Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng hơn gấp đôi kinh phí vẫn chưa xong! 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng hơn gấp đôi kinh phí vẫn chưa xong! 

Cống KH 9 luôn mở cửa bỏ không kể từ khi hoàn thành. Ảnh: Hồ Hùng

(TBKTSG Online) – Câu chuyện tiểu dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No một lần nữa được đề cập với nhiều bức xúc sau khi đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ giám sát tình hình thực hiện công trình này.

Dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No, thuộc dự án phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL, nhằm kiểm soát lũ cho 45.430 hecta đất tại Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang. Dự án này từ số vốn dự kiến chỉ khoảng 263,8 tỉ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh đã tăng lên trên 598,5 tỉ đồng; trong đó có gần 433 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, hơn 150 tỉ đồng từ vốn đối ứng của trung ương và hơn 15,5 tỉ đồng vốn huy động từ người dân.

“Trong quá trình triển khai thực hiện tiểu dự án Ô Môn – Xà No, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần điều chỉnh quyết định đã phê duyệt và quyết định bổ sung các hạng mục công trình của tiểu dự án. Điều này chứng tỏ công tác khảo sát, thiết kế ban đầu là chưa tốt, chưa sát với thực tế”, đây là một đoạn trong báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện tiểu dự án Ô Môn – Xà No vừa được công bố.       

Trước đây, tại một hội thảo về tiểu dự án này vào năm 2006, một số đại biểu đã tỏ ra hoài nghi về tính chính xác của các số liệu công bố về lưu lượng, tốc độ dòng chảy, ảnh hưởng xói lở… khi hàng loạt hạng mục, công trình phải thay đổi so với thiết kế ban đầu nhưng những yếu tố trên không được tính toán lại. Ví dụ, theo thiết kế ban đầu của Phân viện Khảo sát quy hoạch thuỷ lợi Nam bộ (nay là Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam), toàn công trình chỉ có 35 cống nhưng đến tháng 5- 2007 đã điều chỉnh lên 103 cống…    

Tuy nhiên, đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiểu dự án Ô Môn – Xà No hiện chưa phát huy được tác dụng mong muốn. Theo đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ, điều khiến người dân bức xúc là tình trạng thi công dang dở ở nhiều hạng mục gây ảnh hưởng xấu và cũng làm công trình chưa phát huy hiệu quả.      

Hiện tại, theo đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ, về tổng thể thì việc triển khai thực hiện một số hạng mục của tiểu dự án chưa đảm bảo các yêu cầu về tiến độ và khối lượng. Dù khởi công từ đầu tháng 4-2005, nhưng đến nay nhiều đoạn đê vẫn dang dở, chưa nối liền nên không phát huy tác dụng ngăn lũ. Bên cạnh đó, do một số cống cũng chưa làm xong nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn, dễ gây tai nạn… Trong vùng dự án, đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm cục bộ, kiệt nước canh tác… khiến nhiều người dân bức xúc.    

Trước mắt, đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm cùng địa phương khảo sát thực tế để lập dự án bổ sung (dự kiến vốn khoảng 150 tỉ đồng), trình Chính phủ cho phép đầu tư tiếp để hoàn chỉnh công trình, tránh tình trạng đầu tư dang dở, tốn kém kinh phí lớn nhưng không phát huy tác dụng.         

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một số cống lớn như KH 9, Cầu Nhiếm… đã hoàn thành nhưng lâu nay vẫn không hề hoạt động.     

Điều đáng lưu ý là tiến trình thực hiện dự án được khởi động từ hồi năm 1999, nhưng việc triển khai thực hiện không hề có sự giám sát của cộng đồng. Theo báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ, không ai biết được các hạng mục cống, đê được thiết kế và thi công như thế nào, ngoài đại diện chủ đầu tư và người trúng thầu. Công trình có vốn đầu tư lớn nhưng gần như khoán trắng thi công, khiến nhiều cử tri thắc mắc về việc thi công và chất lượng công trình; chưa vận hành, chưa phát huy tính năng nhưng hiện đã có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng và cũng không… hoạt động được.      

Một thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ cho rằng, trung ương đã chỉ đạo bàn giao công trình cho địa phương quản lý và khai thác nên địa phương… buộc phải nhận; tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhân sự quản lý và không biết cách vận hành như thế nào để các công trình như cống hở, cống đóng… phát huy tác dụng.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới