Tản mạn quanh chén trà xuân
(TBKTSG) – Một bà bạn từ Pháp gửi thư điện tử cho tôi, báo tin sẽ về ăn Tết, đồng thời giao cho tôi một “nhiệm vụ”: ngay từ cuối tháng 11 Dương lịch, phải tìm đến một địa chỉ quen ở phố Hàng Điếu (Hà Nội) để đặt cọc trước cho bà một cân trà ướp sen với yêu cầu “đúng như mọi năm”. Bà còn dặn: “Anh tới sớm đi kẻo không mua được đâu!”.
Tìm được đúng địa chỉ, khai tên người mua và đặt cọc 5 triệu đồng, tôi được bà chủ cho biết: “Ông đến vừa kịp đấy, vì tôi sắp khóa sổ rồi! Bà bạn của ông năm nào cũng đặt mua ở đây nên tôi biết. Mỗi năm, tôi chỉ nhận làm cho mươi khách quen thôi”.
Nổi máu tò mò, tôi nán lại để ngồi nghe bà kể về “quy trình sản xuất trà ướp sen”. Trước hết, 5 triệu đồng vừa đưa mới chỉ là tiền đặt cọc, bởi giá bán mỗi cân trà lên đến 8 triệu đồng.
Bà có một trang trại trồng trà trên Đồng Hỷ (Thái Nguyên) do một người con quản lý, và điều được mọi người tin cậy là tuyệt đối không bao giờ phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng… Khi trà đến lứa hái, những công nhân thời vụ mà bà thuê được hướng dẫn tỉ mỉ, chỉ hái “một tôm hai lá” chứ không bao giờ hái đến chiếc lá thứ 3. Việc vò, ủ, sao… cũng được những người thợ lành nghề thực hiện, với mức lương khá cao. Bà kể rằng khi sao trà, người thợ kỹ thuật chỉ sao bằng tay chứ không dùng một công cụ nào khác (nghĩa là trực tiếp đảo trà trong chảo gang bằng bàn tay trần của mình, có như vậy mới biết và điều chỉnh được nhiệt độ cần thiết).
Nhưng đó mới là khâu thứ nhất. Đến khâu thứ hai ướp hoa sen mới thật sự công phu và quan trọng. Bơi thuyền ra đầm sen, phải tìm những bông sen nở đúng độ, bốc một nhúm trà đặt vào bông sen và lấy một sợi rơm buộc nhẹ lại. Sáng hôm sau, lại bơi thuyền ra, hứng lấy trà ở từng bông, đựng vào một chiếc thúng khảo đan bằng mây đã lên nước nâu bóng. Về đến nhà lại phải đựng trà trong chiếc vại sành, đậy kín trong mấy ngày. Trà không bao giờ được gói bằng giấy báo (vì nó sẽ hút mùi mực in), mà gói bằng giấy bản (một loại giấy sản xuất thủ công) đã phơi và sấy kỹ, sau đó cho vào túi nylon rồi mới giao cho khách.
Xem ra, để có một ấm trà cũng lắm công phu! Đương nhiên, tôi chỉ… nghe để biết, chứ không… dám mua, bởi 8 triệu đồng đã bằng hai tháng lương hưu của tôi. Thứ trà đó pha như thế nào, uống như thế nào… thì tôi không dám lạm bàn, bởi từ trước đến nay mọi người đều tôn sùng cuốn Vang bóng một thời, với những truyện ngắn “kinh điển” về pha trà và uống trà của cố nhà văn Nguyễn Tuân mà hình như chưa có nhà văn nào viết được hay hơn.
Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ mà bà bạn tôi thường nói “chacun a son goût”, mỗi người có một ý thích riêng. Có người thích ướp hoa nhài hoặc hoa ngâu, lại có người chỉ dùng trà mộc – nghĩa là không ướp bất kỳ loại hoa nào. Lại nữa, vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhiều người uống trà xanh (miền Bắc gọi là trà tươi), và có những lão nông buổi sáng chỉ cần một bát nước trà tươi đặc chát (gọi là trà cắm tăm) rồi đánh trâu ra đồng cày cả buổi.
Có người bảo uống trà buổi sáng phổ biến ở miền Bắc, còn miền Nam thường uống một ly cà phê hoặc bữa ăn thường có ly trà đá, và “giải thích” rằng do thời tiết hai miền khác nhau. Cũng có thể như thế, nhưng từ thời “chín năm”, ở trong “R” đã có tiếng lóng rủ nhau “UTQ” nghĩa là “uống trà quạu” – mà trà pha đến mức “quạu” thì ai mà cho đá vô? Vậy là nêu “thời tiết” trong chuyện uống trà, chắc không phải! Vả lại, ở Hà Nội hiện nay, món trà đá cũng đã khá phổ biến, thậm chí giữa những ngày đầu đông rét ngọt, vẫn có những quán trà đá đông khách ở phố Nhà Thờ.
Kể như nóng, thì Ấn Độ rõ ràng nóng hơn ta nhiều. Nhưng bốn năm trời công tác và sinh sống ở Ấn Độ, tôi chỉ thấy một loại: trà đen đun thật nóng, pha với sữa trâu murah và đường, có thêm một lát gừng tươi. Hơn 1 tỉ người Ấn chẳng thấy ai uống trà đá cả.
Bang Tây Bengal có thứ trà mang thương hiệu Dajerling (tên một vùng đất phía Bắc Calcutta mà nay gọi là Kolkata) nổi tiếng trên thế giới, cũng là thứ trà đen. Và vì có pha sữa trâu nên chén trà của bạn gần bằng chiếc chén ăn cơm, chứ không thể uống bằng loại chén hạt mít hay chén mắt trâu như ở ta! Còn ở xứ Ảrập (Ai Cập, Syria…) mỗi chén trà nóng lại được thả vào một cái lá húng. Bạn cũng có những quán trà trên hè đường và những địa điểm rất quen thuộc mà đến đó, có thể được gặp những nhà văn, nhà báo nổi tiếng… cũng đến uống trà, hút shisha (kiểu như chiếc điếu ống của ta, hiện đã xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội và TPHCM) và đàm luận về thời cuộc.
Trong một lần đến dự chiêu đãi quốc khánh của Đại sứ quán Morocco, sau món kuds-kuds rất ngon ăn với thịt cừu (một thứ từa tựa như món mèn mén của đồng bào Mông), mọi người được mời một ly trà nóng: người phục vụ cho một nắm to thứ lá tựa như lá húng vào bình, sau đó mang một ấm trà đen nóng sôi rót vào bình đó, và rót ra ly mời khách. Hình như trong trà đã có đường nên ngọt ngọt, và ly trà rất thơm.
Một lần ghé qua Turmenistan (từ thời Liên Xô cũ), bạn mời trà pha với mật ong, và có kiểu uống rất… khôn: chén trà nóng được rót từng ít ra chiếc đĩa lót chén, và mọi người xì xụp uống. Nói “khôn” vì rót ra đĩa thì trà đã nguội một phần để uống rất vừa miệng, không quá nóng như khi đưa cả chén trà lên miệng… Còn “trà đạo” của Nhật Bản thì đã có ở Việt Nam, và nhiều người đã biết, cũng như loại “trà trảm mã” của Trung Quốc (để con ngựa thật đói rồi cho ăn lá trà, sau đó… chém đầu con ngựa để lấy trà đã ủ trong dạ dày) thì nghe như chuyện cổ tích, chứ hình như chưa ai nhìn thấy cả!
Thì ra trên thế giới này, quanh chuyện uống trà cũng hết sức đa dạng, đa phong cách, và mỗi nước – thậm chí mỗi miền – có kiểu trà, kiểu uống khác nhau, chẳng ai có thể kết luận rằng uống như thế nào là đúng, là ngon, hoặc trà nào ngon hơn trà nào. Trà gì thì cũng uống theo kiểu nhâm nhi, nhấp từng ngụm nhỏ (trừ trà đá), chứ uống trà mà “uống như trâu” (xin lỗi chú Trâu Kỷ Sửu) sẽ chẳng còn gì để bàn nữa!
NGUYỄN LÊ BÁCH