(KTSG Online) – Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã phê duyệt chiến lược về phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để thực hiện tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỉ đồng vào năm 2025.
- Gỡ khó việc giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
- Phương án tăng vốn điều lệ bằng nguồn ngân sách nhà nước của Agribank không khả thi
Theo thông tin từ TTXVN, chiến lược về phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu có tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92-95%.
Quyết định còn hướng đến việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỉ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỉ đồng vào năm 2030. Kinh phí được trích từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp.
Đến năm 2025, thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm sẽ rút ngắn còn 30 ngày làm việc. Đến năm 2030, thời gian hoàn thành việc chi trả này là 15 ngày để người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.
Đồng thời, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phép đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư như mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại; mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại phát hành; mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công…
Nơi chưa cần, hoặc chưa cần gấp, thì lại cho đề xuất. Trong khi nơi cần tăng gấp vốn điều lệ (các NHTM nhà nước), nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn, tăng nộp ngân sách… đã đề xuất nhiều lần, thì lại rất chậm chạp. Mặc dù Quốc hội đã phê, nhưng các ngành liên quan lại chưa chịu duyệt.