Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tầm sư học y đạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tầm sư học y đạo

Học viên Lars W Fenske đang châm cứu cho một bệnh nhân tại Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG) – Tại Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại TPHCM, chương trình giảng dạy dành cho học viên người nước ngoài rất “mở”, không có giáo trình, giáo án theo công thức. Học viên có thể yêu cầu bác sĩ phụ trách giảng giải bất cứ điều gì mà họ chưa thông suốt.  

Dù đã 49 tuổi nhưng Lars W Fenske vẫn quyết định rời Canada để sang Việt Nam tầm sư học y đạo. Y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam nay đối với ông là một chân trời mới cần khám phá sau sáu năm học YHCT của Trung Quốc và hai năm hành nghề tại Toronto nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn…

Đi cho biết đá biết vàng

Một ngày giữa tháng 2-2008, BS.Lê Hùng, làm việc tại Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại (YHCTHĐ) TPHCM, rất bất ngờ khi thấy một người đàn ông nước ngoài trạc 50 tuổi đến đăng ký học môn châm cứu và YHCT. “Tôi tên là Lars W Fenske, đến từ Canada”, người khách giới thiệu bằng tiếng Anh.

Fenske cho biết thông tin về YHCT Việt Nam rất khó tìm ở Canada qua sách báo. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của một số bác sĩ gốc Việt và thông qua Internet, ông đã đến Việt Nam. TPHCM là địa phương được Fenske đánh dấu ưu tiên trong sổ tay ghi những điểm cần đến. Việc đầu tiên là Fenske đề xuất những nội dung cần học để bác sĩ hướng dẫn chuẩn bị giáo án.

Bấm huyệt, vị trí của huyệt đạo, lộ trình của các đường kinh… là điều không mới đối với Fenske bởi ông không lạ YHCT phương Đông. Nền văn hóa phương Đông có sức hút kỳ lạ đối với Fenske. Ông cảm nhận điều này cách đây 21 năm khi bắt đầu tập thái cực quyền. Thời gian khổ luyện từ võ sinh lên võ sư mất khoảng tám năm đã giúp ông thể nghiệm nhiều điều từ môn võ “lấy tĩnh chế động”, “dùng nhu thắng cương”. Tuy nhiên, võ thuật không giúp ông giải tỏa những thắc mắc về vị trí của trên 600 huyệt đạo trong cơ thể, dù sau đó ông tập thêm yoga của Ấn Độ.

Một ngày nọ, trong lúc đang luyện võ, Fenske chợt nhận ra nếu muốn hiểu sâu về kinh mạch, huyệt đạo chỉ có cách thực nghiệm từng vị trí huyệt đạo trên cơ thể. Ông tìm đến môn châm cứu và YHCT của Trung Quốc. Cảm thấy học ở Canada chưa đủ, Fenske sang tận Trung Quốc để học thêm. “Dù tìm đến “tận gốc” của môn châm cứu nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với cách truyền đạt của người Trung Quốc, vì có cảm giác là họ giấu nghề”, Fenske chia sẻ với BS.Lê Hùng. Fenske cho biết: “Ở Trung Quốc tôi được học về lý thuyết từng phần của môn châm cứu, rồi đến công thức pha chế các loại thuốc. Cái cần nhất là tự do, sáng tạo trong quá trình học lại không có”.

Chương trình học của Fenske tại Trung tâm YHCTHĐ diễn ra vào các buổi sáng, từ thứ Hai đến thứ Sáu, học phí được tính theo buổi hoặc theo giờ. Điều thuận lợi đối với học viên người Canada này chính là những giờ học lý thuyết đan xen với thực hành chữa bệnh cho bệnh nhân, vì trung tâm là cơ sở thực hành của các lương y Hội Châm cứu và Hội Đông y TPHCM.

Như nước giếng càng múc càng trong

Tại Trung tâm YHCTHĐ, chương trình giảng dạy dành cho học viên người nước ngoài rất “mở”, không có giáo trình, giáo án theo công thức. Học viên có thể yêu cầu bác sĩ phụ trách giảng giải bất cứ điều gì mà họ chưa thông suốt.

Tình yêu thương càng được người thầy thuốc nuôi dưỡng phát triển thì giá trị của y đạo càng thể hiện rõ trong cuộc sống, dù ở bất cứ đâu, với bất cứ đối tượng nào. Y đạo giống như nước giếng, càng múc càng trong.

Giỏi kỹ năng chuyên môn, nhiều kinh nghiệm chữa bệnh là điều không thể thiếu đối với lương y, bác sĩ, nhưng quan trọng hơn hết họ phải thấm nhuần y đạo. BS.Trương Thìn, Giám đốc Trung tâm YHCTHĐ, cho rằng điều mà ông cũng như các bác sĩ khác muốn truyền đạt cho người học chính là tinh thần yêu thương bệnh nhân, mong muốn được phục vụ người bệnh hết lòng.

“Tình yêu thương càng được người thầy thuốc nuôi dưỡng phát triển thì giá trị của y đạo càng thể hiện rõ trong cuộc sống, dù ở bất cứ đâu, với bất cứ đối tượng nào. Y đạo giống như nước giếng, càng múc càng trong…”, BS.Thìn nhấn mạnh.

Phải chăng nhờ vậy mà, dù mới thành lập được hơn một năm, Trung tâm YHCTHĐ đã thu hút khá nhiều học viên đến từ Pháp, Ý, Mỹ, Nga…  Họ được các bác sĩ của trung tâm xem như những hạt giống cần được nuôi dưỡng phát triển, đồng thời còn là cầu nối để quảng bá nền YHCT Việt Nam ra khắp thế giới.

“Mục tiêu của trung tâm là trao cho người học chìa khóa trong chẩn đoán và điều trị để họ tự mở những cách cửa vốn được xem là mông lung, khó thấu triệt như châm cứu và YHCT Việt Nam”, BS.Lê Hùng nói.

Fenske cho biết sau khóa học bốn tháng ông sẽ về Canada xúc tiến thành lập trung tâm YHCT phương Đông và năm tới có thể sẽ trở lại Việt Nam. “Thời gian tôi học ở Việt Nam tuy ngắn nhưng kết quả thu nhận được rất nhiều. Có những điều trước đây học miệt mài ba, bốn năm vẫn chưa thông suốt, nay chỉ trong hơn một tháng là thấu triệt. Điều đó chứng tỏ các bác sĩ của Trung tâm YHCTHĐ có phương pháp giảng dạy rất dễ hiểu, khoa học, có khả năng làm mới những điều vốn được xem là truyền thống, bất di bất dịch trong nền YHCT”, Fenske nhận xét. 

* * *

Thời gian thấm thoát trôi qua, có khi vài ngày hoặc một tuần bạn bè của Fenske ở quê nhà lại nhận được e-mail mới của ông chia sẻ những gì mình đang gặt hái được từ Việt Nam. Fenske bây giờ ngẫu nhiên trở thành “sứ giả” quảng bá nền YHCT Việt Nam với bạn bè đồng nghiệp. Chân trời mới mà ông đã và đang khám phá biết đâu sẽ được bạn bè tiếp bước trong tương lai.

UYÊN VIỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới