Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng của thế giới càng trì trệ khi đồng bạc xanh trỗi dậy

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cú tăng vọt của giá đô la Mỹ kéo tăng chi phí vay nợ tăng và khiến các thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn trong những tuần qua, đang đẩy nền kinh tế toàn cầu lún sâu vào đà suy giảm tăng trưởng.

Kể từ tháng 1, chỉ số đô la Mỹ của Bloomberg, theo dõi biến động giá của một rổ 10 tiền tệ mạnh trên toàn cầu so với đồng đô la, tăng 7%, lên mức cao nhất trong hai năm qua. Ảnh: Economic Times

Đô la tăng giá, gây thêm áp lực lạm phát ở nước ngoài

Tính từ tháng 1, chỉ số đô la Mỹ của Bloomberg, theo dõi biến động giá của một rổ 10 tiền tệ mạnh trên toàn cầu so với đồng đô la, đã tăng 7%, lên mức cao nhất trong hai năm qua khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và giới đầu tư sốt sắng mua trữ đô la như là giải pháp bảo vệ giá trị tài sản giữa lúc tình hình kinh tế bất ổn.

Đà tăng giá của đồng bạc xanh sẽ giúp Fed hạ nhiệt giá cả và hỗ trợ cho nhu cầu mua hàng hóa nước ngoài của Mỹ, nhưng đe dọa đẩy tăng giá cả nhập khẩu ở các nền kinh tế nước ngoài, gây áp lực thêm cho tình hình lạm phát cũng như bào mòn nguồn dự trữ ngoại tệ của họ.

Điều này đặc biệt đang lo ngại đối với các nền kinh tế mới nổi, những nơi đang buộc phải giảm giá đồng nội tệ hoặc can thiệp để làm chậm đà giảm này, hoặc tăng lãi suất để củng cố nguồn dự trữ ngoại tệ của họ.

Cả Ấn Độ và Malaysia đều đưa ra quyết định tăng lãi suất bất ngờ trong tháng này. Ấn Độ cũng can thiệp thị trường hối đoái để củng cố tỷ giá của đồng rupee so với đô la Mỹ.

Các nền kinh tế phát triển cũng không tránh khỏi tác động từ sự trỗi dậy của đô la. Trong tuần qua, đồng euro giảm về mức thấp mới trong 5 năm, trong khi đó, đồng franc Thụy Sĩ suy yếu và lần đầu tiên ngang giá với đô la lần đầu tiên kể từ năm 2019. Cơ quan Quản lý tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cũng buộc phải can thiệp để bảo vệ tỷ giá của đô la Hồng Kông bằng cách bán tổng cộng gần 1,5 tỉ đô la Mỹ trong những ngày vừa qua. Giá đồng yen của Nhật Bản gần đây chạm mức thấp nhất trong hai thập niên so với đô la.

Tuuli McCully, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Scotiabank, cho biết: “Tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Fed đang khiến nhiều nền kinh tế khác trên thế giới “đau đầu”, kích hoạt dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi nước họ và sự giảm giá tiền tệ của họ”.

Tăng trưởng của thế giới chậm lại

Sự kết hợp giữa đà tăng tăng trưởng suy yếu của Mỹ và triển vọng hạ nhiệt lạm phát ở nước này cuối cùng sẽ khiến đồng đô la tăng giá chậm lại, giúp trút bỏ áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ ở các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Tuy nhiên, có thể mất nhiều tháng để tìm thấy điểm cân bằng mới đó.

Ít nhất cho đến nay, các nhà giao dịch vẫn chưa tự tin dự báo mức đỉnh trong đợt tăng giá lần này của đồng đô la. Điều đó một phần phản ánh các vụ đặt cược của họ vào cuối năm 2021 cho rằng mức tăng giá của đồng bạc xanh sẽ yếu dần khi các đợt tăng lãi suất đã được phản ánh vào giá của nó. Kể từ đó, họ đã bỏ các dự báo này.

Theo Clay Lowery, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế, hiện là Phó chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ “mất cân xứng tiền tệ” khi các chính phủ, tập đoàn hoặc tổ chức tài chính của họ vay bằng đô la Mỹ và cho vay lại bằng nội tệ của họ.

Kinh tế toàn cầu sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm nay do châu Âu rơi vào suy thoái, kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt và các điều kiện tài chính ở Mỹ bị thắt chặt, theo dự báo mới của IIF. Các nhà kinh tế ở Ngân hàng Morgan Stanley nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm này sẽ thấp hơn một nửa so với năm ngoái.

Khi lãi suất tiếp tục tăng giữ lúc các bất ổn trên toàn cầu kéo dài, từ cuộc xung đột ở Ukraine cho đến tình trạng phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, điều này sẽ khiến giới đầu tư chọn các bến đỗ an toàn.

Lowery nói: “Mỹ luôn là nơi trú ẩn tài sản an toàn. Dù lãi suất của Fed và trên các thị trường tài chính đang tăng, dòng vốn chảy vào Mỹ có thể thậm chí còn tăng mạnh hơn và có nguy cơ gây tổn hại cho các thị trường mới nổi”.

Theo IIF, trong tháng 4, khoảng 4 tỉ đô la giá trị chứng khoán đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Các đồng tiền ở các thị trường này cũng giảm mạnh trong thời gian qua và trái phiếu ở khu vực châu Á mới nổi giảm 7% trong năm nay.

Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngân hàng Nomura, nói: “Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ sẽ gây tác động lan tỏa lớn đến phần còn lại của thế giới”

Nhân dân tệ suy yếu, khiến các tiền tệ khác của châu Á mất điểm tựa

Nhiều nhà sản xuất cho biết chi phí cao mà họ đang phải đối mặt có nghĩa là họ không được hưởng lợi nhiều nhờ đồng nội tệ của họ suy yếu.

Hãng xe Toyota (Nhật Bản) dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 20% trong năm tài chính hiện tại dù ghi nhận doanh số bán xe hàng năm tăng trưởng mạnh mẽ. Lý do chi phí hậu cần và nguyên vật liệu tăng “chưa từng có”. Toyota cho biết không hy vọng đồng yên suy yếu sẽ tạo ra một cú huých lớn cho triển vọng kinh doanh.

Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh khi một lượng vốn kỷ lục bị rút ra khỏi các thị trường tài chính của nước này trong những tháng vừa. Hiện tại, Trung Quốc vẫn tránh được tác động lớn hơn từ đà tăng giá của đô la vì lạm phát trong nước thấp, cho phép giới chức trách tập trung vào chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Nhưng xu hướng giảm giá của nhân dân tệ đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển khác vốn dựa vào một đồng nhân dân tệ mạnh như là điểm tựa cho các thị trường của họ.

Alvin Tan, nhà chiến lược ở Ngân hàng Royal Bank of Canada (RBC), nhận xét:  “Sự thay đổi xu hướng đột ngột của nhân dân tệ liên quan đến triển vọng kinh tế đang xấu đi của Trung Quốc hơn là chính sách của Fed. Điều đó chắc chắn làm vụn vỡ tấm khiên bảo vệ các đồng tiền châu Á trước sự tăng giá của đô la, dẫn đến sự giảm giá nhanh của các đồng tiền này trong tháng vừa qua”.

Ở các nền kinh tế phát tiền, đồng nội tệ suy yếu đặt ra “tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách” đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE), theo nhận định của Dario Perkins, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Công ty tư vấn TS Lombard ở London trong một báo cáo gần đây.

Francois Villeroy de Galhau, thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, đã lưu ý trong tháng này rằng “đồng euro quá yếu sẽ đi ngược lại mục tiêu ổn định giá cả của chúng ta”.

Perkins cho biết: “Trong khi nhu cầu quá nóng ở trong nước chủ yếu là hiện tượng của Mỹ, thì tỷ giá hối đoái yếu hơn làm tăng thêm áp lực giá nhập khẩu, khiến lạm phát cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương. Thắt chặt tiền tệ có thể làm hạ nhiệt vấn đề này, nhưng với cái giá là gây tổn thương hơn nữa cho nền kinh tế trong nước”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới