(KTSG Online) – Sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6) gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao hơn so với Trung Quốc trong 10 năm tới.
Dự báo trên được đưa ra trong báo cáo chung hôm 1-8 của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Co. (Mỹ), ngân hàng DBS (Singapore) và Hội đồng Angsana, một tổ chức tư vấn chính sách ở Singapore.
- Bức tranh đầu tư nước ngoài của ASEAN trong năm 2024
- ADB: ASEAN là trụ đỡ cho tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển
Việt Nam, Philippines dẫn dắt tăng trưởng của ASEAN-6
Báo cáo nhận định, GDP của ASEAN-6 sẽ tăng trưởng ở mức trung bình hàng năm 5,1% trong 10 năm tới (từ năm 2024 đến 2034). Trong đó, Việt Nam và Philippines sẽ dẫn dắt khu vực, với tốc độ tăng trưởng trung bình dự kiến lần lượt 6,6% và 6,1% mỗi năm. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN sẽ tăng trưởng 5,7% mỗi năm. Trong cùng giai đoạn, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng từ 3,5-4,5% mỗi năm. Trong 30 năm trước đây, tăng trưởng của ASEAN-6 kém xa Trung Quốc.
Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng 10 năm cho các nền kinh tế ASEAN-6 bằng cách xem xét các yếu tố tác động đến lao động, vốn và năng suất.
Báo cáo giải thích, Việt Nam tăng trưởng vượt trội nhờ sự thúc đẩy cạnh tranh thu hút đầu tư lành mạnh giữa các tỉnh và lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề. Bối cảnh này giúp Việt Nam thu hút các nguồn đầu tư đa dạng. Bên cạnh đó, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng các cơ hội từ chiến lược Trung Quốc + 1 (đa dạng hóa sản xuất sang các nước khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc).
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ưu tiên các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, gồm thúc đẩy đầu tư hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các chính sách như vậy đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Malaysia dự kiến tăng trưởng trung bình 4,5% hàng năm trong 10 năm tới. Theo đánh giá của Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng DBS, đây là mức tăng trưởng lạc quan đối với Malaysia, nước đang tập trung phát triển bán dẫn và trung tâm dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, Singapore dự báo chỉ tăng trưởng trung bình 2,5% mỗi năm trong 10 năm tiếp theo do lực cản từ tình trạng dân số già hóa. Thái Lan dự kiến tăng trưởng trung bình 2,8% hàng năm trong cùng giai đoạn nhờ du lịch phục hồi và vị thế trung tâm sản xuất ô tô của khu vực.
Báo cáo của của Bain, DBS và Hội đồng Angsana khuyến nghị, trong tương lai, ASEAN-6 cần tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới nổi, chủ động tận dụng công nghệ, phát triển thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy tăng trưởng tập thể.
Các nền kinh tế Đông Nam Á cần giải quyết các yếu tố cơ bản về kinh tế và kinh doanh bằng cách tăng đầu tư vốn con người (giáo dục, đào tạo nghề, sức khỏe người lao động) và quản trị tốt.
Báo cáo nhấn mạnh, Singapore, Malaysia và Thái Lan sẵn sàng trở thành động lực chủ chốt trong việc phát triển một loạt sản phẩm và dịch vụ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, vốn cổ phần tư nhân và không gian cho vay vi mô, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Philippines, Việt Nam và Indonesia có vị trí thuận lợi để sản xuất năng lượng giá rẻ, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực.
Xe điện, bán dẫn và trung tâm dữ liệu thúc đẩy FDI chảy vào ASEAN
Cũng theo báo cáo, FDI chảy vào ASEAN-6 sẽ cao hơn so Trung Quốc trong 10 năm tới. Điều này một phần là nhờ khu vực đang thu hút nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mới nổi quan trọng như sản xuất xe điện, pin xe điện, bán dẫn và trung tâm dữ liệu.
Trong lĩnh vực sản xuất xe điện, Thái Lan và Indonesia thu hút nhiều vốn FDI nhất, tổng cộng khoảng 14 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm qua. Indonesia thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện nhờ trữ lượng nickel dồi dào, với vốn FDI vào lĩnh vực này đạt 26 tỉ đô la trong 5 năm qua.
Trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn, Malaysia và Singapore đứng đầu ASEAN, thu hút khoảng 38 tỉ đô la vốn FDI trong 5 năm gần đây. Singapore chuyên sản xuất tấm nền wafer hoặc chuyển đổi nguyên liệu thô thành các chip nhỏ trong khi Malaysia dẫn đầu về đóng gói và thử nghiệm chip.
Tuy nhiên, để duy trì động lực thu hút FDI, ASEAN-6 cần cải thiện việc cung cấp dịch vụ và đổi mới, vốn vẫn còn tụt hậu so với Trung Quốc. Cùng với đó là đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.
Theo báo cáo, lần đầu tiên trong một thập niên, ASEAN-6 thu hút FDI cao hơn so với Trung Quốc. Trong năm 2023, vốn FDI rót vào ASEAN-6 tăng lên mức 206 tỉ đô la Mỹ trong khi đó vốn vào Trung Quốc là 43 tỉ đô la. Trong giai đoạn 2018-2022, ASEAN-6 chứng kiến tốc độ tăng trưởng FDI ở mức trung bình 37% mỗi năm, cao hơn so với mức 10% của Trung Quốc.
“Nhờ tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và chiến lược Trung Quốc +1, chúng tôi ngày càng lạc quan rằng ASEAN sẽ vượt tốc độ tăng trưởng GDP và FDI của Trung Quốc trong thập niên tới”, Charles Ormiston, đối tác tư vấn của Bain và là Chủ tịch Hội đồng Angsana nói và lưu ý, ASEAN thu hút vốn FDI mạnh mẽ trong những năm qua chủ yếu nhờ sự cởi mở chính trị của khu vực cũng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có tính cạnh tranh rất cao trong hầu hết các ngành công nghiệp. Nước này còn có lợi thế về đội ngũ kỹ sư đông đảo cũng như mạng lưới hạ tầng chất lượng.
Ông lưu ý, chi phí chuyển hoạt động bên ngoài Trung Quốc sang một nước ở ASEAN sẽ ngày càng cao. Điều này là do các nước ASEAN vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng và nền tảng chuỗi cung ứng sâu rộng
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của mỗi nước trong ASEAN. Do đó, báo cáo của Bain, DBS và Hội đồng Angsana khuyến nghị, doanh nghiệp ASEAN nên hợp tác chặt chẽ nhất có thể với Trung Quốc để hưởng lợi từ chi phí sản xuất thấp và nguồn tài chính ổn định ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo báo cáo, một khía cạnh đáng chú ý là tỷ trọng của sản xuất giá trị gia tăng trong GDP của hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã đạt đỉnh vào thập niên 2000. Tuy nhiên, ASEAN hiện đang cải thiện các yếu tố kinh tế cơ bản, giúp thúc đẩy tăng trưởng. Sự hình thành vốn (capital formation) ở các nước ASEAN đang tăng ổn định, phản ảnh niềm tin của doanh nghiệp. Hình thành vốn là một khái niệm về kinh tế vĩ mô, có nghĩa là xây dựng nhiều tài sản hữu hình hơn, có thể sử dụng để sản xuất hàng hóa và tạo thu nhập.
Trong thập niên qua, ASEAN-6 đã củng cố các động lực tăng trưởng quan trọng gồm sản xuất hướng đến xuất khẩu, đóng gói bán dẫn, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực tăng trưởng như trung tâm dữ liệu
Theo The Edge, SCMP, Bangkok Post