Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ‘lạc’ quỹ đạo vì Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ‘lạc’ quỹ đạo vì Covid-19

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Kinh tế Việt Nam 2021 đối diện thách thức lớn vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát giai đoạn thứ tư trước thềm Tết Nguyên đán – kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm. Trong kịch bản bất lợi, tăng trưởng GDP năm nay có thể sẽ không bằng mức tăng trưởng của năm ngoái.

Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ‘lạc' quỹ đạo vì Covid-19
Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đối mặt với làn sóng Covid-19 ngay trước thềm năm mới Tân Sửu. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh Việt Nam hiện phải ứng phó với dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ cuối tháng 1, một dự báo không lạc quan đầu tiên trong năm 2021 được đưa ra với mức tăng trưởng GDP có thể còn thấp hơn năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2020 phát hành vào ngày 8-2 vừa qua của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8-2,0%. Ở kịch bản bất lợi này, các hoạt động kinh tế bị gián đoạn khi bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của Covid-19.

Đi cùng đó là tình hình thế giới chưa có nhiều cải thiện, các nỗ lực đưa vắc xin vào cuộc sống nhưng chưa hiệu quả. Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi, kéo theo các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch.

“Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt”, báo cáo của VEPR nhận định.

Ở kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 5,6-5,8% trong năm nay. Đây cũng là kịch bản mà nhóm phân tích của VEPR nghiêng về hơn, với giả định dịch bệnh không lan rộng trong nước trong phần lớn khoảng thời gian của năm, các hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường, từ nội địa đến toàn cầu.

Tuy nhiên, mức dự báo này vẫn thấp hơn so với các con số được nhiều tổ chức đưa ra trước đó, với mức tăng trưởng GDP thậm chí lớn hơn 7%. Trong báo cáo trước đó, khối nghiên cứu của HSBC đánh giá Việt Nam là “ngôi sao sáng” trong năm nay, với nhiều lợi thế từ dòng vốn FDI bền bỉ, các hiệp định thương mại mới được ký kết và sự phục hồi đáng kể từ nhóm ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ.

Tăng trưởng kinh tế bật lên trở lại từ quí 2 năm 2020. Nguồn: VEPR

Trong năm ngoái, mức tăng trưởng GDP đạt 2,91%, lạc quan hơn so với các dự báo trước đó và nằm trong nhóm tăng trưởng tốt nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với sự lan rộng của Covid-19.

Theo VEPR, các sự kiện chính trị quan trọng cũng được kỳ vọng sẽ kích hoạt nền kinh tế đi lên. Theo đó, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước, do đó, đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, việc nước Mỹ có tổng thống mới cũng sẽ thay đổi đáng kể môi trường địa chính trị trên toàn cầu, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lan rộng trong cộng đồng từ ngày 28-1 với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới đã gần như thay đổi toàn bộ đánh giá lạc quan của nền kinh tế trong năm nay.

Sự lo ngại này càng có cơ sở hơn khi dịch bệnh xuất hiện vào thời điểm trước thềm kỳ nghỉ lễ dài và quy mô nhất trong năm. Các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch và du xuân không còn như các năm trước, thậm chí việc giãn cách xã hội đã và vẫn còn đang được thực hiện ở một số khu vực.

Hiện tại, các thống kê mới nhất vẫn chưa lượng hóa được tác động của đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng mới xuất hiện, vì số liệu nằm ngoài khoảng thời gian thống kê.

Còn con số cập nhật cho thấy hoạt động bán lẻ và tiêu dùng tháng 1 tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ (tăng 6,7% nếu loại yếu tố tăng giá). Điều này là nhờ vào các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng và nhu cầu mua sắm gia tăng trước Tết, theo báo cáo vĩ mô tháng 1 của Công ty chứng khoán Mirae Asset.

Báo cáo về kinh tế vĩ mô của Việt Nam công bố vào đầu tháng 2 của HSBC mới đây đưa ra nhận định Việt Nam cần cảnh giác vì làn sóng Covid-19 thứ ba có thể gây ra rủi ro xấu cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế, đặc biệt là các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng và du lịch trong nước. Theo báo cáo, Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ chính sách liên tục và nên hướng đến mục tiêu là người lao động và nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, VEPR cho rằng chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách “trọng cung”, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới