Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng kinh tế miền Tây đang… “chậm dần”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng trưởng kinh tế miền Tây đang… “chậm dần”

Trung Chánh

Tăng trưởng kinh tế miền Tây đang… “chậm dần”
Kinh tế ĐBSCL đang tăng trưởng chậm dần. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có dấu hiệu "chậm dần", mặc dù trong thời gian qua, khu vực này đã đạt được thành tựu ở một số lĩnh vực, cụ thể là hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại hội nghị “Tổng kết năm 2017 và 15 năm hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ” diễn ra ở thành phố Cần Thơ hôm 5-2, ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, bên cạnh việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều chính sách, cơ chế đặc thù mang tính đột phá trong các lĩnh vực, công tác kết nối và xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hậu cần… cũng đã có những bước đột phá.

Theo đó, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã kiến nghị tháo gỡ nhiều khó khăn, ách tắc về thủ tục thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình trọng điểm có tầm ảnh hưởng đến cả vùng như dự án đầu tư xây, dựng đảo Phú Quốc, cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, kênh Ô Môn- Xà No, cống ngăn mặn Ba Lai…

Kết thúc hoạt động Ban Tây Nam bộ trong quí 1-2018

Ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, Bộ Chính trị đã có quyết định kết thúc hoạt động của 3 ban chỉ đạo, gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Theo đó, đối với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, theo ông Thắng, thực hiện quyết định số 104-QĐ/TW ngày 28-11-2017 của Bộ Chính trị, thường trực ban đã xây dựng xong dự thảo phương án sắp xếp, bố trí, thực hiện chế độ đối với cán bộ công chức, người lao động. Đồng thời, chủ động thực hiện các nội dung có liên quan về công tác tài chính, tài sản, công tác văn thư lưu trữ nhằm tổ chức bàn giao, kết thúc hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong quí 1-2018.

Ông Bùi Quang Huy, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, trong gần 15 năm qua (ban được thành lập tháng 8-2004), hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là giao thông đường bộ, hàng không và giao thông ở từng địa phương có sự phát triển rất nhiều lần so với trước đó. “Tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương phải tiếp tục thực hiện cái này (phát triển hạ tầng giao thông) cho tốt hơn”, ông cho biết và giải thích dù đã có bước phát triển nhưng hiện vẫn chưa đồng bộ, phát huy chưa thật sự tốt, nhất là các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ ở các địa phương.

Ông Huy diễn giải các địa phương trong vùng ĐBSCL đều có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, nhưng do thiếu vốn và thiếu sự phối hợp chặt chẽ nên việc đầu tư hạ tầng giao thông chưa được đồng bộ. Trong thời gian sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Đề cập đến tốc độ phát triển kinh tế của vùng, báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho thấy, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của vùng đang ngày càng "chậm lại". Cụ thể, nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm, thì giai đoạn 2011-2015, con số này chỉ là 8,55%/năm. Riêng năm 2017, tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL đạt 7,39%, tăng 0,49% so với năm 2016 (6,9%), nhưng so với giai đoạn 2011-2015 (8,55%), thì tăng trường kinh tế năm 2017 vẫn thấp hơn 1,16 đểm phần trăm.

Bản báo cáo không nêu ra nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL ngày càng chậm lại. Thế nhưng, tại hội thảo “Những chuyển biến nổi bật kinh tế ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2017, xu hướng thay đổi trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 26-7-2017, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ lúc bấy giờ giải thích lý do là nông nghiệp, lĩnh vực nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế của vùng, đã suy giảm mạnh.

Ông Dũng dẫn chứng, trước năm 2014, tăng trường nông nghiệp của vùng ĐBSCL vào khoảng 6%, thì trong năm 2014-2015 con số này còn 3% và trong năm 2016 chỉ còn 0,6%. Điều này, tỷ lệ thuận với sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng như đã nêu ra ở trên.

Riêng trong năm 2017, tăng trưởng nông nghiệp của vùng ĐBSCL đạt 2,77% so với con số tăng 0,6% của năm 2016. Điều này, đã giúp tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2017 đạt 7,39% so với năm 2016 là 6,9%. Như vậy, rõ ràng sự tăng hay giảm của ngành nông nghiệp ĐBSCL đều có tác động rất đáng kể về tăng trưởng kinh tế của vùng này.

Theo ông Dũng, nông nghiệp suy giảm dẫn đến những địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp sẽ có mức tăng trưởng thấp. Nhận định này của ông Dũng hoàn toàn có cơ sở khi đối chiếu với số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

Chẳng hạn, như tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2017, khu vực I (nông nghiệp) đóng góp cho nền kinh tế của địa phương cao nhất là 10.024 tỉ đồng; khu vực II (công nghiệp) là 3.648 tỉ đồng và khu vực III (thương mại-dịch vụ) là 9.926 tỉ đồng, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương chỉ đạt 6,5%. Thế nhưng, với tỉnh Long An, khu vực I đóng góp ít nhất cho nền kinh tế của địa phương, với 12.773 tỉ đồng; khu vực II là 29.275 tỉ đồng và khu vực III là 19.902 tỉ đồng, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đến 9,53%.

Từ dẫn chứng nêu ra ở trên có thể thấy phát triển kinh tế của một địa phương (suy rộng ra của cả vùng) khi phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp (tăng trưởng nông nghiệp những năm qua ngày càng suy giảm- PV) dường như đã không còn “đủ sức” để tạo sự bứt phá, nâng cao đời sống người dân. Từ đó, cũng khơi gợi ra những điều cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL thời gian tới.

Mời xem thêm:

Thách thức cho tăng trưởng kinh tế ĐBSCL
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới