Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ

Chiến Thắng

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ
Các đại biểu thảo luận về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Thảo luận về dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) ngày 23-5, đa số đại biểu nhất trí tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng.

Nghỉ thai sản 6 tháng

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang có hai loại ý kiến về chế độ thai sản với lao động nữ. Vì vậy, dự luật đang để hai phương án để các đại biểu thảo luận.

Thứ nhất, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng; nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng; Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Thứ hai, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 5 tháng. Nếu làm công việc nặng nhọc độc hai, nguy hiểm, ở vùng khó khăn… thì được nghỉ 6 tháng.

Bà Mai nhấn mạnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 vì phương án này phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được.

Đa số các ý kiến thảo luận tại hội trường cũng nhất trí với phương án tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng.. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, quy định này sẽ làm tốt “chất lượng dân số” bởi “trẻ em được nuôi dưỡng đầy đủ từ bé thì lớn lên mới phát triển tốt”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa – Bắc Ninh cho rằng, thực tế trước đây chị em đã được nghỉ 6 tháng. Hiện nay, phụ nữ sau khi sinh hết thời gian nghỉ 4 tháng đều xin nghỉ thêm, đây là nguyện vọng rất chính đáng của chị em mà tiết kiệm được tiền bạc vì trẻ được bú mẹ trong 6 tháng mà không mất tiền mua các thức ăn thay thế.

Tuy nhiên, một số đại biểu có những đề xuất thêm. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ – Thái Bình cho rằng, Bộ luật Lao động hiện nay mới quan tâm đến lao động nữ là cán bộ viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức v.v. và có hưởng lương và thực hiện chế độ bảo hiểm. Trên thực tế còn một lực lượng khá lớn lao động nữ là lao động tự do, lao động trong nông nghiệp…không có chế độ bảo hiểm xã hội nên không có trợ cấp thai sản. Đề nghị có trợ cấp thai sản cho những lao động nữ này ở mức phù hợp. Chẳng hạn mỗi lần sinh được trợ cấp 1 tháng lương tối thiểu của vùng…

Đại biểu Ngô Thị Minh – Quảng Ninh cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan sử dụng lao động nữ khi họ nghỉ sinh con xong bị mất việc hoặc họ không còn được ở vị trí trước khi họ nghỉ sinh con. Hoặc cơ quan bảo hiểm không thanh toán kịp thời tiền bảo hiểm cho người phụ nữ nghỉ sinh con cũng cần có quy định cụ thể hơn.

Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu

Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55. Bà Trương Thị Mai cho rằng, quy định này phù hợp nội dung của Công ước xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và phù hợp với xu hướng già hóa dân số, mục tiêu cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, cân bằng giữa nhóm lao động và nhóm phụ thuộc …

Đa số đại biểu tán thành quy định này, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và lao động nữ đều là 60 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

Đại biểu Ngô Thị Minh – Quảng Ninh băn khoăn: nếu nam về hưu ở tuổi 60, nữ về hưu ở tuổi 55 thì cần phải sửa đổi một số quy định hiện hành đang gây bất bình đẳng rất lớn đối với chị em phụ nữ.

“Về hệ số lương, khi nữ về hưu trước 5 tuổi, chúng ta quy định 3 năm tăng một bậc lương thì cơ hội với những năm cuối của chị em phụ nữ là cơ bản không được hưởng 2, 3 bậc cuối. Vậy chúng tôi nghĩ rằng nên chăng có quy định để nam 3 năm lên một bậc lương và nữ 2,5 năm tăng một bậc lương, như vậy để đến khi cùng về hưu là nữ 55 và nam 60 thì có thể đảm bảo được”.

Bà Minh cho rằng, nếu lý do quỹ bảo hiểm thì chúng ta có thể chọn tuổi nghỉ hưu bằng nhau của nam và nữ là 57, 58.

Đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội khẳng định: “quyền lao động phải bình đẳng như nhau”, nếu có chữ "ưu tiên cho nữ" thì nên ưu tiên trong những vùng cần thiết cho nghỉ sớm và cho cộng tuổi bảo hiểm.

“Bây giờ đội ngũ lao động nữ cũng rất lớn, đào tạo được một người nam cũng như nữ rất khó khăn và rất tốn kém. Để những người phụ nữ đạt được trình độ quản lý, lãnh đạo, khoa học, kỹ thuật, bác sĩ, dược sĩ, công nhân lành nghề rất khó khăn, để cho nghỉ tuổi như thế là rất lãng phí”, bà An nói.

Bà Tòng Thị Phóng – Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ luật lao động là bộ luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng lớn, tác động ảnh hưởng đến đời sống, xã hội, đến người lao động, đến người sử dụng lao động, đến các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đại biểu, góp phần vào việc chỉnh sửa, hoàn thiện bộ luật này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới