Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng khả năng tồn trữ – một cách để gỡ ‘nút thắt’ cho thủy sản

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tiêu dùng thuỷ sản thế giới đang có những thay đổi rõ nét hơn trong bối cảnh hậu Covid-19 và điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Trong khi đó, ở góc độ sản xuất, chế biến cũng đặt ra yêu cầu phải gia tăng khả năng tồn trữ thông qua đầu tư hệ thống các kho lạnh để có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng mang tính chu kỳ.

Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn CEO: Tháo gỡ khó khăn cho ngành thuỷ sản- góc nhìn người trong cuộc. Ảnh: Trung Chánh

Để thảo luận những vấn đề đặt ra, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự đồng hành của nhãn hàng Tôn COLORBOND® từ BlueScope, tổ chức diễn đàn “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản – góc nhìn người trong cuộc” diễn ra vào ngày 23-6 ở TP Cần Thơ.

Xu hướng tiêu dùng hậu Covid-19 ra sao?

Nói về kết quả xuất khẩu thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, cho biết 5 tháng đầu năm nay mang về 4,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,4 tỉ đô la Mỹ so với cùng kỳ. “Đây là con số trong gần 10 năm qua chưa thể đạt được”, ông nói và kỳ vọng năm nay thuỷ sản sẽ đạt mốc 10 tỉ đô la Mỹ – ngưỡng 5 năm qua ngành thuỷ sản đã cố gắng rất nhiều.

Theo ông Nam, cơ sở cho kỳ vọng nói trên đầu tiên là nhu cầu trở lại của thị trường nhập khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19. Kế đến, từ tháng 6-9 năm ngoái khi Việt Nam rơi vào giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19 thì nguyên liệu được tích trữ tối đa công suất kho lạnh, giúp có nguyên liệu đầy đủ hơn để đáp ứng các đơn hàng.

Trong khi đó, giá xuất khẩu có sự điều chỉnh tăng, mà cụ thể trung bình cá tra bán sang Mỹ đã tăng từ 2,6- 2,8 đô la Mỹ/kg lên 3,5-3,6 đô la Mỹ/kg. Còn giá tôm xuất khẩu cũng tăng 10-13%, tuỳ loại.

Lạm phát và chiến sự của Nga-Ukraine cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Nga vốn là quốc gia cung cấp hàng đầu cá thịt trắng cho phương Tây, nhưng đã bị sụt giảm đáng kể, khiến thị trường nhập khẩu của quốc gia này tìm đến cá tra nhiều hơn. “Đó là lý do khiến cá tra chúng ta tăng gần 90% trong 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ”, ông Nam nói.

Việc tham dự các hội chợ lớn về thuỷ sản cũng như lợi thế về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp giải quyết rất tốt vấn đề năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp so với đối thủ trong xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản. Cuối cùng, đó là 3 thị trường lớn (Mỹ, châu Âu và Trung Quốc) có sự hồi phục tốt, chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP. Ảnh: Trung Chánh

Theo ông Nam, xu hướng tiêu dùng của một số thị trường nhập khẩu cũng đã có sự thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19.

Theo đó, ở Mỹ, kênh thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo còn tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhu cầu mua các loại mặt hàng chế biến, dễ nấu ăn tại nhà từ các siêu thị tăng mạnh khi các cửa hàng, nơi công cộng bị đóng cửa một phần hoặc tất cả. “Đó là điểm nhấn phải có thay đổi, kể cả một số phương cách bao gói để phù hợp mang về nấu ăn”, ông cho biết.

Trong khi đó, với châu Âu, nhập khẩu tôm nước ấm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), thì lĩnh vực bán buôn, bán lẻ ưa chuộng tôm vỏ, tôm sú bóc vỏ cỡ lớn. “Tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn khi có nguồn cung dồi dào, trong khi tôm chân trắng cũng chiếm một thị phần lớn”, ông nói.

Còn với Trung Quốc, ngoài việc kiểm soát của nhà nước thông qua lệnh 248 và 249 về chuyện nhập khẩu, thì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như các vấn đề về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chính sách zero Covid-19…, sẽ tác động không tích cực đối với thị trường lớn và tiềm năng này, đặc biệt là vấn đề Covid-19. “Chúng tôi đã đề nghị phía Trung Quốc chấp nhận chứng chỉ test Covid-19 tại cảng đi, thay vì là tại cảng nhập của họ”, ông nói.

Cần chính sách giúp ngành cá tra vượt suy thoái

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cựu Giám đốc VCCI Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cựu Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết ngành cá tra trong hơn 15 năm qua đi từ con số khoảng 200 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu ở những năm 2002-2003 lên 2,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018.

Theo ông, con cá tra có xuất phát điểm chỉ là loại cá nuôi và là thức ăn của người nghèo. “Nhưng, hiện đã trở thành ngành hàng rất lớn với kim ngạch hàng tỉ đô la Mỹ và liên quan là cả một cụm ngành công nghiệp, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho người dân”, ông nói.

Ông Dũng cho biết, trong khoảng 15 năm qua, ngành cá tra đã diễn ra 3 chu kỳ biến động giá rất mạnh và trong mỗi chu kỳ trung bình giá tăng kéo dài được khoảng 1,5 năm (lần gần nhất vào giai đoạn 2016-2018 tăng giá kéo dài liên tục khoảng 24-26 tháng). Tuy nhiên, sau mỗi đợt giá tăng nhanh và mạnh là sự sụp đổ cũng rất mãnh liệt.

Cụ thể, khi giá sụp đổ ở lần gần nhất bắt đầu từ tháng 3-2019, có lúc cá tra chỉ còn 15.000 đồng/kg, thậm chí dưới 15.000 đồng/kg, trong khi hiện nay đã vượt lên 33.000-34.000 đồng/kg. “Rõ ràng, biên độ giao động giá cá là cực kỳ lớn, hơn gấp đôi”, ông nói.

Theo ông Dũng, những người chịu đựng được trong thời kỳ khó khăn của những đợt khủng hoảng sẽ hưởng được kết quả tốt sau đó. “Tôi quan sát thấy rằng những doanh nghiệp, kể cả người nuôi, thì người “sống sót” được để hưởng thụ kết quả của đầu năm 2022 như hiện nay cũng là người đã chịu đựng được trong khoảng thời kỳ con cá suy giảm”, ông cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Dũng, khả năng và sức bền của chuỗi cung ứng, của ngành là hết sức quan trọng. “Đây cũng là điều rút ra được trong vấn đề về chính sách, tức chính sách phải làm sao hỗ trợ được doanh nghiệp, hỗ trợ được người nuôi ở những chu kỳ khó khăn”, ông nhận định. Theo ông, phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giảm, giãn thuế, nợ của ngân hàng thì doanh nghiệp, người nuôi mới có sức chịu đựng để có thể hưởng được thành quả.

Đầu tư kho lạnh cho ngành thuỷ sản

Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó tổng giám đốc STAPIMEX. Ảnh: Trung Chánh

Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX), cho biết quá trình chế biến sau khi có thành phẩm thì phải lưu kho để xét nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu hoá học, vi sinh trước khi xuất khẩu. Quá trình đó là bình thường nhưng mất thời gian nên trong thời gian chờ phải lưu kho, thời gian lưu kho kéo dài từ 1,5-3 tháng.

Theo ông Phú, việc đầu tư kho trước đây thường được tính công suất của kho bằng công suất sản xuất lúc thấp điểm nhất trong năm. Tuy nhiên, sau 2 năm bị dịch Covid-19, biến động thị trường quá lớn, các nước nhập khẩu ngưng không nhập 3-4 tháng. Khi đó, hàng hoá sản xuất ra không có chỗ lưu kho. Cho nên, bài toán lưu kho không còn như trước nữa, tức cần phải đầu tư nhiều hơn.

Ông Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Khi nói đến kho lạnh, nhà xưởng, ông Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết tất cả các nhà máy chế biến thuỷ sản đều bắt buộc phải có quy trình HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point System – hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Trong đó, bao gồm rất nhiều yếu tố liên quan đến điều kiện của kho, nhà xưởng.

“Nếu điều kiện kho, nhà xưởng của doanh nghiệp đầu tư không theo những quy định hay điều kiện đảm bảo được vệ sinh, sử dụng chất tẩy rửa có độ kiềm cao, thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm cũng như đánh giá”, ông Hoà cho biết.

Theo ông Hoà, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) phân loại các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ra thành hạng A, B, C và tuỳ theo điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện nhà xưởng, bảo quản, kho lạnh… sẽ có sự phân cấp. “Nếu doanh nghiệp hạng A thì thậm chí 2 năm mới phải chịu kiểm tra đánh giá 1 lần, doanh nghiệp hạng B là 1 năm 1 lần và hạng C là 6 tháng 1 lần”, ông Hoà nói. Theo ông, đây là hạng mục nếu đầu tư đúng mức thì việc thanh tra, kiểm tra để đảm bảo điều kiện vệ sinh xuất khẩu sẽ rất tốt.

Bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Sáng tạo Đổi mới và Phát triển kinh doanh của Công ty NS BlueScope Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Sáng tạo Đổi mới và Phát triển kinh doanh của Công ty NS BlueScope Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp thuỷ sản bên cạnh chú ý đến quy trình, thiết bị sản xuất và cả kỹ năng của người lao động về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì cần chú ý đến chất lượng của vách bao che, trần hoặc vách ngăn trong kho bãi cũng rất quan trọng. “Đó là lý do tôi có mặt hôm nay để chia sẻ cho doanh nghiệp thuỷ, hải sản khi xây dựng kho, bãi trong những lúc cần trữ hàng hoá hay những lúc mở rộng xây dựng nhà máy”, bà Trinh nói.

Theo bà Trinh, doanh nghiệp khi làm vách bao che kho, không nên lựa chọn những sản phẩm tôn làm mái nhà thông thường. Bởi, kho bảo quản hàng thuỷ hải sản, bao gồm ba khu vực khác biệt là khu vực chế biến, kho mát và kho lạnh có điều kiện nhiệt độ khác nhau nên đòi hỏi cần những tấm panel khác nhau.

Cũng theo bà Trinh, NS BlueScope Việt Nam đã phát triển giải pháp tôn mạ COLORBOND® for Panel dành riêng cho phòng lạnh, phòng sạch và vách kiến trúc. COLORBOND® for Panel – Clean Room được tích hợp công nghệ mạ S.T.A.R.Vi, hoạt động theo chức năng vô hiệu hóa khả năng phát triển, sinh sôi của vi khuẩn.

Trong khi đó, ứng dụng sandwich panel cho vách kiến trúc đòi hỏi độ bền và tính thẩm mỹ cao, COLORBOND® for Panel – Architectural Wall với hệ sơn có độ bền cao, cung cấp khả năng chống phai màu, phấn hóa, chống ố và duy trì độ bóng ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt.

Với phòng lạnh, tôn được ứng dụng công nghệ mạ ma trận bốn lớp giúp tăng cường khả năng chống ăn mòn bề mặt, chống ăn mòn tại mép cắt trong khu vực được rửa trôi hoặc không rửa trôi.

Cả ba dòng sản phẩm trên đều được tích hợp lớp sơn mặt dưới Stick + Foam có công thức đặc biệt dành riêng cho ứng dụng sandwich panel, giúp tăng cường độ bám dính tối ưu lên bề mặt lớp cách nhiệt. Đồng thời, bề mặt thép mạ có độ bóng bề mặt chỉ 25% giúp giảm hiện tượng chói và khuyết điểm bề mặt.

Bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN Ảnh: Trung Chánh

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Bùi Kim Thùy, Đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN cho biết, các hiệp định thương mại tự do tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và thuỷ sản nói riêng. Tuy nhiên, theo bà, để tận dụng được những cơ hội mang lại, nhất là những ưu đãi về thuế quan, thì cần nắm rõ những quy định của thị trường, bao gồm quy tắc xuất xứ hàng hoá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới