Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tạo một cú hích cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tạo một cú hích cho doanh nghiệp

Thành Trung thực hiện

Ông Bùi Xuân Khu.

(TBKTSG) – Nhân dịp công bố cuộc bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may và ngành da giày Việt Nam” lần thứ 6 – năm 2009, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương, ông BÙI XUÂN KHU, xung quanh vai trò của cuộc bình chọn. Năm nay, Ban tổ chức cuộc bình chọn ngoài Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn còn có sự tham gia của Hiệp hội Da giày Việt Nam.

TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của hai ngành dệt may và da giày trong sáu tháng đầu năm nay?

– Ông BÙI XUÂN KHU: Trong nửa đầu năm 2009, Chính phủ, Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định tình hình xuất khẩu dệt may và da giày gặp nhiều khó khăn do hai ngành này có tỷ trọng xuất khẩu cao trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, Nhật, EU… bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy, sức mua và khả năng nhập khẩu của các thị trường này kém, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của nước ta. Doanh nghiệp gặp khó khăn, lao động bị dôi dư, thất nghiệp tăng.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ trong các chính sách điều hành vĩ mô đã mang lại một số kết quả nhất định trong nửa đầu năm nay. Kết thúc sáu tháng đầu năm, hai ngành trên vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt xấp xỉ 4,1 tỉ đô la Mỹ, chỉ giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường dệt may nội địa tăng trưởng khá. Lợi nhuận của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sáu tháng đầu năm 2009 tăng 48% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2008 đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ trong khi mục tiêu xuất khẩu năm 2009 là 9,5 tỉ đô la.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sáu tháng đầu năm chỉ giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm 2008. Mặc dù toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm 10% song cộng gộp vào thì hai ngành này vẫn có mức tăng trưởng khá tốt. Mục tiêu xuất khẩu của ngành da giày năm nay vào khoảng 4,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi sáu tháng đầu năm đã đạt xấp xỉ 2,1 tỉ đô la. Khả năng hoàn thành mục tiêu trong năm 2009 là có.

TBKTSG: Còn tình hình năm 2010, năm được dự báo là bắt đầu chu kỳ “hậu khủng hoảng” thì sao, thưa ông?

– Năm nay do tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nên nhiều nền kinh tế lớn đều có tốc độ tăng trưởng âm, nhưng dự kiến sang năm các nước này sẽ hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng dương. Như vậy, về khách quan mà nói thì tình hình xuất khẩu của ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi sức mua của các thị trường này tăng lên cùng với đà hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, chưa thể nói trước điều gì trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay mà quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón cơ hội.

TBKTSG: Năm nay cuộc bình chọn có thêm ngành da giày, ông nghĩ sao về điều này?

– Sau nhiều năm tổ chức bình chọn, đến nay có thể khẳng định cuộc bình chọn đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của các doanh nghiệp dệt may về nhiều mặt như xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho tăng trưởng GDP… Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành da giày lại là các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, theo tôi, cần phải khích lệ các doanh nghiệp da giày thông qua cuộc bình chọn. Ngoài ra, cuộc bình chọn đã chứng tỏ vai trò kết nối đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Chúng tôi tin rằng vai trò ấy sẽ tiếp tục được phát huy trong việc kết nối giữa hai lĩnh vực xuất khẩu quan trọng này để tạo ra một động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế.

TBKTSG: Da giày và dệt may có nhiều điểm khác biệt do đặc thù riêng của mỗi lĩnh vực, vậy ban tổ chức cần bổ sung thêm những tiêu chí nào cho phù hợp với từng lĩnh vực?

– Về cơ bản, tiêu chí nào là quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp da giày thì cần đưa vào. Chẳng hạn các tiêu chí đánh giá về hiệu quả kinh tế, công nghệ sử dụng, thiết kế… Việc bình chọn cần đảm bảo các yếu tố mà cuộc bình chọn đã đề ra nhiều năm nay là tính đúng đắn, hợp lý, công bằng, công khai và có tính khích lệ thiết thực đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp trong từng ngành.

TBKTSG: Nhiều tiêu chí quá có thể làm “loãng” việc bình chọn không, thưa ông?

– Tất cả phụ thuộc vào việc các tiêu chí đó được đưa ra có phù hợp và cần thiết không. Vì thế không nên lo ngại việc bổ sung thêm tiêu chí cho ngành da giày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc bình chọn.

TBKTSG:Vậy có thể hiểu các tiêu chí bình chọn năm nay sẽ được chọn lọc kỹ và khắt khe hơn?

– Cũng có thể hiểu như vậy. Quan trọng nhất là các tiêu chí phải tạo tính cạnh tranh và thúc đẩy các doanh nghiệp tăng trưởng dựa trên hiệu quả và chất lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới