Thứ Tư, 22/03/2023, 20:58
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tăng giá khí gây lo ngại giá điện tăng theo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng giá khí gây lo ngại giá điện tăng theo

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc tăng giá bán khí cho các nhà máy điện từ ngày 1-6 và đề xuất này đã được trình lên Chính phủ. Việc này đang kéo theo mối lo ngại về ảnh hưởng lên giá điện, vốn vừa được tăng lên cách đây chưa đầy 2 tháng.

Lý do tăng giá khí

Hiện nay giá bán khí khu vực Đông Nam Bộ cho các hộ tiêu thụ điện là 2 đô la Mỹ/triệu BTU (đơn vị nhiệt) đối với khí khai thác từ bể Cửu Long và 3,48 đô la Mỹ/triệu BTU đối với khí từ bể Nam Côn Sơn, có tính thêm trượt giá 2%/năm. Riêng khí tại khu vực PM3-CAA có giá 3,96 đô la Mỹ/triệu BTU.

Công ty TNHH Một thành viên Chế biến và Kinh doanh Các sản phẩm khí hiện đang bán cho Công ty TNHH Một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Bà Rịa theo giá 2 đô la Mỹ/triệu BTU đến hết 31-10-2009 nhưng giá có thể thay đổi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Bộ Công Thương, lý do của việc tăng giá là lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh khí khu vực Đông Nam Bộ nói chung và bể Cửu Long của PVN ngày càng giảm. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng mức đầu tư từ hoạt động này giảm từ 21,7% (năm 2007) đã giảm xuống còn 18,7% (năm 2008) và dự kiến 10,3% (năm 2009).

Nguyên nhân là do chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tăng cao, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống đường ống thu gom lớn và tiền nộp ngân sách nhà nước tăng từ 2 xu Mỹ/m3 năm 2007 lên 5 xu Mỹ/m3 năm 2008 và 7,2 xu Mỹ/m3 năm 2009.

Hiện tại, PVN đang bán khí cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tổ hợp các nhà thầu BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 tại khu vực Đông Nam Bộ.

Giá khí tăng ảnh hưởng giá điện?

Phía PVN, nơi độc quyền phân phối nguồn khí, trong văn bản gửi Bộ Công thương đề xuất tăng giá khí từ 1-5-2009 với giá bình quân 2,98 đô la Mỹ/triệu BTU, kéo theo giá bình quân năm 2009 là 2,65 đô la Mỹ/triệu BTU. Điều này dẫn đến chi phí mua khí của các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ tăng thêm 1,8% so với giá mua khí của các nhà máy điện hiện tại (tăng khoảng 13 triệu đô la Mỹ).

Năm 2010, nếu tăng giá lên 3,48 đô la Mỹ/triệu BTU và 3,55 đô la Mỹ/triệu BTU (tăng giá vào 2 đợt cụ thể) thì chi phí mua khí của các nhà máy điện sẽ tăng thêm 2,7% so với giá hiện tại (tăng khoảng 20 triệu đô la Mỹ).

Đề xuất tăng giá khí của PVN được Bộ Công Thương đánh giá là “mức tăng không lớn và phù hợp với việc tăng giá điện mà Thủ tướng đã quyết định trong năm 2009 đến 2012 theo cơ chế thị trường”. Bộ Công Thương cũng dẫn lại quan điểm của Bộ Tài chính nhất trí với giá bán khí mới mà PVN đề xuất nói trên nhưng thời hạn bắt đầu thực hiện từ ngày 1-6-2009, có tính thêm mức trượt giá 2%/năm sau năm 2010.

Việc tăng giá khí sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện trong 7 tháng cuối năm 2009, mức tăng khoảng 238 tỉ đồng nhưng giá bán điện bình quân vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng 8,92% so với năm 2008, theo quan điểm của Bộ Tài chính.

Lộ trình giá bán điện theo cơ chế thị trường mới được thực hiện từ 21-3 vừa qua và Bộ Công Thương khẳng định rằng, giá điện sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu cần thiết) theo lộ trình 6 tháng/lần. Đề xuất này của PVN và Bộ Công Thương chưa nhận được hồi âm từ phía EVN, là nơi tiêu thụ khí lớn nhất.

Trước đó, EVN cũng đã gửi văn bản lên Chính phủ về việc không huy động được sản lượng điện từ các nhà máy điện khí của PVN, do có vấn đề từ việc khai thác một số mỏ khí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới