Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tạo lực đẩy về chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tạo lực đẩy về chính sách

Công Sang

(TBVTSG) – Việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các thị trường giá thành cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán lợi nhuận cho cả doanh nghiệp thu mua gạo lẫn người nông dân. Nhưng những khó khăn của các nhà xuất khẩu trong nước về mặt kinh nghiệm và công nghệ để đáp ứng phương thức mua gạo mới thông qua đấu thầu trực tuyến đang là trở ngại. Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp và người nông dân cần sự thúc đẩy về mặt chính sách và định hướng từ cấp quản lý nhà nước.

Hãng tin AFP tuần rồi cho biết Philippines – quốc gia tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất (chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu), đang có kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong vòng ba năm tới. Từ thông tin này, có thể thấy để duy trì vị trí xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới như hiện nay, Việt Nam cần tính đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Ngoài những nhà mua gạo lâu năm như Philippines, Singapore, Indonesia và Cuba, hiện đã xuất hiện thêm nhiều thị trường mới nổi như Trung Quốc, Bangladesh, châu Phi.

Trên thực tế, việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, đặc biệt là những thị trường giá cao, là điều rất khó khăn vì ngoài yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng các nhà xuất khẩu Việt Nam còn phải đáp ứng được yêu cầu về mặt kinh nghiệm và công nghệ đối với phương thức đấu thầu mới – đấu thầu trực tuyến. Vấn đề này đòi hỏi sự linh hoạt của các nhà xây dựng và điều hành chính sách trong việc thúc đẩy sự chuyển hướng của doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức giao dịch mới.

Khắc phục tâm lý e ngại

Theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam hiện vẫn là cấp thấp – vốn là những thị trường gạo có chất lượng không cao (chiếm 70% tổng sản lượng), gạo Việt Nam lại chưa xây dựng được thương hiệu nên giá bán thường thấp hơn các đối thủ cạnh tranh từ 80-100 đô la Mỹ/tấn. Chính vì lẽ này, đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tuy ký được nhiều hợp đồng nhưng lãi không cao. Trên thị trường đang tồn tại một nghịch lý giá gạo tăng cao nhưng thu nhập của nông dân không tương xứng, do chi phí đầu vào (giá nguyên liệu, phân bón, vật tư…) tăng liên tục. Theo một bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa chỉ là 316.250 đồng/người/tháng, còn thấp hơn cả chuẩn nghèo hiện nay (400.000 đồng/người/tháng).

Mặc dù gặp không ít khó khăn về giá bán ở thị trường cấp thấp nhưng các nhà xuất khẩu gạo lại không mấy mặn mà với việc mở rộng thị trường mới hay tiếp cận những thị trường giá cao. Điều này một phần xuất phát từ tâm lý e ngại nơi doanh nghiệp trong việc tiếp cận với phương thức giao dịch mới ứng dụng thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, khó khăn đầu tiên chính là tâm lý ngại thay đổi nơi doanh nghiệp. Ông cho rằng việc tiếp cận với thương mại điện tử không phải là vấn đề quá khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bởi điều kiện về hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay khá tốt, dịch vụ chữ ký số và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. “Cái khó ở đây không nằm ở vấn đề kỹ thuật hay nguồn nhân lực mà là chính thói quen của doanh nghiệp, họ chưa quen với việc tham gia mua bán, trao đổi trên mạng và vẫn còn nặng về giao dịch giấy tờ theo kiểu truyền thống”, ông Phúc nói.

Khó khăn kế tiếp chính là tâm lý e ngại trong việc ứng dụng CNTT, trong đó có cả thương mại điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà điều này thường xuất phát từ năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Cuối cùng, theo các chuyên gia, chính là tâm lý ngại chia sẻ thông tin và thiếu sự liên kết sức mạnh giữa các thành viên của cùng một hiệp hội ngành nghề hoặc giữa các hội ngành nghề khác nhau. Ví dụ, giữa hiệp hội của các nhà xuất khẩu gạo và hiệp hội của các doanh nghiệp thương mại điện tử thiếu sự hợp tác, kết nối thông tin. Bản thân nhà xuất khẩu gạo không chủ động chia sẻ khó khăn về mặt công nghệ còn doanh nghiệp thương mại điện tử lại không chủ động tiếp cận nhà xuất khẩu, nên hai bên thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong những trường hợp, sự vụ cụ thể.

Cần sự hợp lực của doanh nghiệp, hiệp hội và nhà nước

Ông Phạm Thy Hùng, Trưởng phòng Quản lý mạng đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói rằng việc tham khảo thông tin nhiều nơi cho biết không chỉ riêng Hàn Quốc áp dụng hình thức đấu thầu điện tử trong việc nhập khẩu gạo mà điều này đang trở thành xu thế chung của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Phương thức này được đánh giá là tiết kiệm được chi phí và đem lại hiệu quả cao. “Việc công khai, minh bạch đấu thầu trên mạng sẽ thu hút được nhiều nhà thầu cả trong và ngoài nước tham gia, từ đó giá thành, chất lượng hàng hóa và dịch vụ chào bán sẽ cạnh tranh hơn”, ông Hùng giải thích.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nếu các doanh nghiệp nhìn nhận việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu gạo như một công cụ hỗ trợ thì họ sẽ giải tỏa được phần nào tâm lý e ngại. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là chất lượng gạo đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.

Ông Dũng khuyên các nhà xuất khẩu gạo trong quá trình phát triển thương mại điện tử nên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của mình với các hiệp hội có liên quan để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, tạo sự kết nối giữa các hiệp hội trong việc tiếp nhận những ý kiến thắc mắc, nhu cầu của doanh nghiệp để từ đó tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để cung cấp thông tin về những giải pháp thương mại điện tử cho từng ngành nghề cụ thể.

Còn theo ông Hùng, hiện nay đấu thầu trực tuyến ở Việt Nam chỉ mới được ứng dụng cho lĩnh vực mua sắm công nên phạm vi phổ biến vẫn còn khá hạn hẹp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về hình thức đấu thầu này có thể truy cập vào trang web đấu thầu điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc tham khảo Thông tư 17 về quy định thí điểm đấu thầu qua mạng để hiểu rõ hơn quy trình, thủ tục cần phải chuẩn bị.

Bên cạnh đó, ông Phúc thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng các doanh nghiệp nên tìm hiểu quy định pháp luật, cách thức trao đổi thông tin, giao dịch trên mạng của các thị trường nước ngoài mà mình muốn thâm nhập trước khi quyết định tham gia các phiên đấu thầu điện tử của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới