Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng vốn hay tăng huy động vốn từ người mua nhà?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng vốn hay tăng huy động vốn từ người mua nhà?

Như Quỳnh

(TBKTSG Online) – Bất động sản là lãnh vực đòi hỏi nhà kinh doanh phải có nguồn vốn lớn để thực hiện dự án; song đa phần các doanh nghiệp địa ốc hiện nay không đủ năng lực tài chính, và không ít doanh nghiệp đầu tư dự án theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.

Có thể nói ít có loại hình sản phẩm nào mà người sản xuất có thể bán ngay khi nó chưa hình thành. Nhưng địa ốc có ngoại lệ vì nhà đầu tư được phép bán nhà ngay khi nó còn đang trên giấy, với điều kiện dự án đó đã thực hiện xong phần móng.

Theo thông tin từ báo chí, số lượng dự án xây xong mới mở bán đếm chưa hết năm đầu ngón tay, đa số các dự án dựa vào nguồn tiền huy động từ khách hàng bên cạnh nguồn vốn vay ngân hàng.

Phát biểu tại buổi giám sát tình hình thực hiện Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở trên địa bàn TPHCM ngày 6-9, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng điều kiện kinh doanh bất động sản tại Việt Nam dễ nhất thế giới khi doanh nghiệp chỉ cần có vốn pháp định 6 tỉ đồng là có thể lập đoanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Thực tế cho thấy trong số 4.200 doanh nghiệp bất động sản thì có đến 3.000 doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp này khó có thể thực hiện dự án nếu như không có nguồn vốn tiếp sức từ ngân hàng và người mua nhà.

Có người đã có đề xuất nâng vốn pháp định lên 20 tỉ đồng, hơn gấp ba lần mức vốn hiện nay, một phần là để đảm bảo chủ đầu tư có thể hoàn thành dự án khi thị trường khó khăn, cũng là một cách loại bớt khỏi thị trường những doanh nghiệp yếu kém năng lực tài chính. Tuy nhiên, nhìn vấn đề dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cũng tại sự kiện trên cho rằng việc quy định hiện nay chưa hợp lý khi chỉ cho phép nhà đầu tư huy động vốn từ khách hàng sau khi dự án đã làm xong móng.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, theo ông Châu, nên cho phép chủ đầu tư được huy động vốn sau khi đã giải phóng xong mặt bằng, đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và nộp tiền sử dụng đất. Điều này có nghĩa sẽ tiếp tục chấp nhận tình trạng hiện nay doanh nghiệp thiếu vốn hiện nay, thậm chí điều kiện huy động vốn còn thoáng hơn trước.

Vậy đâu là giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề, siết lại bằng cách tăng vốn pháp định để sắp xếp lại thị trường hay nới lỏng để doanh nghiệp dễ thở hơn và giúp họ vượt qua khó khăn? Thị trường bất động sản sẽ ra sao và người mua nhà để ở sẽ như thế nào khi tiếp tục cho phép nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường theo kiểu “tay không bắt giặc”?

Anh/Chị có ý kiến gì xin mời đóng góp vào box bên dưới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới