Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng giá điện, thêm nguy cơ ô nhiễm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng giá điện, thêm nguy cơ ô nhiễm?

(TBKTSG) – Tác động từ việc giá điện tăng lên bình quân 8,92% sẽ khiến một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất bởi khó có thể tăng giá sản phẩm trong bối cảnh sức mua kém, xuất khẩu yếu. Nhưng một tác dụng phụ không kém phần nguy hiểm mà ít người đề cập là nguy cơ gia tăng việc xả nước bẩn từ sản xuất ra môi trường nhằm tiết kiệm chi phí xử lý?

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên, Sở Tài nguyên – Môi trường Cần Thơ cho biết, nếu xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học thì doanh nghiệp phải sử dụng lượng điện khá nhiều nhằm vận hành hệ thống.

“Xử lý bằng hóa chất thì không tốn nhiều điện, nhưng thường chỉ có các doanh nghiệp sản xuất hóa chất mới sử dụng công nghệ này. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực phẩm… trong các khu công nghiệp ở Cần Thơ vẫn phải xử lý bằng phương pháp sinh học. Bình quân với một hệ thống xử lý nước thải có công suất 500 mét khối/ngày đêm, phải mất 2 triệu đồng tiền điện/24 giờ”, ông Minh nói.

Ông Minh dẫn chứng, chỉ riêng một xí nghiệp tại khu công nghiệp Trà Nóc, trước đây bình quân mỗi tháng phải mất khoảng 100 triệu đồng tiền điện để vận hành hệ thống xử lý. Ấy vậy mà nhiều người dân khu vực lân cận vẫn luôn than phiền về sự ô nhiễm mà xí nghiệp này gây ra trong quá trình sản xuất. Nay khi giá điện tăng 8,92%, xí nghiệp này phải mất thêm mỗi tháng gần 9 triệu đồng tiền điện để vận hành hệ thống xử lý.

Chi phí tăng, ai dám đảm bảo không có chuyện doanh nghiệp lén lút xả thẳng nước thải ra môi trường để “tiết kiệm” tiền điện?

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chi tiền nhân công vận hành, phí bảo dưỡng… hàng tháng cho hệ thống xử lý. Lúc giá điện chưa tăng, theo ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, việc làm sao để các doanh nghiệp hoạt động liên tục hệ thống xử lý đã là vấn đề hết sức nan giải.

Lực lượng giám sát, xử lý mỏng, nên doanh nghiệp vẫn lén lút xả thẳng nước thải ra môi trường. Có doanh nghiệp chi hàng tỉ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nhưng chỉ vận hành khi… có đoàn kiểm tra đến. “Cứ thấy hệ thống xử lý nào mà thải nước ra tung bọt trắng xóa là biết mới được vận hành “chữa cháy” để đối phó. Nhưng làm sao xử lý?”, một cán bộ chuyên đi kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp… cho biết.

Số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ cho thấy, cả vùng ĐBSCL hiện phải tiếp nhận 47,2 triệu mét khối nước thải công nghiệp/năm – chưa kể chất thải rắn và một số loại chất thải cần xử lý khác. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đã khó, nay càng khó hơn khi chi phí vận hành tăng theo giá điện.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới