Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được đầu tư ngoài ngành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được đầu tư ngoài ngành

Tư Hoàng

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được đầu tư ngoài ngành
Các tập đoàn kinh tế sẽ không còn được đầu tư vào bất động sản. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phi tài chính sẽ bị nghiêm cấm đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Đồng thời, nhà nước cũng không cần nắm giữ cổ phần ở những doanh nghiệp thuần túy kinh doanh.

Đây là một trong những nội dung chính của bản dự thào tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính đang chuẩn bị.

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước cũng được yêu cầu chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước năm 2015.

Theo đề án này, các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại thành 4 nhóm từ nay đến năm 2015.

Nhóm 1: Các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà nhà nước cần kiểm soát.

Nhóm 2, các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (trên 75% vốn điều lệ) hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ công ích, các doanh nghiệp bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nhóm 3: Các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% vốn điều lệ) gồm những doanh nghiệp quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường hoạt động trong các ngành, lĩnh vực.

Nhóm 4: Các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuần túy.

Bộ Tài chính cho rằng, chủ trương tái cấu trúc là hình thành các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có quy mô lớn, hầu hết đa sở hữu.

Đến năm 2020, có khoảng 3-5 tập đoàn kinh tế lớn nằm trong số những tập đoàn kinh tế hàng đầu trong khu vực, 10-15 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có vai trò dẫn dắt, điều tiết kinh tế trong phạm vi quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói: “Tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò mà phải làm cho doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ông Huệ khẳng định: “Phải quán triệt quan điểm chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là doanh nghiệp nhà nước”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính, người đảm nhận chức vụ Trưởng ban tái cơ cấu DNNN cho biết, các DNNN phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. “Nhà nước nhất quán và kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường trong hoạt động của DNNN”, ông nói.

Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 10-2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn là của các các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Các doanh nghiệp này có tổng tài sản gần 1.800 nghìn tỉ đồng, vốn chủ sở hữu gần 700 nghìn tỉ đồng; song lại chỉ có lợi nhuận 117 nghìn tỉ đồng và tạo việc làm cho vỏn vẹn 1,2 triệu lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DNNN đang chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại và 70% nguồn vốn ODA.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới