Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng GDP quý I dự kiến 3,82%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng trưởng GDP quý I dự kiến 3,82%

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Khó khăn chồng chất cả từ việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, lẫn sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản đã làm cho GDP quí 1-2020 ước tính chỉ tăng trưởng 3,82%. Số liệu này được dẫn từ báo cáo do Tổng cục Thống kê công bố ngày 27-3.

Tăng trưởng GDP quý I dự kiến 3,82%
Phố Tôn Đức Thắng, con phố sầm uất nhất Hà Nội bỗng trở nên vắng lặng – Ảnh: TD

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 1-2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng.

Tại buổi họp báo kinh tế quí 1-2020, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã phác họa bức tranh kinh tế u ám cả trong nước và thế giới.

Ông Lâm cho rằng, kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu dẫn đến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất. Cạnh đó, nhiều nước châu  u đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.

Ở trong nước tình hình cũng không khả quan. Toàn bộ hệ thống chính trị đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Dù vậy, theo ông Lâm, mức tăng trưởng kinh tế 3,82% vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực.

Tăng trưởng kinh tế quý 1 của Singapore, theo báo cáo mới công bố của chính quyền đảo quốc này, là -2,2%, kéo mức dự báo tăng trưởng cả năm xuống -4% đến -1%, theo Nikkei Asean Review. Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia tình hình cũng không sáng hơn.

PGS. TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 do ông là đồng chủ biên, dự báo tại thời điểm khi dịch mới bùng phát ở Trung Quốc, GDP nước ta sẽ giảm từ 0,6% – 0,8%. Mức giảm này mới chỉ được đong đếm từ việc đóng cửa hạn chế thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc, suy giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, suy giảm du lịch (chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc).

Tổng cục Thống kê họp báo giữa lúc dịch Covid 19 đang hoành hành – Ảnh: TD

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng quý 1 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020.

Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng quý 1 đạt 5,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp tăng 5,28%. “Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12%, cùng với đó là ngành khai khoáng giảm 3,18% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh”, ông Lâm phân tích.

Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% trong quý 1, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (8%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng đột biến, gần 25% vào cuối tháng 3 so với con số 15,6% cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp qua trao đổi với TBKTSG Online cho rằng, họ đang gặp vấn đề rất lớn với hàng tồn kho khi đối tác châu  u, Mỹ dừng nhận các đơn hàng đã sản xuất. Các đơn hàng đã ký nhưng chưa sản xuất thì phía đối tác huỷ do nhu cầu tại quốc gia họ lao dốc. Các doanh nghiệp này đang phải chật vật trả lương công nhân, trả lãi vay ngân hàng trong khi không được đối tác thanh toán.

Dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp lao đao, đóng cửa và tạm dừng sản xuất tăng mạnh. Quí 1-2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có điểm sáng trong báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 khả quan hơn quý 1.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm cũng kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống nhà hàng. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quí 1-2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường trọng điểm, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Mời đọc thêm:

Sức tàn phá từ “cơn lốc” dịch bệnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới