Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 10-2011: Mổ xẻ giá điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 10-2011: Mổ xẻ giá điện

Xuân Trí

(TBKTSG Online) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 10-2011 ra ngày thứ Năm 3-3 có những nội dung chính:

Việc tăng giá điện để hạn chế dần việc bù lỗ, bao cấp tràn lan của Nhà nước dần được người dân và doanh nghiệp chấp nhận như một sự tất yếu của cơ chế thị trường. Vấn đề là trong lúc các nhà quản lý quan tâm quá nhiều đến chuyện mức tăng giá và lỗ lã kéo dài của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì người mua điện cũng không thấy hài lòng về sự thiếu minh bạch của giá thành điện. Sự kiện & Vấn đề tuần này thử đi tìm câu trả lời cho giá thành điện tại Việt Nam, đồng thời phân tích những tác động của việc tăng giá điện đối với giá sản xuất và chỉ số lạm phát.

Liên quan đến vấn đề tăng giá điện, trong mục Góc nhìn trong tuần, tác giả Vũ Thành Tự Anh có bài Thiếu công bằng trong tăng giá điện, phân tích những bất hợp lý trong biểu giá điện mới được áp dụng từ đầu tháng 3-2011. Tác giả cho rằng trong khi Chính phủ đang vận động người dân đồng cam cộng khổ với những khó khăn của nền kinh tế trong thời buổi lạm phát thì đồng thời Chính phủ cũng cần cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, để từ đó có cơ sở cải thiện phúc lợi của nhân dân.

Cuối tuần trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, đề ra những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trong mục Ghi nhận, tác giả Nguyễn Thanh Yến có bài Hóa giải yếu tố tâm lý, phản ánh những giải pháp trong Nghị quyết 11. Qua đó, tác giả cũng đề xuất một số biện pháp bổ sung để thực hiện các giải pháp trên.

Trong khi đó, ghi nhận những giải pháp của Nghị quyết 11, tác giả Lê Đăng Doanh có bài Cơ hội để cải cách mạnh mẽ cơ chế. Theo tác giả, điều cần làm ngay là xây dựng một lộ trình các chính sách cần ban hành và tổ chức thực hiện theo một trình tự ưu tiên có phối hợp với nhau để đưa nghị quyết vào cuộc sống với chi phí thấp nhất cho nền kinh tế và cho toàn xã hội.

Trong mục Tài chính-Chứng khoán, đáng chú ý là bài Vẫn còn con đường khác để kiềm chế lạm phát của tác giả Lê Duy Khánh, phân tích những nguyên nhân và đề xuất biện pháp kiềm chế lạm phát, mục tiêu xuyên suốt trong năm 2011 của Chính phủ. Tác giả cho rằng đứng trên góc độ của chính sách tiền tệ, trong tình hình hiện nay, trong một số phương án có thể xem xét nhằm hạn chế lạm phát là tăng lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc hay áp đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp thì có lẽ giải pháp cuối nên xem là tối ưu.

Liên quan đến việc hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát, phóng viên Hải Lý có bài Tín dụng “thắt lưng buộc bụng”, phản ánh cơ chế điều hành tiền tệ mới của Ngân hàng Nhà nước. Đó là những giải pháp có tính thị trường đan xen cùng những biện pháp hành chính nhằm tạo lập tại giá trị cho đồng nội tệ.

Để tạo lập tại giá trị cho đồng nội tệ, bài Hậu thuẫn cho tiền đồng của phóng viên Hải Lý phân tích giải pháp quản lý ngoại tệ của cơ quan điều hành, nhất là việc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tác giả cho rằng một cơ chế hậu thuẫn cho sự trỗi dậy của động nội tệ đang hình thành. Phần cốt lõi còn lại để cơ chế ấy thành công là sự kết nối giữa nói và làm, giữa cam kết và thực thi.

Một mặt bằng giá mới ở tất cả các ngành hàng, nhóm hàng và dịch vụ đã và đang được định hình rõ nét sau khi điện, xăng dầu tăng giá cũng như việc điều chỉnh tỷ giá. Bài Hàng hóa, dịch vụ ào ạt tăng giá của phóng viên Minh Tâm trong mục Thị trường phản ánh tình trạng trên.

Trong mục Kinh tế đối ngoại, bài Thâm hụt thương mại kéo dài, do đâu? của hai tác giả Hà Quang Tuyến và Bùi Trinh phân tích nguyên nhân và lượng hóa xem vấn đề gì dẫn đến tình trạng nhập siêu tại Việt Nam ngày càng tăng trong những năm qua.

Trong mục Môi trường có bài Đập Xayabury là mở đầu những tác hại khó lường cho ĐBSCL, phỏng vấn ThS.Nguyễn Hữu Thiện, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu “Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập trên dòng chính sông Mêkông” về vấn đề này.

Trong mục Kinh tế thế giới, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, có bài Lúa gạo, nhìn từ Myanmar…, ghi nhận cuộc hội thảo quốc tế về lúa gạo diễn ra hồi tuần trước ở thủ đô mới của Myanmar.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Sỹ Phương có bài Nghị sĩ làm những việc gì, và làm ra sao?, thông qua Quốc hội Đức, bàn về vai trò của người đại diện cho nhân dân. Theo tác giả, một quốc hội thực sự đại diện cho dân, có quyền lực cao nhất, luôn là tiêu chuẩn phổ quát, thước đo đánh giá mức độ một nhà nước được cho là của dân, do dân và vì dân.

Trong mục Bình luận quốc tế, bài Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ của tác giả Huỳnh Hoa phân tích nguyên nhân cuộc biểu tình kéo dài gần ba tuần nay của giới công chức chống lại chủ trương hạn chế vai trò của nghiệp đoàn, thực chất là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới