Chủ Nhật, 10/12/2023, 18:23
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tạo động lực kinh tế vùng biên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tạo động lực kinh tế vùng biên

Trong ảnh là cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, hiện là khu kinh tế cửa khẩu phát triển mạnh giao thương với Trung Quốc-Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực kinh tế cho các tỉnh vùng biên giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia là mục tiêu chính của đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020”.

Quy hoạch này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tuần qua. Theo đó, từ nay đến năm 2015 cả nước sẽ hình thành thêm bốn khu kinh tế cửa khẩu là: Long An của tỉnh Long An, A Đớt của Thừa Thiên-Huế, Nậm Cắn-Thanh Thủy của Nghệ An và Na Mèo ở Thanh Hóa, nâng số khu kinh tế cửa khẩu cả nước lên 27 khu, trong đó có khoảng 6-7 khu đi vào hoạt động đồng bộ. Đến năm 2020, cả nước có tổng cộng 30 khu kinh tế cửa khẩu.

Mục tiêu của đề án là xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu trên các khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia để tới năm 2020, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng đạt 42-43 tỉ đô la Mỹ.

Trước mắt, Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách cho 9 khu kinh tế cửa khẩu chủ chốt là Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp.

Mục tiêu ngắn hạn là tới năm 2010, các khu kinh tế cửa khẩu hoạt động hiện nay có kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu đạt 5,7 – 6 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đạt 7, 7 – 8 tỉ đô la Mỹ và đón 2,9-3 triệu khách du lịch từ các nước vào Việt Nam và từ Việt Nam đi ra các nước các cửa khẩu.

Đối với các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác phát triển hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và Hải Phòng – Hà Nội – Lạng Sơn – Nam Ninh, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Tại các khu kinh tế cửa khẩu biên giới với Lào, đây sẽ là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào thị trường các tỉnh miền Trung, Bắc Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Các khu kinh tế cửa khẩu biên giới với Campuchia sẽ là điểm nhấn trong hợp tác phát triển của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và hành lang kinh tế đường Xuyên Á, trong đó ưu tiên phát triển đối với các khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới