Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào Nhật

Ông Trần Quốc Mạnh (phải ảnh), Tổng giám đốc Công ty gỗ Sadaco đang trao đổi với các nhà nhập khẩu gỗ của Nhật tại Hội chợ EXPO đồ gỗ 2008-Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Một ngày trước khi đại diện cho Thủ tướng ký kết Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong cuộc họp báo ngày 24-12 tại TPHCM cho rằng hiệp định nói trên là cơ hội cho xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm tới.  

Hơn một năm qua, các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, cà phê và một số loại nông sản khác đã trông chờ vào hiệp định này khi mà Nhật là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện nay và hàng loạt mặt hàng của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu khi vào Nhật.  

Dệt may: cạnh tranh sòng phẳng  

Không phải ngẫu nhiên mà hồi đầu năm nay, khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu dệt may cả năm 9,5 tỉ đô la Mỹ thì Hiệp hội Dệt may Việt Nam lại khiêm tốn đặt mục tiêu xuất khẩu vào Nhật có 800 triệu đô la Mỹ. Theo hiệp hội này, cản trở lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Nhật những năm qua chính là thuế suất nhập khẩu. Sáu nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Bruney và Thái Lan đã được Nhật hạ mức thuế xuống 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này; trong khi hàng dệt may của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế bình quân khoảng 10%.  

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân cho biết hàng dệt may của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường Nhật một cách mạnh mẽ hơn sau khi có Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản.  

Theo hiệp định này, hàng dệt may Việt Nam nhập vào Nhật được đánh thuế 0%, thay vì 10% như lâu nay. Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất 0%, hàng dệt may Việt Nam phải tuân thủ một số điều kiện nghiêm ngặt của phía Nhật là phải sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc nguyên liệu nhập từ Nhật hay từ các nước trong khối ASEAN.  

“Rào cản này không lớn và điều này có nghĩa hàng dệt may Việt Nam có điều kiện cạnh tranh sòng phẳng với hàng dệt may nhiều nước khác tại thị trường Nhật. Một trong ba thị trường chính của dệt may Việt Nam hiện nay là Mỹ, EU và Nhật”, ông Ân cho hay.  

Ngoài ra, phía Nhật còn hỗ trợ tăng cường sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp dệt may cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong khảo sát, tiếp cận thị trường Nhật Bản.  

Đồ gỗ: quay lại Nhật  

Trước khi xuất khẩu gỗ của Việt Nam bùng nổ vào năm 2003 thì Nhật là thị trường xuất khẩu đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất của Việt Nam nhưng sau đó vị trí này bị đẩy xuống hàng thứ ba, sau Mỹ và EU. Ông Vũ Văn Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật trong lần dẫn đoàn doanh nghiệp nhập khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của Nhật dự EXPO đồ gỗ 2008 vào tháng 10 năm nay, cho rằng doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn thiếu quan tâm thị trường Nhật.  

Ông Trung phân tích, các doanh nghiệp trong nước chú trọng nhiều vào thị trường Mỹ và EU vì bán được những đơn hàng lớn, dễ thiết kế mẫu mã chứ ít quan tâm thị trường Nhật – vốn có đặc điểm tiêu thụ đồ gỗ khác với những thị trường nói trên. Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Nhật hơn 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhưng đồ gỗ Việt Nam chỉ chiếm có 6-7% thị phần nhâp khẩu của nước này, đứng sau hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Ý. 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng theo hiệp định thì trong vòng 10 năm tới, Nhật sẽ miễn thuế 95% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có gỗ, thủ công mỹ nghệ. Như vậy, có khả năng tới năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường này có thể hơn 700 triệu đô la Mỹ. Trong khi vào năm 2005, chính hiệp hội này cũng chỉ “dám” đặt ra mục tiêu khiêm tốn là xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào Nhật 300-400 triệu đô la Mỹ vào năm 2010.  

Cà phê và nông sản: thoáng nhưng không dễ  

Thanh long Việt Nam vẫn chưa thể vào Nhật vì vướng kiểm dịch-Ảnh: Hồng Văn.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên viên cao cấp của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), cho biết hiệp định nói trên đã giúp cởi trói cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam khi xuất khẩu cà phê nhân vào Nhật. Hiện tại Nhật là thị trường xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam lớn nhất khu vực châu Á; như trong niên vụ 2007-2008, xuất khẩu cà phê nhân của các doanh nghiệp vào Nhật hơn 52.000 tấn.  

Mặc dù mang tiếng là quốc gia nhập khẩu cà phê lớn từ Việt Nam nhưng con số nó trên quá khiêm tốn so với xuất khẩu cà phê nhân xấp xỉ 1 triệu tấn mỗi niên vụ của Việt Nam.  

Hơn một tháng trước lễ ký hiệp định diễn ra, các nhà nhập khẩu cà phê Nhật đã có công văn gửi cho Vicofa, thông báo trước các tiêu chuẩn nhập khẩu cũng như những loại cà phê nào được cắt giảm thuế để các nhà xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị. Danh sách các mặt hàng cà phê được giảm thuế chiếm khoảng 2/3 trong danh sách cà phê nhân nhập khẩu vào Nhật.  

Một doanh nghiệp cà phê cho biết xuất cà phê đi Nhật ông không hề ngán ngại chuyện có thuế hay không thuế, mà chính là hàng rào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm quá nghiêm ngặt của nước này.

Một chi tiết thú vị mà ông Nhạn cho rằng có thể hỗ trợ xuất khẩu cà phê của Việt Nam là vài năm gần đây, cà phê Việt Nam nâng cao uy tín của mình tại Nhật nhờ nâng cao chất lượng và quảng bá rộng rãi thông qua kênh tham tán thương mại và kênh du lịch của các đoàn lữ hành Nhật tại Việt Nam. Đặc biệt, người Nhật đang có xu hướng uống cà phê đặc pha phin như ở Việt Nam thay vì uống các gói cà phê hòa tan pha sẵn và đây thực sự là cơ hội cho cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ cà phê mà rau quả, gạo, thủy sản khi xuất khẩu vào Nhật cũng bị vướng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Rào cản này không dễ vượt qua trong thời gian một hay hai năm. Chẳng hạn như trái thanh long của Việt Nam hiện đã đủ tiêu chuẩn xuất vào Mỹ nhưng với thị trường Nhật thì chưa, do phía Nhật yêu cầu phải xử lý ruồi đục quả bằng hơi nước nóng, khác với chiếu xạ như Mỹ.

Tương tự là gạo, thủy sản mà một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải thốt lên rằng: “Sợ nhất là bán hàng cho Nhật, các nước thì đàm phán khá nhanh, còn Nhật thì ngoài đàm phán giá cả, phương thức giao nhận, còn phải gửi mẫu hàng sang cho nhà nhập khẩu mang đi kiểm tra ở cơ quan thẩm quyền rồi mới quyết định có mua hay không”.

Trong hiệp định, phía Nhật cũng cam kết hợp tác với Việt Nam xây dựng dự án trung tâm vệ sinh SPS (vệ sinh dịch tể và kiểm dịch động thực vật) tại Việt Nam, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng quản lý khu vực sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới