Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Tăng liều” xử lý vi phạm chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Tăng liều” xử lý vi phạm chứng khoán

Các nhà đầu tư trao đổi thông tin ở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Ý kiến của Luật sư Đặng Thế Đức, Công ty Luật Indochine Counsel, về thực trạng và những phương án “tăng liều” trong xử phạt vi phạm chứng khoán.

Ngày 21-5-2008, Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ký Quyết định số 47/QĐ-TT về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trương Đình Khởi, chủ tài khoản số 006C002819 mở tại Công ty ACBS.

Ngày 26-5-2008, nơi này ký tiếp Quyết định số 48/QĐ-TT về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức đầu tư Vietnam Investment Limited (VIL). Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, một nhà đầu tư cá nhân và một tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã bị phạt vi phạm hành chính.

Phát hiện khó khăn

Nằm trong tình trạng chung về vi phạm và xử lý vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng rơi vào tình trạng “lờn thuốc”, xử vẫn xử, vi phạm vẫn vi phạm nếu vi phạm có lợi hơn cho người vi phạm.

Thực tế, việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán hiện nay cũng khá khó khăn đối với UBCKNN. Ví dụ như vi phạm của các công ty đại chúng chưa niêm yết trong thời gian qua. Chỉ khi các công ty đại chúng này nộp hồ sơ lên UBCKNN để đăng ký công ty đại chúng hoặc đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng thì UBCKNN mới biết để xử phạt.

Nhưng để xảy ra tình trạng này cũng nên thông cảm cho UBCKNN. Trong khi các lĩnh vực quản lý nhà nước như thuế, môi trường, xây dựng, giao thông… có một hệ thống các cơ quan giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trải dài từ trung ương xuống địa phương, thì UBCKNN chỉ có vài chục nhân viên, mà đa phần là nhân viên mới được tuyển dụng thì việc giám sát, phát hiện và xử lý là vô cùng khó khăn, trong khi đó các công ty đại chúng đã đăng ký lên đến hơn 1.000 công ty, trải dài trên khắp cả nước.

Hơn nữa, hành vi vi phạm rất đa dạng, đã được liệt kê cụ thể trong Nghị định 36/2007 của Chính phủ, từ xử phạt vi phạm chào bán chứng khoán ra công chúng, xử phạt cổ đông lớn, công ty đại chúng, công ty chứng khoán… thậm chí cả xử phạt sở/trung tâm giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký khi có hành vi vi phạm.

Trong đó, có những hành vi đặc biệt khó phát hiện như giao dịch nội gián hoặc thao túng thị trường. Chẳng hạn một ông giám đốc, lợi dụng thông tin có được trong điều hành, quản trị công ty bí mật thông báo cho người nhà mua hoặc bán cổ phiếu để trục lợi thì khả năng phát hiện cực kỳ khó khăn. Sự khó khăn trong phát hiện hành vi này không chỉ ở Việt Nam mà phổ biến ở các quốc gia.

Xử phạt nhẹ nhàng

Điểm nổi bật là các đối tượng vi phạm bị xử phạt thừa nhận ngay hành vi vi phạm và mức xử phạt dường như còn quá nhẹ.

Đối với trường hợp thao túng thị trường của ông Trương Đình Khởi, để phát hiện ra hành vi vi phạm, UBCKNN đã phải điều động ba chuyên viên theo dõi bốn tuần liền. Điều đó cho thấy, để ra quyết định xử phạt, UBCKNN đã mất nhiều công sức từ khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm đến khi ra được quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, với hai hành vi vi phạm là thông đồng trong giao dịch chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo và kết hợp hoặc sử dụng các phương thức giao dịch để thao túng giá chứng khoán, mỗi hành vi, ông Khởi bị phạt với mức tiền 50 triệu đồng.

Còn đối với hành vi cố ý không công bố, báo cáo thông tin giao dịch của cổ đông lớn, Quỹ VIL bị xử phạt 20 triệu đồng. Nếu lấy mốc từ ngày 2-1 là ngày quỹ này bán ra cổ phiếu NBC với giá là 73.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày kết thúc việc bán cổ phiếu NBC là 3-3, với giá 77.500 đồng/cổ phiếu, so với giá cổ phiếu NBC vào thời điểm Quỹ VIL bị xử phạt (ngày 25-5, 37.000 đồng/cổ phiếu), thì số tiền chênh lệch mà quỹ này thu về khoảng hơn 10 tỉ đồng, gấp hơn 500 lần số tiền bị xử phạt.

Mặc dù sự so sánh này chỉ mang tính lượng hóa và tham khảo, nhưng đã cho chúng ta thấy việc lựa chọn không công bố thông tin có lợi hơn rất nhiều lần cho tổ chức vi phạm.

Trong khi thị trường đi xuống liên tục, mức xử phạt 50 triệu và 20 triệu đồng đối với các hành vi dìm giá để trục lợi và giao dịch lớn không công bố thông tin khó có thể làm yên lòng các nhà đầu tư. Quay trở lại những quyết định xử phạt của UBCKNN từ năm 2007 trở lại đây, các mức xử phạt chủ yếu chỉ khoảng 10-40 triệu đồng. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chịu phạt một số tiền nhỏ nhưng lại có khả năng thu về một số tiền lớn hơn gấp nhiều lần.

Cần tăng liều

Với khả năng, nhân lực hạn chế và giới hạn xử phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm là 70 triệu đồng, đòi hỏi UBCKNN ngay lập tức đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh là không thể.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang rất cần điều này để gây dựng lại lòng tin của nhà đầu tư. Vì vậy, trong thẩm quyền của mình, UBCKNN nên sớm đề xuất điều chỉnh các quy định xử phạt vi phạm theo hướng thực sự “mạnh tay”, vì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã cho phép xử phạt lên tới 500 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, các hình phạt bổ sung khác như thu hồi giấy chứng nhận, hủy bỏ đợt chào bán, tịch thu các khoản thu trái pháp luật cũng đã được quy định khá nghiêm khắc, nhưng chưa thực sự được áp dụng. Chẳng hạn, nếu chào bán chứng khoán không đăng ký, UBCKNN có thể xử phạt bổ sung bằng việc tịch thu số tiền vi phạm hoặc hủy bỏ đợt phát hành, yêu cầu hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Cho tới nay việc xử lý hình sự chưa được đặt ra vì Bộ luật Hình sự Việt Nam được thông qua ngày 21-12-1999 chưa có quy định loại tội phạm này. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng cho thấy yếu tố nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, niềm tin của cộng đồng đầu tư.

Chẳng hạn hành vi làm giá hoặc cung cấp thông tin nội gián, hoặc dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân. Các hành vi này, nếu được thực hiện trót lọt sẽ làm lợi cho người vi phạm hoặc sẽ gây hại cho công ty, cổ đông với số tiền rất lớn. Trong khi đó, theo quy định của  Bộ luật Hình sự, chỉ cần trộm cắp 500.000 đồng trở lên đã có thể xử lý hình sự.

Hệ thống pháp luật chứng khoán sẽ được các thành viên thị trường, nhà đầu tư nghiêm chỉnh tuân thủ khi tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm được ban hành đầy đủ và nghiêm khắc thông qua quy định xử lý hành chính và hình sự.

Trong thời gian tới, UBCKNN nên thể hiện sự quyết tâm của mình với tư cách một người góp phần ban hành luật chơi và giám sát luật chơi của thị trường để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển bền vững.

VƯƠNG MẠI ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới