Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tạm trữ cà phê thất bại, vì sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tạm trữ cà phê thất bại, vì sao?

Hồng Văn

Thu hoạch cà phê-Ảnh: Nguyễn Thịnh

(TBKTSG Online) – Hôm 15-7 là thời điểm kết thúc mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê, nhưng 5 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ ở Dak Lak – nơi chiếm hơn nửa sản lượng cà phê Việt Nam hàng năm và chiếm 2/3 khối lượng cầm mua tạm trữ của cả nước – chỉ mới mua tạm trữ được hơn 17.000 tấn.

>>Tạm trữ cà phê: liệu nông dân có đứng ngoài cuộc?

>>Băn khoăn “mua tạm trữ cà phê”

>>13 doanh nghiệp mua cà phê tạm trữ

>>Rắc rối …tạm trữ

Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) – những cơ quan đề xuất chính sách tạm trữ cà phê – không hề có thông tin về chính sách này thành công hay thất bại nhưng nhìn vào lượng cà phê mua tạm trữ tại Dak Lak, bất kỳ ai kinh doanh cà phê cũng thừa biết chính sách này đã thất bại hoàn toàn, nếu xét về mục tiêu mua 200.000 tấn cà phê.

Mua tạm trữ: không dễ

Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nơi duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay mua tạm trữ cà phê có hỗ trợ lãi suất 6% từ ngân sách nhà nước nhưng theo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Dak Lak, lượng vốn đã giải ngân cho vay mua tạm trữ cà phê trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 400 tỉ đồng, ứng với hơn 17.000 tấn.

Lâm Đồng là địa phương có diện tích cà phê lớn thứ hai trong nước, sau Dak Lak, việc doanh nghiệp mua tạm trữ còn èo uột hơn cả Dak Lak. Ngay cả ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cơ quan tham gia giám sát việc mua tạm trữ cà phê của doanh nghiệp, cũng thừa nhận cần phải có một chính sách khác, kịp thời hơn mới giúp người trồng cà phê khi mà nông dân trồng cà phê trong tỉnh bán cho các doanh nghiệp đăng ký mua tạm trữ không đáng kể.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Càphê Việt Nam (Vinacafe) cho rằng doanh nghiệp được vay vốn được hỗ trợ lãi suất 6% để mua tạm trữ nhưng muốn được việc, các doanh nghiệp đều phải vay theo lãi suất thỏa thuận, có khi lên tới 15-18%/năm. Như vậy, sau khi trừ 6% lãi suất được hỗ trợ, các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi 8-12%/năm.

Với mức lãi suất này, nếu tạm trữ 3-6 tháng thì riêng chi phí trả lãi đã khiến giá thành cà phê tăng cao, doanh nghiệp không dám mạo hiểm. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất còn việc kinh doanh thì các doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu. Bởi vậy nên khi mua hàng xong, doanh nghiệp thường phải nhanh chóng bán ngay, không dám để lâu trong kho.

Do giá cà phê thời gian gần đây lên xuống thất thường nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê làm ăn thất bát, uy tín với ngân hàng giảm sút, cộng với hàng loạt vụ vỡ nợ trong mua bán cà phê chôn vốn của ngân hàng khá nhiều, nên ngân hàng khá chặt trong cho vay mua cà phê, dù là mua tạm trữ.

Một doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ than rằng ngân hàng gây khó bằng cách đưa ra hàng loạt thủ tục. Cụ thể, doanh nghiệp mua tạm trữ muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất phải có bảng kê về lượng cà phê để tại kho ở đâu, có xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, của UBND tỉnh.

Thế nhưng, doanh nghiệp đề nghị cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh xuống kiểm tra kho để xác nhận làm cơ sở giải ngân thì lại nhận được câu trả lời không thừa người đến từng kho cân đong cà phê.

Vì đâu nên nỗi?

Trong các hội nghị, hội thảo về xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, các doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê đề xuất nhà nước nên thực hiện chính sách tạm trữ định kỳ hàng năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phản đối vì cho rằng tạm trữ là giải pháp cấp thời khi giá cà phê xuống thấp, nếu không, chính sách tạm trữ trở thành chính sách hỗ trợ lãi suất thuần túy cho doanh nghiệp, tạo cạnh tranh không lành mạnh trong cùng ngành nghề và giữa các doanh nghiệp với nhau.

Thực ra, những khó khăn trong mua cà phê tạm trữ như đã nói ở trên chỉ là hiện tượng bên ngoài, không phản ánh được toàn bộ bản chất của việc mua tạm trữ cà phê nhằm nâng đỡ giá cho nông dân như ý định tốt đẹp khi Thủ tướng ban hành chính sách này vào giữa tháng 4 năm nay, khi giá cà phê ở mức thấp, xung quanh 23.000 đồng/kg nhân xô trong một thời gian dài.

Ông Cao Đăng Dũng, một nông dân trồng cà phê ở huyện Cư Mgar, Dak Lak trong thư điện tử gửi cho người viết bài, cho rằng do phần lớn nông dân trồng cà phê thiếu vốn, nên hầu hết nhà nông ta sau vụ thu hoạch là phải bán để trang trải nào nợ nần, ăn uống, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, tái đầu tư cho rẫy cà phê (phân, thuốc bảo vệ thực vật, bơm tưới…).

“Cho dù lúc thu hoạch giá cả cao hay thấp, nông dân đều phải bán, chỉ có số ít người còn giữ cà phê lại chờ giá. Đó là những người có kinh tế khá giả hay là gia đình viên chức, giáo viên, cán bộ xã, huyện có đồng lương, có thu nhập nên không cần thiết phải bán ngay cà phê”, ông Dũng nói. Từ kinh nghiệm gắn bó với cây cà phê, ông Dũng cho rằng số cà phê được nông dân giữ lại không quá 30 % tổng sản lượng thu hoạch.

Trong khi niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái tới tháng 9 năm nay nhưng thu hoạch cà phê thì chỉ tập trung từ tháng 10 năm ngoái tới tháng 2, tháng 3 năm nay. Điều đó có nghĩa là, khi Chính phủ ban hành chính sách mua tạm trữ cà phê vào tháng 4, theo ông Dũng cũng như nhiều nhà quản lý nông nghiệp địa phương, thì lượng cà phê trong dân không còn nhiều nữa, mà cà phê đã nằm sẵn trong kho doanh nghiệp thương mại, đại lý hay nhà nông giàu có.

Do vậy, nếu bảo rằng tạm trữ để hỗ trợ giá cà phê trên thị trường thì thời đểm ban hành đã khiến cho chính sách tạm trữ không còn tác dụng. Chính sách tạm trữ của Chính phủ, theo đề xuất của Vicofa là đảm bảo nông dân trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30% giống như Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã từng làm với lúa gạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lại mua cà phê theo giá thị trường, có nghĩa là giá thấp thì họ mua thấp, giá cao doanh nghiệp mua cao, cho nên mục tiêu nâng đỡ giá cho nông dân của chính sách này hầu như không có ý nghĩa nữa. Cũng chính vì Vicofa và các doanh nghiệp tham gia mua không xây dựng được giá sàn mua cà phê nên những lời hứa đảm bảo nông dân có lãi tối thiểu 30% khi họ thuyết phục Chính phủ ban hành chính sách, cũng chỉ là lời hứa.

Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, người trồng cà phê trong tỉnh vẫn chưa bán được cà phê theo Quyết định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê mà nguyên nhân giá cà phê trên thị trường từ đầu tháng 6 hồi phục mạnh và hiện nay ở mức 29.000 đồng/kg.

Thời gian mua tạm trữ 3 tháng kéo dài từ ngày 15-4 tới 15-7 nhưng thời gian đầu thì giá thấp, doanh nghiệp còn chờ thủ tục, họp lên họp xuống và chờ ngân hàng dành ra hạn mức cho thu mua tạm trữ. Thời gian nước rút để mua cà phê chỉ trong vòng 1 tháng qua thì giá cà phê tăng vọt. Điều hiển nhiên là cà phê tăng thì doanh nghiệp sợ rủi ro, không dám thu mua. Nhưng cũng chính từ đây lại nảy sinh vấn đề là chính sách thu mua tạm trữ nhằm nâng đỡ giá cho nông dân lại không đề cập giá tăng tới mức nào thì ngưng mua.

Nếu doanh nghiệp vẫn mạnh dạn mua tạm trữ khi giá cà phê tăng cao, vượt qua cái ngưỡng “đảm bảo có lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân” mà nếu không ngưng mua thì việc dùng tiền ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê trở thành hỗ trợ hoàn toàn cho hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp mà lẽ ra doanh nghiệp không được thụ hưởng.

Nhưng ai, cơ quan nào là người có quyền xây dựng giá mua cà phê đảm bảo có lãi 30% và lấy mức giá đó làm cơ sở để ngưng chương trình thu mua tạm trữ nếu giá cà phê tăng cao, không cần phải tạm trữ nữa, thì không hề thấy nhắc tới trong chính sách tạm trữ.

Dường như khi đề ra chính sách mua tạm trữ cà phê hiện nay, cũng như các chính sách mua tạm trữ gạo, muối đang ồ ạt triển khai, không một ai lường trước việc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới