Tăng lương cho giáo viên là khả thi
Bảo Uyên
(TBKTSG Online) – “Tiền đâu tăng lương? Tăng mức bao nhiêu?”. Vấn đề tiền lương cho giáo viên một lần nữa lại “nóng” lên ở hội thảo góp ý fự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hôm nay tại TPHCM.
![]() |
Theo bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM, thành viên Tổ soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, giáo viên mầm non, tiểu học mất 24 năm để đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương, với mức tăng 2.860.000 đồng – Ảnh: B.U |
Giáo viên ngại chuyển sang làm quản lý
Tại hội thảo, bà Quỳnh Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TPHCM) cho biết, có một nghịch lý hiện nay là giáo viên rất ngại lên chức. Khi chuyển từ đứng lớp sang cấp quản lý hay chuyên viên, thu nhập của họ sẽ giảm đáng kể do bị cắt phụ cấp thâm niên.
Ông Bùi Văn Hoà, Hiệu trưởng một trường THCS ở tỉnh Đồng Nai chia sẻ bản thân ông cũng đã từ chối khi được mời về làm trưởng phòng đào tạo.
“Giáo viên được lên chức nhưng không hề vui. Không được nghỉ 3 tháng hè, phụ cấp thâm niên bị cắt trong khi trách nhiệm công việc nhiều hơn. Chính sách như vậy khó có thể thu hút người giỏi về làm quản lý”, ông Hoà nói.
Tiền đâu tăng lương cho giáo viên?
Tại hội thảo, nhiều giáo viên, người làm trong ngành giáo dục đã nêu những băn khoăn trước đề xuất tăng lương cho giáo viên của Bộ GD-ĐT. Ông Phan Sỹ Quang thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Đăk Nông cho hay giáo viên mừng khi nghe đề xuất này nhưng cũng băn khoăn “tăng lương là tăng bao nhiêu” và lo ngại “lương chưa vào túi thì vật giá đã tăng”. Theo ông Quang, nếu không làm thêm nghề khác, giáo viên hiện nay không thể sống được bằng nghề.
“Khi đời sống giáo viên được cải thiện, tôi tin ngành giáo dục không những thu hút được nhân tài mà còn có thể giảm tiêu cực ”, ông Quang nêu ý kiến.
![]() |
Ông Phan Sỹ Quang, Sở GDĐT tỉnh Đăk Nông cho biết giáo viên lo ngại "lương chưa vào túi thì vật giá đã tăng" – Ảnh: B.U |
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM-Thành viên Tổ soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cho rằng quy định tiền lương có nhiều bất cập. Với quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương ở bậc mầm non và tiểu học mất 24 năm, ở bậc THCS là 30 năm, và THPT là 27 năm.
“Sau 24 năm kể trên, mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học chỉ tăng 2.860.000 đồng”, bà Quỳ cho hay.
Chưa kể, theo bà Quỳ, cùng bậc, cùng hệ số lương nhưng điều kiện để thi chuyển ngạch cho nhà giáo khó hơn so với các ngành khác. Để dự thi nâng ngạch từ giảng viên lên giảng viên chính, giảng viên phải có bằng thạc sỹ, trình độ ngoại ngữ, công trình nghiên cứu khoa học và thi nâng ngạch. Trong khi đó, các lĩnh vực khác chỉ cần yếu tố thâm niên và kết quả thi nâng ngạch.
Bà Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn luật Hành chính, đại diện Nhóm Nghiên cứu độc lập về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục của Đại học Luật TPHCM, cho rằng việc tăng lương của giáo viên trong tình hình hiện nay không phải là bất khả thi. Nhóm nghiên cứu của Đại học Luật TPHCM đã đề ra một số giải pháp cho câu hỏi “tiền đâu?”.
Cụ thể, theo bà Dung, sắp tới các trường đại học công lập sẽ chuyển sang tự chủ tài chính, ngân sách tiền lương cho giảng viên ở bậc đại học lúc ấy có thể chuyển sang cho giáo viên khối phổ thông. Đồng thời, bộ có thể cắt giảm số lượng giáo viên biên chế; các trường vận dụng công nghệ vào giảng dạy để tiết kiệm nhân sự, giảm số lượng giáo viên.
“Quan trọng là bộ phải có lộ trình chi tiết và áp dụng tăng lương cho từng nhóm chứ không nên cho tất cả giáo viên các khối học”, bà Dung nói.
Còn theo bà Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính, 20% ngân sách chi cho giáo dục đào tạo là một con số không nhỏ và ngành giáo dục cần phải tiếp tục giữ "1/5 miếng bánh" ngân sách này bằng cách chứng minh cho xã hội thấy nguồn ngân sách dành cho giáo dục là xứng đáng.
Bà Nguyệt cho rằng, cần điều chỉnh mức “rót” ngân sách. Đầu tư cho giáo dục nên chuyển từ bậc cao sang bậc thấp. Nói cách khác, số tiền dành cho giáo dục đại học nên chuyển sang cho giáo dục các cấp phổ thông. Bậc học thấp mới là cái nền của giáo dục. Đối với bậc đại học, nhà nước chỉ nên chi ngân sách cho các trường đào tạo ngành khoa học nghiên cứu, ngành mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như sư phạm, y khoa…