Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tây Ban Nha lún sâu vào suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tây Ban Nha lún sâu vào suy thoái

Lĩnh vực xây dựng là yếu tố nhạy cảm nhất trong khủng hoảng kinh tế ở Tây Ban Nha.

(TBTSG Online) – Sau khoảng một thập kỷ tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong khu vực đồng euro nhờ bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng, Tây Ban Nha phải mất rất nhiều năm mới gượng dậy khỏi tình trạng suy thoái hiện nay.

Tại một đất nước cuồng nhiệt bóng đá như Tây Ban Nha mà một câu lạc bộ lớn không trả được lương cầu thủ, đó là dấu hiệu bất ổn thật sự trong nền kinh tế. Là cầu thủ ghi bàn đầu tiên trong trận giao hữu thắng Anh vào giữa tháng 2 vừa qua ở Sevilla, David Villa không biết ngày nào mới nhận được lương, vì câu lạc bộ FC Valence đang nợ nần ngập đầu.

Những dự báo kinh tế ở Tây Ban Nha làm các chuyên gia không ngần ngại so sánh với thời kỳ suy thoái những năm 1930: tỷ lệ thất nghiệp 19% trong độ tuổi lao động từ nay đến cuối năm 2009 (hiện tỷ lệ này là 14% với 3,3 triệu người thất nghiệp), thâm hụt ngân sách chiếm ít nhất 6,5% của GDP… Nếu những dự báo trên trở thành hiện thực, Tây Ban Nha có thể mất đi nhiều thành quả tích tụ được kể từ khi euro trở thành đồng tiền chung châu Âu, theo tờ Financial Times.

Trước khi bùng phát khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Tây Ban Nha đứng hàng thứ tư trong khu vực đồng euro và hạng 10 thế giới. Từ 1997 đến 2006, tăng trưởng thực tế của nước này đạt trung bình 3,7%/năm, so với 2,1% của cả khu vực đồng euro. Song song đó, GDP tính theo đầu người cũng tăng mạnh, vượt qua 90% của mức trung bình ở nhóm 15 quốc gia phát triển nhất của Liên minh châu Âu (EU). Kinh tế năng động giúp Tây Ban Nha tạo ra hơn 5 triệu việc làm và thu hút người nhập cư nhiều hơn bất cứ quốc gia nào ở châu Âu. Lĩnh vực xây dựng, chủ yếu là các căn hộ được tài trợ bằng tiền tín dụng cho vay quá dễ dãi, là động cơ chính của hoạt động kinh tế. Và cũng từ đó mà xuất hiện những khó khăn hiện nay do quả bóng bất động sản nổ tung với mức độ khác thường, như ở Mỹ và Anh.

Nợ khu vực tư chiếm 120% của GDP

Hiện nay, người ta ước tính có 1 triệu căn nhà và căn hộ chung cư mới không có người ở. Lĩnh vực xây dựng căn hộ từng đóng góp trực tiếp 7,5% GDP bị dừng lại đột ngột. Nhóm G14, tức 14 nhà thầu chính ở Tây Ban Nha cho biết họ khởi công 135 công trường trong quý 4-2008, nhưng không có công trường nào trong tháng 12. “Trong 15 năm, tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha dựa trên khả năng thanh khoản dồi dào của các thị trường tài chính và cho vay dễ dàng. Nền kinh tế, các hộ gia đình và doanh nghiệp đã tranh thủ điều này để gia tăng nợ”, nhà kinh tế Rafael Domenech của ngân hàng BBVA phân tích. Và các con nợ đã vay thoải mái. Chỉ trong một thập niên, nợ của khu vực tư tăng gấp đôi, chiếm đến 120% GDP.

Về mặt lý thuyết, Tây Ban Nha có thể bù đắp đà tuột dốc của hoạt động bất động sản bằng cách tăng cường sản xuất trong các lĩnh vực khác. Quốc gia này có kinh tế thuộc dạng mở nhất thế giới và các doanh nghiệp chuyên về thời trang, năng lượng tái sinh, cơ sở hạ tầng và ngân hàng đã xuất khẩu và đầu tư hàng loạt ở nước ngoài. Nhưng các lĩnh vực khác không đủ sức tiếp nối. Công nghiệp ôtô chiếm 1/5 xuất khẩu và 6% GDP không đủ sức đối đầu với sự sụp đổ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Du lịch, một lĩnh vực mang về 50 tỉ euro đã bị giảm 3% lượng du khách trong năm 2008.

Cũng như nhiều lãnh đạo khác của các quốc gia bị khủng hoảng, Thủ tướng José Luis Rodriguez Zapatero đã thông báo một loạt kế hoạch vực dậy nền kinh tế được tài trợ từ nguồn chi công. Bộ trưởng công nghiệp Miguel Sebastian suýt bị đánh giá là trở lại chủ nghĩa bảo hộ khi ông tung ra chiến dịch “mua hàng Tây Ban Nha”. Nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng các khoản chi tiêu này mang lại hiệu quả mong muốn. Ngược lại, chỉ có thể chắc chắn một điều là không gian điều hành của chính phủ cực kỳ hạn chế, khi thâm hụt ngân sách dự kiến đã cao gấp đôi mức cho phép của EU, tực 3% GDP. Thậm chí dù nợ của nhà nước tương đối ít, nhưng suy sụp của tài chánh công đã khiến cơ quan định giá tài chính Standard & Poors rút đi điểm số khả năng thanh khoản tối đa (AAA) dành cho Tây Ban Nha vì các khoản nợ dài hạn.

Cải thiện tính cạnh tranh và năng suất

Ở những lần khủng hoảng trước, Tây Ban Nha chỉ cần phá giá đồng peseta là đủ cải thiện tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu và thu hút đầu tư (hiện nước Anh lựa chọn con đường này khi thả nổi đồng bảng Anh). Nhưng việc phá giá đơn phương không còn là giải pháp của các thành viên khu vực đồng euro. Đối với hầu hết các tổng giám đốc và các nhà kinh tế, cách duy nhất để đất nước thoát khỏi khủng hoảng mà không bị suy yếu đi là cải thiện tính cạnh tranh và năng suất bằng cách thông qua những cải cách về mặt cơ cấu. Họ cho rằng cần phải tuyển dụng và sa thải dễ dàng hơn và với chi phí thấp (chủ yếu là giảm trợ cấp sa thải) và cần phải ấn định lương theo mức của doanh nghiệp chứ không phải ngành hoạt động.

Riêng về lĩnh vực xây dựng từng là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế vượt bậc, các nhà kinh tế cho rằng chắc chắn sẽ hồi phục rất chậm một khi chấm dứt khủng hoảng. “Có thể trong ba hoặc bốn năm, rất khó để biết chính xác hơn, thu nhập đầu người sẽ tăng một cách thực chất, nhờ đó sẽ giảm được cách biệt so với các nền kinh tế khác của UE”, bộ trưởng Rafael Domenech dự đoán. Nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy. Nhà kinh tế học Lorenzo Bernaldo de Quiros, chủ tịch Freemarket International Consulting cho rằng kinh tế Tây Ban Nha sẽ khó đạt tăng trưởng 3% ít nhất trong bảy năm. “Người dân sẽ mất đi phân nửa sản nghiệp. Quả thật kinh khủng”, ông nói.

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới