Thứ Năm, 30/03/2023, 21:54
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tăng nhiệt này giảm nhiệt kia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng nhiệt này giảm nhiệt kia

BS. Lương Lễ Hoàng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Giải nhiệt kịp thời là biện pháp phòng nhiều căn bệnh nghiêm trọng thông qua cơ chế trung hòa độc chất mang tính oxy hóa trong cơ thể để từ đó trì hoãn tiến trình thoái hóa, lão hóa cũng như biến thể ác tính của tế bào, nghĩa là thậm chí phòng ngừa ung thư.

Không ít bệnh nhân gõ cửa thầy thuốc chỉ vì “nóng” quá. Yêu cầu ngắn gọn nhưng giải pháp lại không đơn giản! “Nóng”, còn gọi là “nhiệt”, nếu nói theo thầy thuốc Đông y là tình trạng khiến nạn nhân bứt rứt dù trời mát lạnh, hay thậm chí chỉ cần ăn trúng món nóng, uống nhằm nước nóng cũng đủ đổ quạu.

Tình trạng bệnh lý này vì không phổ cập trong Tây y nên thầy thuốc quen dùng máy siêu âm thường khi lúng túng khi định bệnh. Ngược lại, bệnh lý do “nhiệt” dựa trên cơ sở lý luận của ngành y học cổ truyền phương Đông lại rất phổ biến trong dân gian.

Đó chính là điểm lắt léo! Nếu sốt là triệu chứng có thể không khó xác định bằng cách dùng nhiệt kế đo thân nhiệt, thì “nóng” trong ngôn ngữ của y học cổ truyền là một hội chứng đa dạng dựa vào cảm giác chủ quan của người bệnh, nghĩa là khó đo lường dù hiện hữu. Éo le hơn nữa là phương pháp điều trị. Nếu khi sốt cao thường chỉ cần dùng thuốc hạ nhiệt thì để “giải nhiệt” trong hội chứng “nội nhiệt” lại không đơn giản như thế.

Hội chứng “nhiệt” tuy không hẳn mơ hồ đến độ mông lung, nhưng rất đa dạng, trải dài từ cảm giác bực bội, cáu kỉnh thường khi vô cớ bước qua tình trạng mất ngủ, háo động, hay cụ thể hơn nữa với khuynh hướng mụn nhọt ngoài da, biếng ăn, miệng đắng, tiểu gắt, táo bón, cho đến hồi hộp, sợ nóng, nhức đầu, tăng huyết áp…, tất cả đều có thể là biểu hiện của tình trạng “tà nhiệt” đang chiếm ưu thế trong cơ thể nạn nhân. Chữa bệnh “nóng” vì thế không dễ, thậm chí lắm khi khiến bệnh nhân dễ “nổi nóng” vì tiền mất tật mang!

Nếu “sốt” là phản ứng thông thường của hệ miễn dịch do cơ thể tìm cách đối kháng với bệnh nguyên thì cảm giác “nhiệt” thường khi là hậu quả của một rối loạn nào đó trong khâu thần kinh giao cảm – nội tiết.

Nếu sốt là dấu hiệu cho thấy sức kháng bệnh vẫn còn đang hoạt động, nghĩa là không hẳn lúc nào cũng bất lợi cho người bệnh, không hẳn khi nào cũng cần được điều trị rốt ráo bằng thuốc đặc hiệu, thì “nhiệt chứng” một khi đã xuất hiện là biểu hiện cho thấy chắc chắn có trục trặc đâu đó trên trục thần kinh – nội tiết, nghĩa là cần được điều chỉnh, càng với phương tiện an toàn càng hay, để đừng gây thêm gánh nặng cho cơ quan có nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da…

Nói chung, ít khi họa vô đơn chí, hội chứng “nhiệt” trong đa số trường hợp một khi xuất hiện là tác phẩm vụng về của gia chủ sau nhiều ngày thờ ơ với sức khỏe!

Dù dưới bất kỳ hình thức nào, “nhiệt chứng” sớm muộn cũng là đòn bẩy dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng một khi sức đề kháng ngã gục sau nhiều ngày tát nước cầm cự với ngọn lửa riu riu nhưng khó tắt. Do đó, “giải nhiệt” kịp thời, “thanh nhiệt” định kỳ, thậm chí thường xuyên, bằng phương tiện sinh học là biện pháp để nếu lỡ có bị cháy thì chỉ cháy xém chứ đừng cháy rụi.

Về mặt cơ chế bệnh lý, cảm giác “nóng bức” thường là hậu quả của việc mất quân bình thần kinh giao cảm stress, khiến hệ trực giao cảm chiếm ưu thế, chẳng hạn vì stress; hậu quả của rối loạn nội tiết tố trong chiều hướng gia tăng phản ứng sinh năng một cách sai lệch, chẳng hạn ở người cường tuyến giáp, cường tuyến thượng thận; do chấn động tâm lý trong gia đình, nghề nghiệp…; ngộ độc hóa chất gia dụng, độc chất trong môi trường ô nhiễm, lạm dụng dược phẩm, chất kích thích trong thuốc lá, bia rượu…; hậu quả của thất thoát nước và rối loạn chất điện giải do ảnh hưởng của thời tiết nóng bức, điều kiện sinh hoạt, lao động khiến đổ mồ hôi mà không được bù vào kịp thời bằng nước uống.

Vì nhiều lý do khác biệt nên nạn nhân cũng cần được điều trị trên tinh thần “đối chứng lập phương”, thay vì chỉ chạy theo một kiểu chữa bệnh thời trang nào đó.Nếu sức khỏe là trạng thái thoải mái do cơ thể vận hành trong điều kiện ổn định của hằng số sinh học như thân nhiệt, huyết áp… thì không thể bỏ qua vai trò của quân bình kiềm toan trong hội chứng “nội nhiệt”. Điều đáng lưu ý là quân bình kiềm toan trong cơ thể con người không đồng nghĩa với việc chia đều 50:50.

Muốn sống khỏe, trẻ và đẹp thì chất kiềm phải nhiều hơn chất toan khá nhiều. Máu vì thế phải măn mẳn, phải mặn mà tình người chứ đừng chua chát tình đời. Với nguyên nhân nào cũng thế, máu của người bị “nhiệt” rõ ràng có khuynh hướng mất tính kiềm do sự hiện diện của nhiều phế phẩm mang tính acid nảy sinh từ xáo trộn biến dưỡng trong cơ thể, rối loạn nội tiết tố, sai lầm trong chế độ ăn uống, nếp sinh hoạt trật nhịp sinh học, hay thậm chí nhiều khi chỉ vì tâm trạng bất an, từ tình trạng phẫn uất lâu ngày…

Trên cơ sở vừa phân tích, từ thói quen uống nước cho đủ, nhất là trong giờ làm việc, bước qua biện pháp thư giãn chống stress, chế độ dinh dưỡng nhiều chất “xanh” để cải thiện độ pH trong máu, thay vì tiếp tục làm máu chua thêm bằng cách lạm dụng thịt mỡ, rượu bia, thực phẩm công nghiệp, thói quen ăn quá nhanh…, cho đến việc áp dụng các loại dược thảo có công năng “giải nhiệt”, tất cả đều có ý nghĩa phòng bệnh vì giải được nhiệt.

Tuy không cần “thanh nhiệt thiệt nhanh” nhưng giải nhiệt kịp thời là biện pháp phòng nhiều căn bệnh nghiêm trọng thông qua cơ chế trung hòa độc chất mang tính oxy hóa trong cơ thể để từ đó trì hoãn tiến trình thoái hóa, lão hóa cũng như biến thể ác tính của tế bào, nghĩa là thậm chí phòng ngừa ung thư.

Với cuộc sống tuy được tiếng văn minh hiện đại nhưng càng lúc càng xa rời thiên nhiên, càng lúc càng tự trói tay trong mê lộ của đủ loại áp lực, “nhiệt chứng” chắc chắn sẽ tiếp tục là mối nguy của sức khỏe cộng đồng. Rõ ràng không chỉ trái đất đang nóng lên, mà con người thời nay cũng dễ cảm thấy nóng, dễ sợ nóng, và nhất là dễ nổi nóng hơn thời xa xưa.

Biết trước nước cờ bí nhưng không dễ gỡ nếu không kịp tạt nước trước khi ngọn lửa quá lớn. Thanh được nội nhiệt thì tốt rồi, nhưng khéo hơn nhiều là làm sao để người người cùng nhau dành sức nóng cho một nguồn nhiệt đối kháng. Đó là nhiệt tình với đời, với lẽ phải, với chân thiện mỹ, để mỗi ngày mới đều bắt đầu với một chút nồng ấm của tình người. Biết đâu nhờ tăng nhiệt này mà giảm được nhiệt kia!

__________________________________

(*) Trung tâm Điều trị oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới