Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Tay không’ vào lớp học

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiều 31-8, con tôi đã vào lớp trực tuyến chào cô chủ nhiệm mới và bạn học, chuẩn bị vào chương trình học chính thức từ ngày hôm sau 1-9.

Năm ngoái, cũng cỡ tầm này, cả nhà lo cho sự an toàn của con khi vừa chập chững vào năm đầu của tiểu học thì đã phải đương đầu với dịch bệnh.

Năm nay, dịch nặng nề hơn, nỗi lo đầu năm học mới không chỉ là sự an toàn mà còn là chuyện sách, vở và làm sao để con tiếp thu được kiến thức mà không ảnh hưởng đến thị lực, thính lực…

Ngành giáo dục TPHCM dự kiến sẽ cho trẻ học trực tuyến cả học kỳ một. Việc những đứa trẻ nhỏ xíu phải dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại trong suốt thời gian dài khiến chúng tôi lo lắng.

Thêm nữa, cả nhà cũng không biết phải làm sao cho con học tốt trong điều kiện trang thiết bị học tập gần như là bằng không như hiện tại.

Sáng 1-9, giờ học đầu tiên của năm học mới đã bắt đầu nhưng con và tất cả các bạn trong lớp vẫn chưa có sách giáo khoa.

Dù chúng tôi đã tìm đủ các kênh để mua sách từ hơn một tháng qua, đơn hàng vẫn treo vì TPHCM đang giãn cách xã hội. Tuần trước, nhà trường cũng hỏi chuyện và đã nhận tiền để mua sách nhưng đến nay vẫn chưa có vì lệ thuộc vào đơn vị vận chuyển.

Sách không có, vở thì được mấy cuốn từ phần thưởng học sinh giỏi của năm học trước;  bút, mực, thước… cũng là những thứ được tận dụng lại, không đủ để sử dụng lâu ngày nên không biết con trẻ sẽ học hành ra sao.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy con mình còn may mắn, ít nhất là vẫn còn có chiếc máy tính, có đường truyền Internet đủ mạnh để có thể lên lớp.

Nhiều học sinh khác, như mấy em nhỏ có cha mẹ là lao động tự do đang mất việc, là công nhân đang trọ trong xóm với ngổn ngang nào là tiền trọ, tiền ăn thì việc mua chiếc máy tính hay điện thoại thông minh cho con học là điều không thể với tới.

Hai tuần rồi, trên fanpage của dân trong xã, nhiều người bắt đầu hỏi xin sách giáo khoa cũ và tìm mua tập, bút. Tôi định soạn bộ sách lớp Một “Chân trời sáng tạo” của con để tặng nhưng các bạn lại không dùng được vì mấy trường trong xã tôi không dạy bộ sách ấy.

Nhiều người đang “rối như tơ vò” vì không biết phải làm cách nào để đưa con từ quê lên thành phố để học và cũng có người không màng đến chuyện học cho con nữa vì đang phải vật lộn với dịch bệnh.

Cứ mỗi ngày, xã lại có thêm ca nhiễm mới. Trong số đó, có những người là bố, mẹ của các em nhỏ cho nên con đường đến năm học mới vẫn mịt mù.

Thêm vào đó còn là nỗi lo kèm con học trong mùa dịch. Với học sinh lớp lớn, có thể chuyện học trực tuyến bớt căng thẳng hơn nhưng với trẻ tiểu học thì đó là cả một… trận chiến.

Trong năm lớp Một, con tôi đã có mấy đợt học trực tuyến. Trong đó, đợt dài nhất là vào tháng 5 rồi, với rất nhiều vấn đề khiến cả nhà nghĩ rằng hình thức này chưa phù hợp với trẻ nhỏ trong điều kiện hiện tại.

Mấy đứa học trò vừa lên sáu, lên bảy chưa thể tập trung lâu trước màn hình nên cô giáo cứ phải “nắn gân” gọi học trò quay lại màn hình.

Có những em chẳng thể thấy nổi bài giảng vì học từ chiếc điện thoại thông minh bé xíu của người nhà. Có em đang phát biểu tự dưng “đứng hình” vì đường truyền bị ngắt nhưng không thể kết nối lại vì cha, mẹ bận làm việc, không thể theo sát suốt thời gian học.

Có khi Internet phía học sinh tốt thì phía cô giáo lại trục trặc nên cả lớp phải chờ. Như thế đã là may vì trường này cũng đầu tư khá nhiều cho cơ sở vật chất, ở nơi khác có lớp thậm chỉ lên mạng để… điểm danh vì Internet quá yếu.

Lớp Một, lớp Hai… là thời điểm để thầy, cô giáo nắn nót nét chữ nhưng với kiểu học đó, cô đành phải xí xóa cho qua vì chẳng thể cầm tay uốn nắn và không đủ giờ giảng giải để trẻ thực hành.

Nhiều đứa trẻ, trong đó có con tôi than mỏi mắt, mỏi cổ sau vài ngày liên tục phải học qua máy tính. Thậm chí, con nói quá to vì thường phải nói lớn qua micro để cả lớp có thể nghe…

Hôm 31-8, Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM đã có hướng dẫn về việc tổ chức dạy học trong đầu năm học 2021-2022.

Theo đó, những học sinh không có điều kiện học trực tuyến sẽ nhận được hỗ trợ của cán bộ điều phối. Mỗi phòng giáo dục đào tạo, phường xã, sẽ có một cán bộ điều phối để mang tài liệu đến tận nhà cho học sinh.

Hơn một tháng rưỡi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đáng lẽ là phiếu đi chợ hay hàng mua giúp phải được đem đến tận nhà nhưng nơi tôi ở vẫn chưa có thì liệu có đủ cán bộ để đưa tài liệu học đến từng nhà học sinh?

Tài liệu đưa đến rồi thì học sinh phải học ra sao, vì học trực tuyến đâu chỉ là tài liệu mà còn là trang thiết bị. Đã không có máy tính, điện thoại để học thì làm sao có thể chụp ảnh bài làm để gửi cho giáo viên và để giáo viên giảng bài cho học trò hiểu…

Trong chương trình livestream “Dân hỏi, thành phố trả lời” hôm 30-8, với nội dung chính về học trực tuyến, giấy đi đường, nhiều người đã rất băn khoăn về việc học trực tuyến trong giai đoạn dịch căng thẳng và việc đi lại khó khăn như hiện tại.

Nhiều người muốn lùi lịch học. Tôi cũng mong muốn như vậy, ít nhất là đến lúc có thể đi lại tiện lợi và an toàn hơn để mua đầy đủ dụng cụ học tập cho con và khi ngành giáo dục có cách hiệu quả hơn để hỗ trợ cho những trẻ không có điều kiện học trực tuyến.

Có như thế, con trẻ mới có thể tiếp thu kiến thức trong mùa dịch và cha mẹ cũng bớt căng thẳng để lo việc học cho con.

2 BÌNH LUẬN

  1. Quá nhiều nỗi lo cho các bé!
    Cảm ơn tác giả đã có cái nhìn sát với thực tế, theo ý kiến cá nhân tôi thấy rất rõ rằng việc học trực tuyến cho học sinh nói chung chắc chắn không đạt hiệu quả; với học sinh lớp 1, cấp 1 lại càng kém hiệu quả, chưa nói là bất khả thi.
    Việc ngồi hàng giờ trước màn hình để tập trung học là không thể với các bé độ tuổi cấp 1, chưa kể các bé lớp 1 còn chưa quen biết thầy cô giáo, bạn học …
    Việc trang bị máy tính, điện thoại thông minh… để tham gia việc học cho các bé cũng là vấn đề, không phải gia đình nào cũng có thể trang bị được, nhất là với những gia đình lao động bình dân ít có cơ hội tiếp xúc với môi trường trực tuyến, chưa kể đến việc giao hàng các thiết bị hiện nay cũng đang chậm trễ. Lớp học các con tôi (không phải lớp 1) thì GV chủ nhiệm cũng có hỏi phụ huynh nào gặp khó khăn trong việc trang bị, mạng internet thì báo lại cho nhà trường, nhưng mấy ai dám can đảm để phản hồi khó khăn của mình? Phản hồi khó khăn rồi cũng ghi nhận chứ làm sao giải quyết như cung cấp máy tính, cung cấp internet?
    Sách giáo khoa, đồ dùng học tập… cũng tương tự, tôi đã có trải nghiệm đặt bộ sách cho các con từ một công ty phát hành lớn nhưng việc giao hàng được chia làm 4 gói và không biết đến lúc nào có đầy đủ sách khi thời gian khai giảng đã cận kề.
    Trong tình hình giãn cách, các hoạt động cũng chuyển qua online, chúng tôi thường tham gia vào việc chia sẻ kiến thức thực tế cho sinh viên các trường đại học qua hình thức trực tuyến, để đạt được hiệu quả chúng tôi đã phải có những quy định về việc mở màn hình không để hình đại diện, dành nhiều thời gian để đặt câu hỏi tương tác, thậm chí có quà để khuyến khích việc tương tác… nhưng hiệu quả cũng không như mong đợi. Doanh nghiệp muốn tổ chức một buổi họp trực tuyến đạt hiệu quả là một vấn đề không đơn giản… người lớn còn vậy thì trẻ em ra sao?
    Tôi thấy việc lùi lịch học lại một thời gian theo bài viết là đúng, cần phải thấy rõ với lớp học nào, đối tượng học sinh nào có thể học trực tuyến, chứ không thể áp dụng đại trà như quy định. TPHCM đang là tâm dịch, giãn cách đang có hiệu lực đến 15-9 nhưng chưa chắc đã dừng lại, vì vậy chính sách ban hành cần tính toán đến thực tế như Chính phủ đã khuyến cáo các địa phương, mong các vị lãnh đạo hãy sát thực tế trước khi đưa ra một quyết định.
    Còn quá nhiều nỗi lo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới