Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng giá vé vì ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng giá vé vì ai?

Bình Nguyên

(TBKTSG Online) – Chỉ trong vòng chưa tới hai tuần đầu của tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam đã bị tác động bởi hai việc đều liên quan đến giá cả: tỉnh Quảng Ninh quyết định tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo tăng giá vé máy bay nội địa 15-20% theo khung giá trần mới từ ngày 15-12-2011.

>>> Giá vé máy bay tăng 15-20%.

>>> Chưa áp dụng mức trần vé máy bay cao nhất.

>>> Vụ lữ hành: Chưa nên tăng phí tham quan Hạ Long.

>>> Lại kiến nghị ngừng tăng phí tham quan vịnh Hạ Long.

>>> Doanh nghiệp phản ứng việc tăng phí tham quan vịnh Hạ Long.

Những động thái kể trên ngay lập tức đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau của ngay chính các doanh nghiệp du lịch. Bởi lẽ, Quảng Ninh tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long không lâu sau khi di sản này tạm thời được chọn vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; và Vietnam Airlines thông báo tăng giá vé nội địa sau khi mức giá trần mới được Bộ Tài chính duyệt và chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là bắt đầu mùa cao điểm tết.  

Tăng giá vé vì ai?
Vịnh Hạ Long đang thu hút dư luận vì giá vé tham quan tăng – Ảnh: Bình Nguyên

 

 

Động cơ tăng giá

Vì thời điểm tăng giá vé được cho là “nhạy cảm” và “không phù hợp” nên khiến các doanh nghiệp trong ngành và dư luận phản ứng. Họ cho rằng các quyết định trên chủ yếu là nhằm phục vụ lợi ích, mục tiêu tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận của tỉnh Quảng Ninh, các hãng hàng không mà không cân nhắc kỹ đến lợi ích, khó khăn của khách hàng, người tiêu dùng khi lạm phát vẫn tăng cao.

Trước những phản ứng và đề nghị của các doanh nghiệp lữ hành, các hiệp hội du lịch về việc ngừng tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã giải thích tại cuộc họp báo vào tuần qua rằng quyết định tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Lý do là lộ trình tăng giá vé đã được bắt đầu cách đây 4 năm và được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua vào ngày 18-10.

Theo Quyết định số 3620/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 1-12-2011, giá vé mới tham quan vịnh Hạ Long được áp dụng, với mức cao nhất là 60.000 đồng/trẻ em và 130.000 đồng/người lớn. Tỉnh cho rằng mức điều chỉnh là “nhằm đảm bảo nguồn chi phí đáp ứng cho việc quản lý, bảo tồn và tiếp tục đầu tư phát huy giá trị di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long”.

Có nhiều câu hỏi xoay quanh cách giải thích của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh. Đó là lộ trình tăng giá vé đã có từ 4 năm trước thì sao không áp dụng sau khi HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua hay trước thời điểm Hạ Long được công bố là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và phải đợi sau đến sau khi kết quả bình chọn đã có? Phải chăng tỉnh Quảng Ninh muốn được cả hai điều: vừa được danh hiệu và rồi tận dung danh hiệu này để tăng thêm nguồn thu? Và nếu thế thì quyền lợi của chính những người đã bầu chọn cho vịnh Hạ Long là gì khi họ đã tự nguyện nhắn từ vài đến hàng trăm tin để ủng hộ cho di sản thiên nhiên thế giới đã hai lần được UNESCO vinh danh này. Họ có được giảm giá vé hay được miễn phí không khi một ngày nào đó họ có dịp đến tham quan địa danh mà chính họ đã mất tiền và công sức bầu chọn?

Tương tự, việc công bố điều chỉnh giá vé máy bay nội địa của Vietnam Airlines một ngày sau khi Bộ Tài chính có Quyết định số 2967 về khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cũng khiến chính đối tác của hãng là các doanh nghiệp lữ hành và người tiêu dùng cảm thấy lo lắng.  

Lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng

Một cuộc họp báo đã được tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội để đại diện Cục Hàng không, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vietnam Airlines giải thích thêm về đợt tăng giá trần mới.

Đại diện của Cục Hàng không cho rằng việc điều chỉnh mức trần giá vé máy bay được tính toán thận trọng trên cơ sở cân đối hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng để giúp các hãng hàng không giảm lỗ cũng như mở thêm các đường bay mới.

Vietnam Airlines sẽ điều chỉnh giá vé máy bay nội địa tăng 15-20% tùy từng đường bay theo khung giá trần mới từ ngày 15-12-2011. Ảnh: Bình Nguyên

Theo Tuổi Trẻ, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho rằng việc nâng mức trần giá vé máy bay lần này sẽ tạo điều kiện cho hãng đưa ra thị trường nhiều loại vé và khách có nhiều cơ hội hơn mua vé giá thấp.

Có thể nói, giá vé máy bay trong nước đang dần được điều tiết sát theo luật cung cầu trên các đường bay có hai hãng tham gia khai thác, đặc biệt là vào mùa thấp điểm khi các hãng hàng không đã đưa ra nhiều giá vé khuyến mãi hơn và ngược lại nhiều loại vé giá cao cũng được áp dụng cho mùa cao điểm.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng hiện thị trường hàng không đang vào mùa cao điểm và do vậy quyết định nới giá trần vé máy bay dường như đang nghiêng về phần có lợi cho phía doanh nghiệp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng cao và mùa cao điểm tết đang đến gần, và như thế các hãng hàng không có thể bán ngay nhiều vé đụng mức trần cho phép.

Đại diện của các hãng hàng không từng nói “Tết là mùa phục vụ” vì họ chỉ thu được lợi nhuận trên các chuyến bay từ TPHCM đi các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và khu vực Tây Nguyên trước tết và chiều ngược lại sau tết. Thường các chuyến bay từ các vùng này vào TPHCM giai đoạn trước tết rất vắng khách nên các hãng cho rằng nguồn thu từ đầu cao điểm cũng không bù chi cho đầu thấp điểm nếu giá trần bị khống chế.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng những năm gần đây hiện tượng lệch đầu cũng đang được thu hẹp dần vì một số lớn khách thay vì về quê trước tết thì dời lại sau đó. Ngoài ra, nhiều người đang thay đổi thói quen là thay vì “ăn tết” ở nhà dài ngày thì họ lại đi du lịch, có thể ngay chiều mùng Một hay mùng Hai Âm lịch nên vé của các chuyến bay nội địa khởi hành từ TPHCM vào các ngày sau tết cũng không dễ dàng mua được.

Một trong những mục đích tăng giá trần vé máy bay là giúp các hãng hàng không giảm lỗ trên các đường bay nội địa. Nhưng nhiều người cũng có quyền đặt câu hỏi về nguyên nhân lỗ của các hãng hàng không có phải là do giá vé máy bay nội địa thấp hơn giá thành dịch vụ các hãng cung cấp hay do vấn đề quản trị doanh nghiệp yếu kém, hay việc khai thác máy bay không hiệu quả?.   

Tăng giá dịch vụ là quyết định, là kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, của địa phương nhưng cần phải được cân nhắc đưa ra đúng thời điểm để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và người tiêu dùng.

Đã có ý kiến cũng cho rằng trong kinh doanh có nhiều cách để tăng lợi nhuận nhưng cũng làm hài lòng người tiêu dùng. Ví dụ việc hạ giá vé tham quan vịnh Hạ Long có thể giúp thu hút khách đến nhiều hơn. Điều này sẽ vẫn bảo đảm cho nguồn thu từ tiền vé tham qua vịnh Hạ Long nhưng tỉnh có thể sẽ thu được nhiều thuế hơn từ các công ty kinh doanh dịch vụ khách sạn, ăn uống… vì khi khách đến nhiều hơn sẽ giúp tăng thêm nguồn thu từ các dịch vụ liên quan. Kế hoạch này chắc chắn sẽ tốt hơn việc tăng giá vé tham quan nếu khách giảm và nguồn thu từ các dịch vụ liên quan cũng giảm theo.

Dù ngẫu nhiên, thì quyết định tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long sau khi danh thắng này lọt vào danh sách tạm thời 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới và việc nới giá trần vé máy bay vào mùa cao điểm ngay trước tết cũng khó nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp du lịch và người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới