Tạp văn: Rừng khóc
![]() |
(ảnh minh họa) |
(TBKTSG) – Người ta thường bảo phát triển kinh tế xã hội bao giờ cũng phải trả giá. Đúng vậy, nhưng thực tế có nhiều cái giá: giá rẻ, giá thấp, giá chấp nhận được và giá đắt, cực đắt, giá cắt cổ… và người được giao quản lý phải tìm cách để trả giá thấp nhất.
Chuyến bay đêm đưa anh đến Ban Mê Thuột sau hơn mười năm dài chưa trở lại.
Khuya, nhận phòng ở một khách sạn nằm ở khu vực hơi vắng người, mở cửa sổ đón gió trời, nằm nghỉ một lúc anh bỗng nghe tiếng động nhỏ của một vật va vào trần nhà. Nhìn lên hóa ra một chú ve bay lạc, đang bối rối tìm đường ra. Tự dưng anh cảm thấy vui vui. À, thành phố vẫn còn nhiều ve, còn cây xanh, còn yên bình. Và anh thiếp đi khi không còn nghe tiếng lịch kịch ấy nữa.
Sáng hôm sau, đi một vòng thăm mấy nơi trong thành phố, anh ngạc nhiên thú vị khi thấy thành phố đã đổi thay nhiều, nhà phố mọc lên nhiều hơn cao hơn, đường sá to rộng, sạch đẹp. Có những dãy phố cà phê với kiểu cách kiến trúc không khác gì Sài Gòn và cà phê thì thơm ngon hơn nhiều. Người ta nói Ban Mê Thuột đi lên chính là bằng cà phê mà.
Và anh lại thích thú khi nghe tiếng ve kêu ran trên những tàn cây dọc đường. Ve núi kêu có khác, âm thanh khỏe, hơi khô và sắc. Khi chúng nhất loạt xướng lên thì cả một vùng xáo động. Thêm lũ bướm vàng – từng đàn từng đàn có đến vài trăm con chấp chới bay khắp chốn. Chỉ tiếc là vừa qua mùa hoa cà phê cho nên hòa sắc nơi đây trống một mảng trắng ngút ngàn.
Nhưng rồi cái cảm giác yên bình, thú vị trong anh dần dần tan biến khi anh theo đoàn khách đi tham quan cụm thác Đrây Sáp và hồ Lak ngày tiếp đó. Hóa ra đằng sau vẻ yên bình, sung túc nhân tạo của thành phố và những vườn tược, đồn điền là cả một kho tài nguyên – di sản lớn lao về mặt thiên niên và cả kinh tế – xã hội đang bị tàn phá ngổn ngang! Hai bên đường dẫn vào Đrây Sáp, trước đây là rừng nguyên sinh rậm rạp nay bị chặt phá hoang tàn. Chỉ còn thoi thóp một ít cổ thụ và cây non sát đường vào, còn sâu vào bên trong hầu hết chỉ còn núi trọc với những gốc cổ thụ cắt cụt hoặc thân cây cháy đen – dấu tích của những cuộc tàn sát. Xen lẫn vào đó là những vườn cà phê.
Thác Đây Sáp mùa khô ít nước, giảm đi vẻ hùng vĩ và không tung bọt nước trắng xóa như khói bốc lên cao như tên gọi, nhưng vẫn còn đẹp. Nhiều người trong đoàn mang máy ảnh chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Anh cũng tính chụp một kiểu toàn cảnh thác, nhưng loay hoay mãi vẫn cứ thấy hiện lên sau dòng thác là những mỏm núi trọc lóc, đen sạm!
Quãng đường từ thành phố đến hồ Lak cũng làm anh kinh ngạc vì sự đối xử tàn tệ với rừng ở đây. Đọc báo, xem truyền hình lâu nay anh không còn lạ về nạn phá rừng ở Tây nguyên, nhưng quả thực phạm vi và mức độ phá rừng nghiêm trọng vượt quá sức tưởng tượng của anh. Nhiều người trong đoàn là dân sở tại bảo rằng trước đây chỉ ra khỏi trung tâm thành phố hai ba cây số là đã thấy rừng già. Nay thì suốt nhiều cây số đi qua chỉ thấy núi rừng trơ trụi, nhiều vạt cháy đen, lở loét, thậm chí có những ngọn đồi thấp bị ủi sạch như cái đầu trọc trắng phếu!
Mất gần hết màu xanh rừng già chung quanh, Đrây Sáp, hồ Lak và bao thắng cảnh thiên nhiên khác chỉ còn là nụ cười héo hắt trên khuôn mặt cháy nám, đầy sẹo. Thực sự lúc đó, anh cũng không còn thiết gì chuyện ngồi trên mình voi ngất ngưởng lội qua hồ, chuyện đứng trên sân biệt điện nhìn ra bốn phía …
Nhìn những đồi núi trọc, anh liên tưởng đến hình ảnh những rẫy lúa, vườn chuối, vườn tiêu, những đồn điển cà phê xanh mướt bạt ngàn, những chuyến xe chở gỗ lậu về xuôi… Bao nhiêu héc ta rừng nguyên sinh quý giá và không thể nào tạo lại được đã bị đốn chặt không thương tiếc chỉ vì những lợi ích ngắn hạn, vì cái nhìn thiển cận, vì sự vô cảm bất lực, và nhất là vì lòng tham không đáy? Có người bảo phát triển kinh tế xã hội bao giờ cũng phải trả giá. Đúng vậy, nhưng thực tế có nhiều cái giá: giá rẻ, giá thấp, giá chấp nhận được và giá đắt, cực đắt, giá cắt cổ… và người được giao quản lý phải tìm cách để trả giá thấp nhất.
Đại ngàn đang từng giờ bị trấn lột, bị vùi dập, bị xẻ thịt, cũng như những con nai, con hổ, con gấu… bị bắn gục, bị giam cầm, hoặc bị thui sống treo lủng lẳng ở các quán nhậu. Rừng có khóc không? Kpa Ylan – một nhà thơ nổi tiếng người dân tộc Bana – thấm thía tận gan ruột tiếng khóc của rừng. Giữa một cuộc hội thảo về phát triển cà phê Tây nguyên, thay vì phát biểu, đọc tham luận, anh đã đọc một đoạn thơ của mình nói về bước chân đi tìm lại những giá trị đã mất, đi tìm đại ngàn ngày xưa:
“…Ta đi tìm đi tìm mãi
Rừng xưa ngút ngàn xanh lá cây
Nay rừng ở đâu nơi đâu rồi?
Giàng ơi, người hỡi – Sông suối núi ơi
Có nghe tiếng than của đất – Tiếng khóc của rừng?
Rừng khóc, chim Kơtia xao động
Rừng khóc, gió lộng đại ngàn,
Mưa trút nước, nước giận hờn đi xa,
Rừng khóc, cao nguyên ta khát cháy…”
Rừng khóc hay vô số tâm hồn chất phác, hiền hòa đang khóc và bao nhiêu thế hệ con cháu chúng ta đang khóc.
CÔNG THẮNG