Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tàu Thi Lang để làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tàu Thi Lang để làm gì?

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Sự kiện chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thực hiện chuyến đi biển đầu tiên hôm 10-8 đã thu hút sự chú ý và lo ngại của hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Tháng trước, khi công khai thừa nhận sự tồn tại của con tàu này, mà giới bình luận trên mạng cho biết nó có tên là Thi Lang, theo tên viên đô đốc đã chiếm đảo Đài Loan hồi thế kỷ 17, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, tàu sân bay sẽ không làm thay đổi chính sách của Trung Quốc, theo đó bản chất của các lực lượng vũ trang Trung Quốc hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, rằng con tàu này “không có liên quan gì” tới những cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về chủ quyền trên biển.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì đưa ra những thông điệp trái ngược, người phát ngôn bộ này nói rằng con tàu chỉ được dùng để phục vụ nghiên cứu kỹ thuật và huấn luyện, song theo trợ lý tổng tham mưu trưởng quân đội thì con tàu không chỉ làm công tác huấn luyện.

Bằng suy nghĩ bình thường, khó ai hiểu được tại sao một đất nước đang “trỗi dậy hòa bình” lại cần tới một – thậm chí nhiều – tàu sân bay. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã yêu cầu Trung Quốc giải thích. “Chúng tôi muốn thấy sự minh bạch nhiều hơn. Chúng tôi sẽ chào đón mọi lời giải thích mà Trung Quốc đưa ra vì sao họ cần loại khí tài này. Như các bạn biết, Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cùng tuyên bố rằng họ muốn có một mối quan hệ quân sự lành mạnh và tin cậy được”, bà Victoria Nuland, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, nói với báo chí.

Câu trả lời gần như có ngay khi ngày 11-8 – một ngày sau khi tàu Thi Lang rời bến, báo Giải phóng quân Trung Quốc (PLA), đăng bài nhận định Trung Quốc có thể sử dụng con tàu sân bay này để giải quyết các tranh chấp trên biển. “Đóng tàu sân bay để làm gì nếu chúng ta không có đủ dũng cảm và quyết tâm sử dụng nó để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ? Việc sử dụng tàu sân bay hay bất cứ loại tàu chiến nào để giải quyết tranh chấp là hợp lý”, AFP trích bài viết này.

Những tuyên bố tiền hậu bất nhất như vậy của giới hữu trách Trung Quốc, cùng với việc chạy thử con tàu này trong một thời điểm nhạy cảm, là lý do khiến cho các quốc gia láng giềng lo ngại sâu sắc. Hiện thời Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ trên biển với hầu hết các quốc gia láng giềng, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Sự ra đời chiếc tàu sân bay đầu tiên này có thể sẽ là điều kiện để Trung Quốc dấn tới, làm căng thẳng thêm tình hình tranh chấp vốn đã rất căng thẳng từ giữa năm 2009 đến nay.

Theo giới quan sát, nếu sử dụng tàu sân bay để hậu thuẫn cho những đòi hỏi về lãnh thổ, khu vực mà Trung Quốc nhắm tới sẽ là biển Đông chứ không phải là Hoàng Hải, nơi tàu Thi Lang có thể chạm trán với lực lượng hùng hậu của hải quân Mỹ và Nhật Bản. Đài Loan cũng không phải là mục tiêu của Bắc Kinh, nhất là sau khi quan hệ giữa hai bờ eo biển được cải thiện rất nhiều dưới thời ông Mã Anh Cửu từ năm 2008 đến nay và Mỹ vừa hủy bỏ hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-16 C/D cho Đài Bắc hồi đầu tuần.

Chuyên gia Stephanie Kleine-Ahlbrant của International Crisis Group lưu ý rằng, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, hoạt động ở biển Đông, “được tăng cường rất mạnh trong những năm gần đây, cả về sự quan tâm và ngân sách”. “Ngoài việc nâng cấp các tàu chiến và tàu ngầm hiện hữu, chúng ta cũng thấy sự bố trí thêm quan chức quân sự, tàu tuần tra và tàu ngầm mới”, bà Stephanie nói và dự đoán rằng tàu sân bay Thi Lang sẽ sớm được đưa tới biển Đông.

Tuy các chuyên gia quân sự Mỹ có xu hướng coi thường tàu Thi Lang vì nó cũ kỹ, công nghệ lạc hậu nhưng theo ông Ian Storey, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thì quan điểm ở Đông Nam Á có khác. “Nó sẽ gửi một thông điệp tới các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc duy trì các đòi hỏi lãnh thổ trên biển Đông”, ông Storey nói.

Chưa biết thông điệp của Trung Quốc sẽ được tiếp nhận như thế nào, song trước những hành vi ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, các nước láng giềng đều phải ra sức tự bảo vệ và một cuộc chạy đua vũ trang đã âm thầm diễn ra. Indonesia, Malaysia và Singapore đã nhanh chóng bổ sung tàu ngầm vào hạm đội của mình; Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã công bố ý định trang bị tàu ngầm cho hải quân. Dù kinh tế khó khăn, nhiều nước cũng cố gắng mua sắm thêm nhiều tên lửa bờ biển để ứng phó với tình huống bất trắc…

Ngoài ra, một số nước như Philippines vừa gia tăng tiềm lực hải quân vừa tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc. Báo chí phương Tây đã bắt đầu nói tới “một cuộc chiến tranh lạnh mới ở châu Á” (Time), thậm chí nhận định biển Đông sẽ là nơi khởi nguồn cuộc xung đột quân sự quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ 21 (Foreign Policy)… Xét về phương diện ngoại giao và hình ảnh quốc tế, những tính toán của Trung Quốc sử dụng tàu sân bay để đe dọa láng giềng dường như đã bị phản tác dụng.

Biển Đông đang nổi sóng và thái độ cần có trong lúc này là kiềm chế để không làm phức tạp thêm tình hình. Bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN tại hội nghị Bali, Indonesia vừa qua có nội dung quan trọng nhất là xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau làm cơ sở giải quyết các bất đồng. Niềm tin sẽ không có được khi một trong các bên cứ nói một đằng làm một nẻo, tiền hậu bất nhất và chỉ biết tin ở sức mạnh của vũ khí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới