Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tán thành đề xuất kéo dài áp dụng nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tán thành đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31-12-2023.

Tại hội trường Quốc hội ngày 24-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này.

Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo đánh giá việc tổng kết việc thực hiện nghị quyết trên và thẩm tra tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: quochoi.vn

Kết quả xử lý nợ xấu chưa vững chắc

Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến tính hiệu lực của nghị quyết và hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu.

Ủy ban Kinh tế cho rằng từ khi có hiệu lực thi hành Nghị quyết số 42 đã đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

“Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả. Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như bất động sản (chiếm 18,4%), cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%), BOT, BT giao thông (3,92%)…” ông Thanh nói

Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30-6-2022). Mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Nhất trí kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết

Ủy ban Kinh tế cho rằng trường hợp Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, không được kéo dài có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu. Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng; tránh ảnh hưởng lớn, không thuận đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng…

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31-12-2023 và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Để tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.

Có ý kiến tán thành việc kéo dài thời hạn áp dụng của nghị quyết nhưng đề nghị cân nhắc sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết số 42 như mở rộng phạm vi của khoản nợ xấu; bổ sung đối tượng là công ty mua bán nợ được áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu như VAMC; bỏ quy định trong hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính….

Ngoài ra, trước áp lực nợ xấu của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, ông Thanh đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này.

1 BÌNH LUẬN

  1. Kéo dài thời gian thực hiên nghị quyết 42 chỉ có hiệu quả khi đi kèm với những giải pháp khả thi hơn nhằm nâng cao hiệu lực thực thi trong thực tiễn. Quốc hội cần chỉ ra những việc có liên quan đến từng ngành, từng cấp cần phải xử lý dứt điểm để việc kéo dài nghị quyết được thuận lợi. Yêu cầu đặt ra là cần nâng tầm NQ lên thành luật xử lý nợ xấu thì mới căn cơ được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới