Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng mức phạt vi phạm pháp luật lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng mức phạt vi phạm pháp luật lao động

Thanh Thương

Công nhân đình công xâm phạm trật tự, an toàn công cộng cũng sẽ bị phạt. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Vi phạm pháp luật lao động, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, theo Nghị định 47/2010/NĐ-CP của chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực vào ngày hôm nay, 25-6. Mức phạt này tăng cao hơn rất nhiều so với Nghị định 113/2004/NĐ-CP năm 2004.

>> Nghị định 47/2010/NĐ-CP

Theo nghị định, mức phạt cao nhất 30 triệu đồng dành cho các hành vi như doanh nghiệp sau sáp nhập, chia tách sử dụng hết số lao động của doanh nghiệp bị sáp nhập nhưng không ký hợp đồng; hoặc không có phương án sử dụng hết số lao động hiện có của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với doanh nghiệp có trên 500 lao động, nếu khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không cho biết lý do hoặc khấu trừ quá 30% tiền lương của người lao động. Trong trường hợp không thảo luận với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trước khi khấu trừ tiền lương của người lao động; hoặc không trả đủ tiền lương cho người lao động khi phải ngừng việc do lỗi của doanh nghiệp, trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu… doanh nghiệp cũng sẽ bị phạt 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định chế tài đối với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Cụ thể là sẽ phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài mà không báo cáo với Sở Lao động Thương binh Xã hội về việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Về vấn đề tranh chấp lao động, đình công thì doanh nghiệp cũng sẽ bị phạt 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu cản trở việc thực hiện quyền đình công của người lao động; hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công, trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công hoặc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp để chống lại đình công.

Nghị định cũng quy định rõ người lao động sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng nếu có hành vi tham gia đình công sau khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ, hoặc có hành vi làm hư hại máy móc, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp, xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong khi đình công, lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM, nghị định mới này có tính răn đe cao hơn; đồng thời, mọi quy định về các hành vi vi phạm của người sử dụng lao động và người lao động đã rõ ràng hơn, giúp cho việc thanh tra và xử phạt thuận lợi hơn. Ngoài ra, ông Việt cho rằng việc quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người lao động khi đình công là hợp lý, vì hiện nay trong nhiều cuộc đình công, sai phạm là người lao động chứ không phải chủ doanh nghiệp.

Tuy vậy, ông Việt cho rằng không loại trừ khả năng doanh nghiệp sẽ “lách” luật, vì hiện nay các Sở Lao động Thương binh Xã hội không thể kiểm tra hết mọi hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong khi đó, ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho rằng nghị định chỉ mới quy định mức phạt hành chính, và 1 năm chỉ được phạt 1 lần là không hợp lý. “Nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm sau khi đã bị phạt lần đầu thì cũng không thể phạt tiếp và khi doanh nghiệp không thực hiện hình phạt thì nghị định cũng chưa có quy định chế tài về việc này”, ông Danh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới