sự tương tác nên hiệu quả tác động là không cao.

Vậy là tôi lại phải nghĩ thêm cách khác. Từ công cụ lập nhóm của Facebook, tôi lập ra một nhóm gọi là Group Quản lý doanh nghiệp, làm nền tảng cho phong trào Trí thức chia sẻ, và tôi mời tất cả những người mà tôi quen biết vào group này, bao gồm những anh chị mà tôi cho là có kiến thức và có thể chia sẻ cho cộng đồng.

Để kiến tạo một môi trường mà mọi người có thể chia sẻ và học hỏi nghiêm túc, tôi đặt ra “nguyên tắc 3 thật”. Đó là: “Người thật, việc thật, giá trị thật”.

Đến nay, sau hơn năm năm kể từ ngày phát động, phong trào Trí thức chia sẻ đã được hưởng ứng rộng khắp toàn quốc, chứ không chỉ riêng ở TPHCM và Hà Nội. Còn nội dung chia sẻ thì ngày càng đi vào chiều sâu hơn.

Tuy đến hôm nay nhìn lại, có thể nói rằng chúng tôi đã thành công so với mục tiêu đề ra, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều thuận lợi, không phải ai cũng ủng hộ sáng kiến này của chúng tôi. Khi group đã bước đầu thành công thì đồng thời cũng xuất hiện những lời chỉ trích, gièm pha… Một số anh em tham gia điều hành group đã có người bị tác động, nao núng và rời bỏ công việc.

Rất may là cuối cùng chúng tôi vẫn đứng vững, hoạt động của group từ khi được khai sinh cho đến nay, dù đã qua bao nhiêu đời ban điều hành, thì vẫn chỉ theo tôn chỉ quản lý là công khai, minh bạch, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, vì sự phát triển của cộng đồng. Nhờ vậy mà group vẫn tiếp tục hoạt động làm chỗ dựa đáng tin cậy để phong trào Trí thức chia sẻ được tiếp tục phát triển, ngày càng lan rộng, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng và xã hội.

Nhân đầu năm, tôi chia sẻ lại câu chuyện này trước hết là để cảm ơn các anh chị em đã cùng chung tay, cộng tác với tôi trong quá trình thực hiện sứ mệnh quan trọng này trong hơn năm năm qua.

Sau nữa là để nói với các anh chị em doanh nhân, trí thức rằng, bên cạnh việc kinh doanh kiếm tiền, vẫn còn có nhiều việc khác rất quan trọng mà xã hội cần những người như chúng ta chung tay thực hiện. Trong đó có việc kiến tạo nên một văn hóa tích cực cho người Việt.

(*) Công Ty Tinh Hoa Quản Trị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới