Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 10-2012: Chồng chéo sở hữu ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 10-2012: Chồng chéo sở hữu ngân hàng

Thanh Hương

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 10-2012 phát hành ngày thứ Năm 1-3 có những nội dung chính:

Tình trạng sở hữu chéo (góp vốn, mua cổ phần) giữa các tổ chức tín dụng đang phức tạp và ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống. Nếu không được kiểm soát đúng mức, nguy cơ rủi ro hệ thống có thể sẽ thành hiện thực. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh các góc nhìn về tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, từ các kẽ hở luật pháp, bối cảnh phát sinh, và các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn đối với chính các tổ chức tín dụng lẫn nền kinh tế.

Mục Ghi nhận có bài Thâu tóm hay chỉ tranh quyền đại diện? của tác giả Hồ Quốc Tuấn ghi nhận không chỉ các vụ việc thâu tóm, sáp nhập, mà hình thức tranh quyền đại diện, vốn khá phổ biến trên thị trường tài chính Anh-Mỹ, gần đây cũng đã manh nha xuất hiện ở Việt nam, và những vấn đề về truyền thông thương hiệu mà giới đầu tư tài chính nên lường trước.

Mục Tài chính – Chứng khoán có bài Cải tổ thị trường chứng khoán: Cần giải pháp căn cơ của tác giả Hoàng Xuân Huy, phản ánh thị trường chứng khoán tuần qua đã tăng cao do những thông tin tốt, tuy nhiên cần có những biện pháp cải tổ sâu hơn nhằm nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán.

Bài Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền: mới điều chỉnh phần ngọn của tác giả Vũ Xuân Tiền phản ánh những lý do dự thảo luật vẫn chưa chạm đến tảng băng ngầm trong thế giới rửa tiền, nhất là tiền tham nhũng, hiện nay.

Mục Doanh nhân – Doanh nghiệp có bài Phòng thủ trước M&A: Như thế nào là đủ? của tác giả Hùng Nguyễn ghi nhận những doanh nghiệp đang tiếp cận hay đối đầu với nguy cơ bị thâu tóm như thế nào nhằm tối ưu hóa giá trị cho doanh nghiệp và cổ đông trong làn sóng sáp nhập, mua bán doanh nghiệp hiện nay.

Bài Hấp dẫn nhượng quyền của phóng viên Phi Tuấn ghi nhận sự sôi động của thị trường kinh doanh nhượng quyền, nhất là các thương hiệu ngành ẩm thực, tại Việt Nam.

Bài Tan giấc mơ … siêu thị của phóng viên Minh Tâm phản ánh cuộc chiến vất vả và không cân sức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thương hiệu của mình có chỗ đứng trong các siêu thị.

Mục Thương mại có bài Nhập siêu từ Hàn Quốc – nỗi lo mới của tác giả Nguyễn Duy Nghĩa phản ánh  nguy cơ nhập siêu từ Hàn Quốc đang gia tăng không kém nhập siêu từ Trung Quốc, khiến mục tiêu cân bằng thương mại giữa hai nước càng xa vời.

Mục Văn hóa-xã hội có bài Sân bay và… bệnh viện của tác giả Quỳnh Thư, phản ánh suy nghĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam về tình trạng thiếu bệnh viện, bệnh viện quá tải trong khi nhiều nhà ga, sân bay lại trống vắng, và vai trò của lãnh đạo các tỉnh, bộ, ngành trong việc giải quyết những nhu cầu bức xúc của người dân.

Mục Góc nhìn có bài Hãy khống chế chiều cao của tác giả Thiên Di phản ánh câu chuyện quy hoạch và quy định khống chế chiều cao của thành phố Paris chống được những vấn nạn của một đô thị phát triển quá nhanh như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm…  và bảo vệ mỹ quan đô thị.

Mục Năng lượng có bài Chạy đua tìm than của phóng viên Ngọc Lan phản ánh thời điểm phải nhập than số lượng lớn cho các nhà máy nhiệt điện đã gần kề nhưng các cơ quan, tập đoàn vẫn chưa có chuyển động tích cực trong việc mua và đầu tư khai thác các mỏ than ở nước ngoài, trong khi các cơ hội đang ngày càng thu hẹp.

Mục Nông thôn-nông nghiệp có bài Vì sao có chuyện nợ tiền bán cá? của tác giả Trung Chánh ghi nhận từ câu chuyện các doanh nghiệp thủy sản nợ tiền mua cá của nông dân là những khó khăn của doanh nghiệp về vốn đầu tư trong khi ngân hàng không mặn mà với ngành hàng rủi ro này, và đến lượt người nuôi cá gánh chịu những rủi ro đó.

Bài Cánh đồng mẫu lớn ngày càng lớn của tác giả Lê Hoàng Vũ ghi nhận mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại ĐBSCL, mô hình liên kết nông dân-doanh nghiệp trong sản xuất lúa, đang phát triển mạnh do tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, đem lại đời sống ổn định cho người nông dân.

Mục Pháp luật có bài Khi xăng dầu chảy theo ngõ ngách của phóng viên Ngọc Lan phản ánh việc kiểm soát chất lượng xăng dầu hiện nay không phải chỉ là vấn đề siết chặt hệ thống đại lý như Bộ Công Thương đưa ra, mà còn phải kiểm tra mối quan hệ thông đồng giữa các doanh nghiệp đầu mối và đại lý do kẽ hở giữa các quy định trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Mục Kinh tế thế giới có bài WB đi tìm lãnh đạo của tác giả Thái Bình, phản ánh tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này đang tìm người lãnh đạo thay thế ông Robert Zoellick sắp mãn nhiệm, và quan trọng hơn, cũng đứng trước yêu cầu phải thay đổi đường hướng hoạt động trong tình hình mới.

Bài Ngân hàng thế giới: Trung Quốc cần cải cách kinh tế của tác giả Huỳnh Hoa phản ánh cảnh báo của WB đối với tình trạng tăng trưởng kinh tế không bền vững của đất nước này.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới