Tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp cần ít vốn để tái sản xuất kinh doanh
Trang Nguyễn
(TBKTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu tháng 5 có dấu hiệu chững lại do nhiều doanh nghiệp (DN) chưa có nhu cầu vay vốn hoặc vay rất ít cho nhu cầu sản xuất kinh doanh sau thời gian cách ly xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổ chức tại Hà Nội sáng 14-5, tốc độ tăng trưởng tín dụng mỗi tháng đầu năm đã giảm so bình quân 4,44% so với cùng thời điểm năm 2019. Trong đó tháng 1 chỉ tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, đến trung tuần tháng 4 giảm xuống còn khoảng 1,2%.
Hiện tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã lên tới xấp xỉ 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% trên tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Một số ngành nghề bị ảnh hưởng chính bao gồm du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục đào tạo….
Theo ông Hùng, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu tháng 5 đã chững lại do các DN chưa có kế hoạch kinh doanh mới nên nhu cầu vay vốn mới còn thấp dù đã hết thời gian cách ly xã hội và dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.
“Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chương trình, sản phẩm với lãi suất ưu đãi nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng đầu năm tăng thấp hơn so với các năm trước, như vậy khả năng trong đầu tư rất khó khăn”, ông Hùng nhận định.
![]() |
Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức tại Hà Nội sáng 14-5. Ảnh: TN |
Trong khi đó, lý giải về hiện tượng nhiều DN chưa thực sự tiếp cận được nguồn vốn mới để duy trì hay mở rộng hoạt động sản suất kinh doanh trong thời gian vừa qua, ông Hùng cho biết tất cả các TCTD đều có nhu cầu cho các DN vay, nhưng do các DN chưa chứng minh được hiệu quả của các dự án nên các TCTD chưa thể đáp ứng giải ngân vốn.
“Nhiều doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) chưa thật sự linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định và quyết định cho vay mới", ông nói.
Trước đó, để giảm thiểu và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong đại dịch, NHNN đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3-2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, DN cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.
Cùng với đó là phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội; miễn, giảm phí thanh toán kể cả của NHNN và TCTD nhằm hỗ trợ người dân, DN trên quy mô lớn, với số tiền khoảng 1.004 tỉ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng từ NHNN để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả bước đầu sau 2 tháng triển khai quyết liệt, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỉ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 ngàn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23- đến nay đạt 630 nghìn tỉ đồng cho 182 ngàn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Riêng NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỉ đồng, cho vay mới đối với gần 517 ngàn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỉ đồng.