Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng lương tối thiểu: Chưa hợp lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng lương tối thiểu: Chưa hợp lý

Ngọc Lan thực hiện

Ông Đặng Như Lợi.

(TBKTSG) – Ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội (Quốc hội), người từng có nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương-tiền công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trước đây, trả lời phỏng vấn TBKTSG về những khiếm khuyết, bất hợp lý khi Nhà nước quy định và công bố mức lương tối thiểu cho người lao động.

TBKTSG: Nhiều người nhận định việc tăng lương tối thiểu chỉ có tính hình thức và xa rời thực tế.

Ông Đặng Như Lợi: Vấn đề quy định mức lương tối thiểu của ta vẫn tuân thủ theo cách làm cũ, biết là có rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết nhưng chưa tìm ra cách gì phù hợp nên cứ đành phải “đến hẹn lại… công bố”, nếu không nó sẽ trở thành vấn đề, “đánh” vào tâm lý chờ đợi tăng lương theo thông lệ của người lao động. Nếu gây ra những ảnh hưởng tâm lý không tốt có thể sẽ dẫn đến đình công. Đình công thì không ai có lợi. Còn nói về tính hợp lý và khả thi của việc tăng lương tối thiểu thì không có.

Hàng năm giá cả tăng lên, điều chỉnh lương cũng chỉ bù một phần trượt giá. Còn điều chỉnh thế có hợp lý không thì câu trả lời là không. Lấy ví dụ ở thủ đô Hà Nội, tiền lương tùy thuộc vào cái gì? Cùng một mặt hàng nhưng công nghệ của doanh nghiệp khác nhau, trình độ quản lý khác nhau, lại có thị trường tiêu thụ cũng không giống nhau mà quy định thống nhất lương tối thiểu bằng nhau là không đúng.

Người sử dụng lao động thì có thể tận dụng chuyện quy định cào bằng về lương tối thiểu của Nhà nước để hạ chi phí trả lương, không trả theo giá trị lao động, Họ có thể trả mức lương cao hơn doanh nghiệp khác một chút để thu hút lao động hơn là trả đúng giá trị thực. Còn nói đến chuyện khác sản phẩm, khác ngành nghề mà cũng chung một mức lương tối thiểu như nhau lại càng không hợp lý.

TBKTSG: Như vậy việc công bố tăng lương tối thiểu đã phản tác dụng khi người sử dụng lao động lợi dụng chuyện đó để cào bằng và không trả đúng giá trị lao động?

– Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn có lãi và không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng chuyện này để hạ chi phí. Có nhiều doanh nghiệp như dệt may, da giày lo được lương tối thiểu cũng đã khó. Tôi vẫn nhắc lại là việc Nhà nước công bố mức lương tối thiểu như hiện nay là chưa hợp lý. Nên để địa phương tự đưa ra quy định phù hợp với điều kiện và tình hình kinh tế – xã hội địa phương. Chính phủ chỉ quy định về nguyên tắc thôi.

Khi xã hội tiến bộ hơn nữa thì tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp là tổ chức thực sự của người lao động, có đủ năng lực và trình độ đàm phán với chủ sử dụng lao động, đứng ra đàm phán mức lương tối thiểu cho người lao động tại doanh nghiệp, như thế mới là theo cơ chế thị trường

TBKTSG: Thực tế hiện nay Nhà nước cũng chỉ quy định mức lương tối thiểu có tính nguyên tắc cho từng khu vực, không ai ngăn cản việc doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu?

– Bởi vậy Nhà nước quy định cụ thể về lương tối thiểu là không cần thiết.

TBKTSG: Nhưng chưa biết đến lúc nào các tổ chức công đoàn ở Việt Nam mới đủ sức có tiếng nói về vấn đề tiền lương?

– Khi nào tổ chức chính trị-xã hội này còn hoạt động như một tổ chức hành chính, dùng tiền ngân sách hoặc do doanh nghiệp bỏ tiền lập ra thì người lao động khó có thể trông chờ tư cách đại diện đầy đủ cho họ. Tháng 11-2009, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có trình Bộ Chính trị Đề án về quan hệ lao động nhằm giải quyết vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong đó tập trung giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp. Nhưng đến nay đề án chưa được thông qua.

TBKTSG: Phải chăng vì thế mà có hiện tượng: lương ở khu vực doanh nghiệp nhà nước rất thấp nhưng người lao động vẫn muốn xin vào đây hơn là gia nhập khu vực doanh nghiệp tư nhân hay FDI?

– Ở khu vực dân doanh hay FDI, lương được trả theo giá trị lao động. Tuy nhiên, lương và thu nhập có liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh. Đến phân đoạn này thì người lao động ở khu vực doanh nghiệp nhà nước có lợi vì lương tối thiểu ở đó dùng đến 28% để đóng các loại bảo hiểm. Vì lương tối thiểu thấp họ khó có thể rơi vào mức thu nhập phải đóng thuế, trong khi thu nhập thực tế hầu hết lại không đến từ lương.

Còn đối với khu vực doanh nghiệp khác thì lương tối thiểu do Nhà nước quy định không phải là căn cứ cuối cùng để tính thu nhập chịu thuế. Đây lại là một câu chuyện khác và nói đi nói lại thì lương tối thiểu chỉ để ổn định tâm lý theo kiểu cũ mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới