Thứ Ba, 3/10/2023, 07:34
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tây Ban Nha có theo chân Hy Lạp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tây Ban Nha có theo chân Hy Lạp?

Thái Bình

Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đã vượt mức 20% lực lượng lao động, mức cao nhất châu Âu. Ảnh NYT

(TBKTSG Online) – Chính phủ Tây Ban Nha đang làm mọi cách để thuyết phục các nhà đầu tư đang hoài nghi rằng nước này có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ đang gia tăng.

Hôm thứ Ba 15-6, Tây Ban Nha đã nâng lãi suất các loại trái phiếu chính phủ kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng nhằm vay mượn thêm 5,2 tỉ euro (6,4 tỉ đô la Mỹ). Lãi suất trái phiếu 12 tháng là 2,3%, tăng 0,7% so với tháng trước và cao hơn mức lãi suất trái phiếu của các nền kinh tế lớn khác trong khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Lãi suất cao lại khiến thị trường lo ngại rằng chi phí vốn sẽ vượt ra ngoài khả năng chịu đựng của nền kinh tế Tây Ban Nha, hiện đang chật vật vì tình trạng thất nghiệp cao, sản xuất trì trệ. Báo chí Đức thậm chí còn dự báo rằng Tây Ban Nha sẽ là nước eurozone đầu tiên xin trợ giúp của quỹ cứu nguy châu Âu sau khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ tín dụng từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu. Hôm thứ Sáu vừa qua, Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã bay sang Madrid để thảo luận với Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero về hiện trạng kinh tế của nước này.

Trước khi cầu viện sự giúp đỡ quốc tế, Hy Lạp đã từng ngấp nghé bờ vực phá sản vì không có đủ tiền thanh toán những khoản nợ đáo hạn; nợ công của Hy Lạp chiếm tới 115% GDP và thâm hụt ngân sách cũng ở mức kỷ lục 14% GDP. Cho dù tỷ lệ nợ công của Tây Ban Nha chỉ bằng một nửa Hy Lạp song mức thâm hụt ngân sách của nước này cũng cao tương đương.

Vì vậy, cũng như Hy Lạp, chính phủ Tây Ban Nha trông cậy vào nhà đầu tư trái phiếu nước ngoài để kiếm tiền trả nợ – dự kiến Tây Ban Nha phải thanh toán 50 tỉ euro nợ đáo hạn trong mùa hè này. Khi các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với trái phiếu chính phủ, Tây Ban Nha không còn cách nào hơn là buộc các ngân hàng trong nước phải cho chính phủ vay qua hình thức mua trái phiếu.

Và bởi vì các ngân hàng Tây Ban Nha cũng khó vay được tiền từ các đồng nghiệp nước ngoài, họ buộc phải tìm tới Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) – là nơi duy nhất được phép in và phát hành đồng euro.

Và đây cũng chính là điều mà Hy Lạp đã làm vài tuần trước khi tìm tới EU và IMF xin cứu trợ. Hậu quả của cái vòng lẩn quẩn nguy hiểm này là chi phí vay vốn cứ tăng lên không ngừng, đến lúc nào đó sẽ tạo thành “cái bẫy nợ nần” khi mà nền kinh tế không tạo ra đủ lợi nhuận để thanh toán tiền lãi và tiền vốn.

Trong thực tế, chi phí vay vốn đã tăng lên trong những tuần gần đây cả ở những nước có mức thâm hụt ngân sách tương đối nhỏ nhưng được coi là một phần quan trong của khối eurozone như Ý, Bỉ và Pháp. Theo IMF, ba nước châu Âu này cần phải vay mượn thêm nhiều tiền để thanh toán các khoản nợ đáo hạn trong năm nay; Ý cần vay số tiền tương đương 26,4% GDP; Bỉ cần 25,9% GDP và Pháp cần vay 25,1% GDP.

Theo báo New York Times, cho đến lúc này nhà đầu tư và các thị trường tài chính vẫn “phân biệt rõ” ba nước Ý, Bỉ, Pháp với các nước dễ bị khủng hoảng hơn là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và mới đây là Tây Ban Nha. Tuy nhiên, vì kinh tế của các quốc gia này đều đang đình đốn cho nên nhà đầu tư buộc phải xem xét tỷ lệ nợ công của từng nước trước khi quyết định có mua trái phiếu chính phủ của họ hay không. Tỷ lệ nợ công của Ý hiện đã cao hơn Hy Lạp với mức 117% GDP, ở Bỉ là 97% GDP và ở Pháp là 78% GDP.

Lo ngại sự sụp đổ của Tây Ban Nha sẽ gây hậu quả nặng nề hơn nhiều so với Hy Lạp trước đây, hôm thứ Ba 15-6, Ủy ban châu Âu đã gia tăng áp lực buộc chính phủ nước này phải đưa ra những biện pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm tới. Olli Rehn, ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, nhận xét: “Tây Ban Nha đang đi đúng hướng, nhưng về tình hình năm tới, nhất thiết phải có những biện pháp cụ thể”.

Đáp lại, hôm nay thứ Tư, chính phủ Tây Ban Nha công bố kế hoạch cải thiện thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã vượt quá 20%. Trong kế hoạch này có điều khoản cho phép người sử dụng lao động được sa thải công nhân vì khó khăn kinh tế, đồng thời không khuyến khích việc các công ty phụ thuộc quá nhiều vào lao động tạm thời.

Tuy nhiên, theo giới doanh nghiệp, biện pháp cải tổ của Tây Ban Nha vẫn có tính nửa vời, trong khi giới công đoàn thì phản ứng kịch liệt và đe dọa sẽ tổng đình công để phản đối.

(theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới