Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 09 -2018: Làm gì trước “cơ chế đặc thù”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 09 -2018: Làm gì trước “cơ chế đặc thù”?

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – TPHCM vừa tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội "về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM". Chuyên mục Sự kiện và Vấn đề của TBKTSG số này xin giới thiệu các bài viết của các chuyên gia về những điểm cần lưu ý trong quá trình thực thi để có thể phát huy tối đa cơ hội phát triển cho thành phố mà “cơ chế đặc thù” mang lại, những định hướng chính sách liên quan đến cơ chế này, cũng như việc cần thiết phải tạo dựng những nền tảng căn bản khác về tầm nhìn phát triển, tầm nhìn lãnh đạo, thể chế chung…để TPHCM có thể phát triển bền vững.

Đó là các bài viết:

Làm gì trước “cơ chế đặc thù”? (Nguyễn Vũ): Thu hút người giỏi bằng môi trường sáng tạo, giải quyết các vấn đề đô thị làm nản lòng cư dân, chọn lọc loại hình doanh nghiệp để có chính sách thuế phù hợp, đẩy mạnh hiệu quả quản lý đô thị bằng công nghệ… là những bước nâng cao tính cạnh tranh cho thành phố và tạo nên sự đặc thù, không chỉ bằng cơ chế mà bằng con người và cảnh quan.

Những thách thức với cơ chế đặc thù của TPHCM (Huỳnh Thế Du): Được Trung ương trao cho cơ chế đặc thù là một điều rất đáng khích lệ đối với TPHCM. Tuy nhiên, bây giờ thành phố đối mặt với áp lực phải tạo ra những kết quả tích cực mà hiểu một cách đơn giản là GRDP, nguồn thu ngân sách và việc làm chất lượng cao sẽ có tốc độ tăng cao hơn những năm gần đây. Để có được kết quả như mong đợi, thành phố cần cân nhắc áp dụng các chính sách hợp lý để tránh những kết quả không như kỳ vọng…

Cơ chế đặc thù chỉ là công cụ (Trần Trọng Thức): Có một chiến lược đúng đắn làm tiền đề cho sự phát triển là điều kiện" cần", nhưng điều kiện "đủ" là quy chế pháp lý làm nền tảng thực thi, là bộ máy con người có khả năng đề ra kế hoạch để chuyển hoá ý tưởng chiến lược thành hiện thực.

Những bài viết khác về các chủ đề khác trên số báo ra ngày 1-3-2018, xin giới thiệu bạn đọc :

Thuế đánh thẳng vào sức mua! (Mục Ý kiến): Đưa ra giải pháp mà người dân buộc phải cắt giảm chi tiêu để có tiền trả thêm thuế không phải là lời giải tốt cho bài toán cân bằng thu chi ngân sách.

Việc nhiều, không dễ cho Ủy ban Quản lý vốn (Nguyễn Vũ): Nếu không giao cho Ủy ban Quản lý vốn những quyền hạn nhất định, những cơ chế đặc biệt, những hành lang pháp lý mới, e rằng ủy ban này khó lòng đáp ứng kỳ vọng của mọi người cũng như làm tròn vai trò rất quan trọng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Tỷ giá nhúc nhích tăng (Hải Lý): Không phải lãi suất, tỷ giá mới là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trên thị trường tiền tệ. Lý do nào khiến tỷ giá nhúc nhích?

Tăng thuế xăng dầu – nắm người có tóc (Trịnh Hoàng-Quang Huân): Việc tiếp tục đặt gánh nặng thuế lên xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điều này vô hình trung sẽ làm giảm hiệu quả thu ngân sách.

Nghịch lý thuế bảo vệ môi trường và ô nhiễm môi trường (Bùi Trinh): Thời gian qua, vấn đề phát thải khí nhà kính thường bị đổ cho hoạt động vận tải và người tiêu dùng sử dụng phương tiện giao thông như ô tô, xe máy nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm ngành thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (gần gấp ba lần mức bình quân chung của nền kinh tế).

Hóa dầu – thêm một sân chơi ưu thế của người Thái (Lan Nhi): Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) vừa được khởi công xây dựng tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Năm năm tới sẽ có một nhà sản xuất hóa dầu quy mô lớn, thay cho các dự án lọc dầu có kèm theo hóa dầu ở quy mô nhỏ đã được đầu tư trong 10 năm trở lại đây.

Kiểm soát rủi ro của ngân hàng nhìn từ các vụ mất tiền tiết kiệm (Phong Hiếu): Đứng ở góc độ quản trị rủi ro của ngân hàng, việc khách hàng bị chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm là một loại rủi ro vận hành mà nguyên nhân là do con người nội bộ của ngân hàng gây ra và có thể là do quy trình có kẽ hở.

Để tiếp tục tăng huy động vốn qua TTCK (Linh Trang): Vẫn là câu chuyện minh bạch hóa thông tin và hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK).

Chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ? (Hà Đông): Một câu hỏi mà có lẽ nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm là giá cổ phiếu hiện nay đang đắt hay rẻ, có thể tiếp tục đầu tư hay không.

Sửa nghị định về đầu tư PPP (Lê Anh): Nghị định 15 năm 2015 về đầu tư theo hình thức công- tư sẽ được sửa như thế nào? Có lấp được những lỗ hổng hiện nay khiến các dự án BOT giao thông trở thành điểm nóng gây bức xúc dư luận?

Luẩn quẩn hồi sinh các dự án “đắp chiếu” (Phan Minh Ngọc): Việc xử lý các dự án thua lỗ, “đắp chiếu” không nên, không chỉ dừng lại ở việc dùng nỗ lực với “quyết tâm chính trị” để làm vực dậy những “xác sống”.

Bài học từ “thẻ vàng” EU áp cho hải sản (Võ Đình Trí): Cơ quan quản lý nhà nước cần có hệ thống cập nhật (news alert) hiệu quả hơn các chính sách, quy định của nước nhập khẩu.

Sản xuất quy mô lớn: thấy vậy mà hổng phải vậy (Lê Minh Hoan): Cần xem việc mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai của một doanh nghiệp, hợp tác xã hay người nông dân như một dự án đầu tư. Chỉ khi xem xét như một dự án thì mới có sự tính toán đồng bộ tất cả những yếu tố đầu vào và những rủi ro, thách thức ở đầu ra.

Ngành đường: không thể mãi “giải cứu” kiểu tình thế (Trung Chánh): Truyền thông đồng loạt đưa tin về tình trạng đường tồn kho lớn tại một doanh nghiệp ở thủ phủ đường miền Tây là tỉnh Hậu Giang khiến chính quyền địa phương kêu gọi cán bộ, công chức “giải cứu” bằng cách tăng tiêu thụ…Đó chỉ là giải pháp… tình thế!

Một chính phủ rạch ròi, minh bạch (Minh Châu): Chính phủ Singapore tuyên bố rõ mặc dù hiện tại ngân sách đang ở vị thế vững chắc nhưng nếu họ không có các giải pháp thực hiện ngay từ bây giờ thì ngân sách sẽ bị thâm hụt vào thập kỷ tới. Một trong những giải pháp cụ thể là giảm tốc độ tăng chi ngân sách của các bộ từ 40% GDP còn 30% GDP từ năm 2019.

Niềm tin và hành động (Nguyễn Tân Kỷ): Chỉ có niềm tin và những hành động đúng mới tạo được sự thay đổi tích cực. Xin mượn ý từ một trào lưu của các bạn trẻ trên mạng xã hội hiện nay để kết thúc chủ đề này: Việt Nam 2018 – nói đúng và làm ngay.

Lựa chọn của nhà đầu tư Nhật (Quốc Hùng): Cùng với việc dẫn đầu về nguồn vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam trong năm vừa qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tiếp tục chọn Việt Nam là thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh nhiều nhất trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, theo một khảo sát của JETRO.

Hành trình tìm lại linh hồn (Đức Tâm): Một ngày nào đó, những công ty đang cất cánh sẽ ngừng tăng trưởng  và sẽ cần phải Nhấn nút tái tạo- Hit refresh. Bài viết kể về một số việc mà Satya- CEO của Microsoft đã làm để tái tạo lại công ty này.

Cơ hội tăng thu từ nguồn khách Trung Quốc (Đào Loan): Phát triển lượng du khách thuộc đối tượng có mức sống cao từ Trung Quốc, làm cho sự gia tăng số lượng du khách đi đôi với hiệu quả kinh tế thực sự, đó là chuyện mà nhiều doanh nghiệp cho rằng cần làm ngay trước sự lớn mạnh không ngừng của thị trường du lịch ngay bên cạnh này.

Kinh doanh, chú ý mô hình 3C (Hồ Trọng Lai): 30 Tết, những  người bán hoa Tết thà tự tay phá bỏ hàng hóa của chính mình còn hơn bán đổ bán tháo khi chợ tan. Nhân việc này, chúng ta hãy cùng nhau bàn về mô hình 3C trong nền kinh tế thị trường để rút ra lời giải chung cho bài toán kinh doanh.

Xuất – nhập – bình an! (Lê Hữu Huy): Cơ thể chúng ta chẳng khác gì một cỗ máy hoạt động hầu như liên tục: lúc thì phải “nhập” (ăn uống), lúc thì phải "xuất" (bài tiết) và không thể thiếu thời gian hợp lý để nghỉ ngơi và phục hồi.

Thụy Sỹ: dân giàu, nước mạnh vì sao? (Danh Đức): Rõ ràng, ở Thụy Sỹ, phú quý đi tới chớ đâu có đi giật lùi với dòng lịch sử và đà tiến hóa của nhân loại?! Hèn chi dân giàu, nước mạnh!

Tai biến y khoa và chuyện đào tạo bác sĩ (Nhung Uyên): Các chuyên gia ngành y cho rằng việc đào tạo, thực hành y khoa và tuyển công chức ngành y hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề.

Huy hoàng sánh với điêu linh (Diễm Trang): Hóa ra Chế Lan Viên- nhà thơ triết luận đã nói hộ biết bao dân tộc mắc kẹt vĩnh viễn trong nền văn minh thượng thặng do chính mình tạo ra. Để rồi, khuấy động cõi lòng hậu thế bằng những thứ điêu linh, tan tác mà vẫn huy hoàng, lấp lánh.

Chút dư vị Tết (Bình Vương): Cái tên gọi bánh tét là do phải làm động tác tét bánh khi ăn, tức lấy sợi dây mảnh quấn một vòng quanh thân bánh để siết cắt ra thành từng khoanh mỏng, hoàn toàn không phải do “bánh ngày Tết” đọc trại thành tên “bánh tét” như nhiều người vẫn hiểu.

Ngành du lịch đổi mới (Thái Bình): Du lịch đang trở thành một trong những động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu: trái đất đang trở thành một hành tinh của du khách – hãng tin Bloomberg nhận định dựa trên những dữ liệu toàn cầu về ngành công nghiệp không khói. Đáng chú ý là lượng du khách từ Trung Quốc đang làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch thế giới.

Mỹ tìm cách ngăn chặn thép và nhôm nhập khẩu (Trúc Diễm): Chính quyền Mỹ lần đầu tiên tuyên bố thép, nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Đây là cơ sở để Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các biện pháp thuế quan và hạn ngạch đối với các mặt hàng này.

Trung Quốc dè chừng “tê giác xám” (Minh Đức): Chính phủ Trung Quốc cuối tuần trước đã quyết định kiểm soát Tập đoàn bảo hiểm Anbang, một công ty có nợ lớn nhưng đã vung tay chi hàng tỉ đô la Mỹ để thâu tóm các doanh nghiệp và bất động sản trên khắp thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới