Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng bùng nổ ở mảng giao đồ ăn vẫn không cứu Uber thoát lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng trưởng bùng nổ ở mảng giao đồ ăn vẫn không cứu Uber thoát lỗ

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hãng công nghệ Uber Technologies, thường được biết đến như là một hãng gọi xe qua ứng dụng nhưng giờ đây, có lẽ nên gọi Uber là hãng giao đồ ăn thì chính xác hơn. Trong quý 2 vừa qua, doanh thu mảng giao đồ ăn của Uber tăng trưởng bùng nổ, lần đầu tiên vượt qua doanh thu mảng gọi xe do các thay đổi nhu cầu trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục lỗ 1,8 tỉ đô la

Uber đã thua lỗ liên tục kể từ quý 2-2018 và quý 2 này cũng không ngoại lệ. Hôm 6-8, Uber công bố kết quả kinh doanh quý 2 với mức mức lỗ ròng gần 1,8 tỉ đô la Mỹ và doanh thu đạt 2,2 tỉ đô la, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng bùng nổ ở mảng giao đồ ăn vẫn không cứu Uber thoát lỗ
Mảng giao đồ ăn Uber Eats trở thành điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Uber giữa thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Getty

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mảng giao ăn và mảng gọi xe của Uber theo hai chiều hướng trái ngược nhau.
Trong quý vừa qua, doanh thu mảng giao đồ ăn Uber Eats của Uber tăng vọt lên 1,2 tỉ đô la, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu của khách tăng đột biến khi nhiều người dân trên thế giới phải làm việc ở nhà.

Dara Khosrowshahi, Giám đốc điều hành Uber, cho biết khi mọi người ở nhà, họ đặt mua đồ ăn từ Uber Eats nhiều bao giờ hết. Ông nói: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã biến giao đồ ăn, khoản chi tiêu được xem tốn kém, trở thành sự tiện dụng”.

Mảng giao đồ ăn vẫn chưa tạo ra lợi nhuận cho Uber. Trong quý vừa qua, mảng này thua lỗ 232 triệu đô la, dù vậy, mức lỗ này đã được thu hẹp so với mức lỗ 313 triệu đô la trong quý 1.

Trong khi đó, doanh thu mảng gọi xe của Uber giảm đến 67% trong quý 2, xuống mức 790 triệu đô la, do các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, khiến nhiều cửa hàng, trường học và công sở đóng cửa cũng như tâm lý lo ngại lây nhiễm bệnh của khách.

Khoản lỗ ròng 1,8 tỉ đô la của Uber bao gồm chi phí tái cấu trúc gần 400 triệu đô la để chống chọi tác động của đại dịch Covid-19. Trong quý 2, Uber đã cắt giảm 25% nhân sự, tương đương 6.700 nhân viên đồng thời tiến hành đóng cửa và hợp nhất 45 văn phòng trên toàn cầu. Nelson Chai, Giám đốc tài chính Uber, cho biết Uber đang tiến hành các biện pháp để giúp công ty có lợi nhuận vào cuối năm 2021.

Trông chờ vào mảng giao đồ ăn

Uber, vốn là một dịch vụ gọi xe khi mới thành lập, đã mở rộng vào các lĩnh vực kinh doanh khác trong những năm gần đây gồm mảng giao đồ ăn dưới thương hiệu Uber Eats. Các nỗ lực này tăng tốc trong những tháng qua. Vào tháng 7 vừa qua, Uber thông báo mua lại đối thủ Postmates, một startup giao đồ ăn và hàng hóa ở Mỹ, với giá 2,65 tỉ đô la.

Thương vụ này dự kiến hoàn tất vào quý 1-2021. Trước đó, Uber từ bỏ nỗ lực thâu tóm startup giao đồ ăn Grubhub (Mỹ) với giá 7,3 tỉ đô la Mỹ một phần do lo ngại nguy cơ điều tra chống độc quyền của các cơ quan quản lý.
Giới phân tích nhận định việc thâu tóm Postmates sẽ giúp Uber vươn lên nắm giữa khoảng 35% thị phần giao đồ ăn ở Mỹ, thách thức DoorDash, công ty giao đồ ăn dẫn đầu đang nắm giữ 45% mức thị phần.

Trong cuộc họp báo từ xa với các nhà đầu tư hôm 6-8, ông Khosrowshahi, cho biết: “Nếu các biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục duy trì hay cần tái áp đặt, mảng giao đồ ăn của chúng tôi sẽ bù đắp cho mảng gọi xe”. Ông nói Uber có cơ hội lớn để mở rộng mảng giao nhận bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng gia dụng, thuốc men kê đơn và đồ ăn,phụ kiện cho thú cưng.

Uber thua lỗ liên tục kể từ quí 2-2018. Uber ghi nhận lợi nhuận vào quí 1-2018 chủ yếu nhờ bán lại mảng hoạt động ở Đông Nam Á và ở Nga. Ảnh: CNBC

Khoảng đầu tháng 6 vừa qua, Uber triển khai dịch vụ mới có tên gọi Uber Connect, cho phép người dùng gửi các gói bưu phẩm nhỏ trong phạm vi thành phố của họ thông qua tài xế Uber. Cho đến nay, dịch vụ này đã thực hiện 3 triệu đơn giao bưu phẩm ở hơn 25 thành phố trên toàn cầu.

Theo Uber, có một số dấu hiệu cho thấy mảng gọi xe đang cải thiện trên thị trường quốc tế. Tại Pháp, mảng gọi xe của Uber đã phục hồi 70%, trong khi đó, số lượt gọi xe Uber để đi làm và đến các sự kiện xã hội ở những ơi như Hồng Kông, New Zealand và Thụy Điển cao hơn cả trước đại dịch.

Song tại Mỹ, một trong những thị trường lớn nhất của Uber, số lượt gọi xe giảm từ 50-85% ở nhiều thành phố lớn.
Uber cũng đang đối mặt các thách thức pháp lý ở bang California và bang Massachusetts, nơi các tổng chưởng lý đang kiện Uber và hãng gọi xe Lyft với cáo buộc họ vi phạm luật lao động. Theo luật ở hai bang này,  tài xế công nghệ phải được xem là nhân viên chính thức, thay vì lao động tự do.

Điều này có nghĩa là họ phải được hưởng lương tối thiểu tính theo giờ, được đóng bảo hiểm thất nghiệp, trả thêm tiền khi làm việc quá giờ, nghỉ phép có lương… Nếu thua kiện, mảng kinh doanh gọi xe của Uber ở Mỹ sẽ suy yếu vì các hoạt động sẽ tốn kém hơn.

Tại Anh, Uber đang kháng cáo phán quyết của tòa án yêu cầu công ty này phải xem các tài xế đối tác như là nhân viên chính thức. Trong khi đó, ông Khosrowshahi cho rằng hầu hết tài xế công nghệ muốn làm việc cho Uber như những lao động tự do.

Theo New York Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới