Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tập luyện để tăng cường sức khỏe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tập luyện để tăng cường sức khỏe

BS. Lê Hùng

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Người xưa có những phương pháp tập luyện để tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, từ phần đầu đến phần chân. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày ngắn gọn những phương pháp tập luyện ở vùng đầu mặt để bạn đọc có thể luyện tập dễ dàng.

Kích thích vùng da đầu.

Vùng da đầu chứa toàn bộ vùng chiếu của các cơ quan nội tạng trong cơ thể, một phương pháp rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được để kích thích vùng da đầu là sử dụng 10 đầu ngón tay chà xát và gõ trên toàn bộ vùng da đầu. Sự kích thích vùng da đầu và các chân tóc sẽ tác động lên nhiều cơ quan tạng phủ trong cơ thể để điều hòa, điều chỉnh các chức năng của chúng cũng như những rối loạn bệnh lý nếu có.

Đặc biệt, khi được kích thích, vùng da đầu sẽ kích thích sự tuần hoàn của hệ thống mạch máu não, hóa giải tình trạng thiếu máu của não (rất cần thiết cho những người lớn tuổi).

Có thể chà xát và gõ vùng da đầu khi nào có điều kiện (khoảng ba lần trong ngày). Có thể dùng một số dụng cụ hỗ trợ như lăn, cào được làm từ chất liệu sừng để kích thích vùng da đầu.

Tập cho đôi mắt linh hoạt.

Đôi mắt phải làm việc nhiều giờ liên tục nhưng ít khi chúng ta nhận biết được sự mệt mỏi của mắt. Chỉ đến khi mắt bị bệnh chúng ta mới hoảng hốt tìm cách điều trị. Tập luyện, bồi dưỡng và cho đôi mắt có thời gian nghỉ ngơi hợp lý là chuyện cần chú ý để thực hiện hàng ngày.

Phương pháp tập luyện mắt đơn giản là vận động hai nhãn cầu: liếc nhìn về bên trái, bên phải, lên trên, xuống dưới, sau đó xoay hai nhãn cầu cùng một lúc theo chiều kim đồng hồ, rồi lại xoay hai nhãn cầu ngược chiều kim đồng hồ. Mỗi động tác tập luyện có thể lặp lại từ 15-20 lần hay nhiều hơn.

Xoa bóp cho mắt: nhắm mắt lại, nắm nhẹ hai bàn tay, dùng đốt 1 của hai ngón tay cái đặt lên hai mắt, ấn nhẹ vào hai nhãn cầu rồi day tròn theo hai chiều ngược nhau (tay phải day ngược chiều kim đồng hồ thì tay trái day cùng chiều kim đồng hồ và ngược lại), rồi đổi chiều (mỗi chiều day khoảng 20 lần). Sau đó dùng đầu ngón tay trỏ và giữa xoa vòng quanh bờ của hai hốc mắt (5-10 lần).

Sau khi mắt làm việc liên tục khoảng 1-2 giờ, chúng ta nên cho mắt nghỉ ngơi và tập điều tiết cho mắt bằng cách đan chéo hai bàn tay và để phần mu hai bàn tay ở phía trước hai mắt, nhìn chăm chú vào một điểm (ví dụ điểm nối giữa hai khớp 1 và 2 của ngón tay giữa bàn tay phải). Đưa hai bàn tay thật gần mắt rồi dang tay ra thật xa, hết tầm với, trong khi mắt vẫn nhìn vào điểm nói trên. Lặp đi lặp lại nhiều lần việc này sẽ giúp cho mắt điều tiết tốt, hóa giải hiện tượng mỏi mắt khi làm việc nhiều. Sau đó chúng ta đi ra phía cửa sổ và nhìn thẳng lên bầu trời xanh để cho mắt được thư giãn tốt nhất.

Làm việc suốt ngày trong phòng máy lạnh rất dễ bị viêm mũi xoang mãn tính. Để phòng chống căn bệnh này, cần xoa bóp thường xuyên cho vùng mũi xoang ấm lên, ngay cả khi đang làm việc. Dùng hai ngón tay trỏ và giữa, khép lại với nhau và day hai bên cạnh mũi (vùng xoang sàn) nhiều lần. Sau đó dùng hai ngón tay xoa vùng má (vùng xoang hàm), vùng trán và vùng giữa hai lông mày (vùng xoang trán) sao cho những vùng này ấm nóng lên. Dùng hai đầu ngón tay trỏ ấn và day hai huyệt nghinh hương và thượng nghinh hương.

Tập vận động các cơ ở vùng mặt

Đọc sách báo, tài liệu, làm việc liên tục với máy vi tính… rất căng thẳng nên các cơ ở mặt cũng căng cứng theo. Điều này rất dễ xuất hiện những nếp nhăn, những vùng co cứng cơ, mỏi cơ và trong môi trường lạnh nhân tạo do máy lạnh có thể sẽ làm cho các cơ bị yếu liệt gây liệt mặt ngoại biên… Chính vì vậy tập luyện vận động và xoa bóp cho các cơ vùng mặt là điều nên làm.

Chọn một nơi kín đáo, cố gắng nhăn mặt, chu môi, bạnh cằm, mở rộng miệng ra tối đa rồi ngậm lại, tập chậm rãi, từng đợt về tất cả mọi phía với toàn bộ sức lực sao cho tất cả các cơ vùng mặt đều được vận động chủ động. Sau đó dùng hai bàn tay xoa bóp tất cả các cơ vùng mặt làm cho chúng nóng ấm lên.

Tập lưỡi. Ở người lớn tuổi, sự vận động của lưỡi ngày càng kém linh hoạt nếu không được tập luyện liên tục. Một số trường hợp có kèm theo bệnh lý thiểu năng tuần hoàn não hay thoái hóa não thì có thể xuất hiện tình trạng nói khó, nói ngọng, nói lắp. Chính vì vậy, nếu thường xuyên tập luyện cho cơ lưỡi linh hoạt từ khi còn trẻ có thể tránh được hiện tượng trên. Ngoài ra, đối với ca sĩ, kịch sĩ, người dẫn chương trình, những người lãnh đạo hay phải đọc diễn văn, phát biểu trước công chúng… thì chuyện tập luyện cho lưỡi rất quan trọng.

Có thể tập vận động lưỡi bằng cách quay lưỡi theo chiều kim đồng hồ (khoảng 20 lần hoặc hơn) rồi ngược chiều kim đồng hồ cũng với số lần như trên. Sau đó thè lưỡi ra hết cỡ rồi thụt lưỡi vào trong họng thật ngắn đến mức có thể. Phương pháp “tróc lưỡi”: để đầu lưỡi chạm vào vòm họng, sau đó hả miệng rồi bật lưỡi ra phía trước tạo thành tiếng kêu rất đặc trưng.

Tập vận động lưỡi thật nhuần nhuyễn khi phát âm tiếng nói sẽ mạnh mẽ và lưu loát. Có thể tập chuyển động lưỡi kết hợp với chuyển động hai mắt, có nghĩa mắt nhìn vào đâu thì lưỡi sẽ vận động theo hướng nhìn đó, phương pháp này tuy khó nhưng nếu tập luyện phối hợp tốt thì hiệu quả sẽ rất cao

Cuối cùng đừng bao giờ quên tác động vào hai loa tai. Hai loa tai là vùng chiếu của tất cả các cơ quan nội tạng. Chính vì vậy khi tác động vào hai loa tai có nghĩa chúng ta đang tác động đến tất cả các cơ quan tạng phủ trong cơ thể để điều hòa điều chỉnh chức năng của chúng.

Dùng hai bàn tay xoa xát cho ấm nóng toàn bộ hai loa tai (không được bỏ sót phần nào). Sau đó áp hai bàn tay vào hai bên tai rồi ép xuống sao cho không khí đẩy màng nhĩ hướng vào bên trong (khoảng 10 lần). Tiếp theo dùng hai đầu ngón tay trỏ nút chặt hai ống tai ngoài, rồi rút hai ngón tay ra khỏi ống tai một cách đột ngột, lực tác động âm sẽ hút màng nhĩ hướng ra phía ngoài ống tai. Sự tác động trên sẽ giúp màng nhĩ, các xương nhỏ tham gia quá trình nghe được vận động tốt làm cho thính giác nhạy bén và bền bỉ hơn.

Trên đây là những phương pháp tập luyện ở vùng đầu mặt, nếu áp dụng đúng và tập luyện hàng ngày thì sẽ đạt được những kết quả tốt trong vấn đề phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng cơ thể. Phần tập luyện từ cổ xuống chân chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết kế tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới