TBKTSG số 10-2020: Nín thở với thị trường tài chính
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Khi vàng vượt mức 1.680 đô la Mỹ/ounce trong ngày 24-2, nhiều nhà bình luận nói vàng sẽ đạt 1.800 đô la Mỹ/ounce ngay tuần sau. Nhưng chỉ bốn ngày sau đó, vàng rơi giá, mức thấp nhất là gần 1.560 đô la Mỹ/ounce.
Đáng chú ý, vàng giảm gần 3% chỉ trong hơn hai tiếng đồng hồ của ngày 28-2 cùng lúc với nhiều chỉ số cổ phiếu tiếp tục giảm giá như “đi thang máy xuống”.
Theo tác giả Hồ Quốc Tuấn trong bài tựa đề Giá vàng đỏng đảnh trên TBKTSG số phát hành vào sáng mai (5-3), “có điều gì đó không bình thường”. Trong bài viết, tác giả đã chuyển tải những nỗ lực giải thích diễn biến giá vàng của các nhà phân tích.
Còn theo tác giả Thụy Lê (bài Ai có thể thao túng giá vàng?), trong những giai đoạn thị trường vàng bị thao túng trước đây, giá đô la Mỹ thường được giới đầu cơ đẩy tăng để gián tiếp đẩy giá vàng tăng. Nhưng hiện tượng đó trong cơn sốt vừa qua lại không còn rõ ràng nữa.
Các đề tài trên cùng số báo:
Cú nảy của mèo chết (Thành Nam): Trên thị trường chứng khoán những tuần gần đây, các quỹ lớn có xu hướng thanh lý các cổ phiếu giảm giá sâu và giữ lại những cổ phiếu có khả năng giữ giá. Một số quỹ bị rút vốn phải bán ra để có tiền trả cho nhà đầu tư. Việc bán ròng chưa có tín hiệu dừng lại.
Khối ngoại gia tăng bán ròng (Minh Đăng): Diễn biến tiêu cực của VN-Index không nằm ngoài xu hướng lao dốc của thị trường toàn cầu. Dự báo khó khăn sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới.
Khối ngoại bán ròng – có nên lo? (Ngọc Khanh): Chứng khoán toàn cầu chao đảo. Ở Việt Nam, các nhà đầu tư có thể đã bán ròng cổ phiếu nhưng chưa rút vốn khỏi thị trường.
Tâm thế nào trong thời bệnh dịch bệnh? (Bình An): Quan sát dịch bệnh, không phải cứ có nền kinh tế phát triển, hệ thống y tế tối tân là có thể tự tin trước dịch bệnh. Quan trọng nhất vẫn là tâm thế đúng đắn ngay từ đầu.
Nỗi sợ vô hình và sự thờ ơ (Sơn Tùng): Điều đáng sợ nhất trong sự lây lan corona chủng mới chính là sự vô hình của con virus. Để có thể đánh bại con virus này, trước hết, chúng ta phải thắng được nỗi sợ lẫn sự thờ ơ.
Kinh tế tháng 2 “ngấm đòn” Covid-19 (Linh Trang): Tác động của dịch Covid-19 đang dần thể hiện ở các chỉ số kinh tế như sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, lượng khách du lịch, đặc biệt là số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh. Đây có thể chỉ là sự khởi đầu.
Ngân hàng có thêm cơ hội giảm lãi suất huy động (Hồ Lê): Những thay đổi bất ngờ của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong những tuần gần đây mang lại cơ hội giảm thêm lãi suất huy động cho các ngân hàng.
Ứng xử với đối tác thời dịch bệnh (Đào Loan): Một khách sạn 5 sao ở TPHCM quyết định không phạt và hoàn lại toàn bộ 2,5 tỉ đồng, là một nửa chi phí cho sự kiện lớn mà đối tác định tổ chức nhưng phải hủy vì dịch bệnh.
Hỗ trợ là cần, nhưng phải xem xét thấu đáo (Trần Hùng Sơn-Huỳnh Thị Ngọc Lý): Kinh nghiệm thế giới cho thấy một sự kiện dịch bệnh có thể tác động tiêu cực đến một lĩnh vực, nhưng một lĩnh vực khác có thể có lợi.
Dữ liệu có là vấn đề phát triển của Việt Nam? (Võ Đình Trí): Khi dịch Covid-19 bùng phát, các tổ chức quốc tế, chính phủ và doanh nghiệp đều muốn biết những kịch bản nào có thể xảy ra để tìm cách thích ứng. Đây là lúc các mô hình ước lượng, dự báo có độ tin cậy cao phát huy vai trò.
Nhiều thiệt thòi khi bị dán nhãn “nước phát triển”! (Quốc Hùng): Bị Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) loại khỏi danh sách các nước đang phát triển, Việt Nam bị tác động bất lợi do Mỹ xóa bỏ những ưu đãi áp dụng cho danh sách này. Cần có sự hợp lực chứng minh trở lại với phía Mỹ rằng thặng dư xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ không phải từ nội tại nền sản xuất của Việt Nam.
Doanh nghiệp nội địa đứng trước nỗi lo thâu tóm (Triêu Dương): Xu hướng thâu tóm và sáp nhập tại Việt Nam với các tay chơi đến từ nước ngoài đang tiếp tục phát triển.
Bất động sản phân hóa, thực phẩm và đồ uống gặp khó! (Linh Trang): Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ phải trông chờ vào các “ông lớn”, trong khi sự tăng trưởng của ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp sữa.
Trung tâm phân phối nông sản cho thị trường Trung Quốc, liệu có khả thi? (Trung Chánh): Trước ý kiến cần thành lập trung tâm phân phối nông sản cho thị trường Trung Quốc, lại cũng có ý kiến cho rằng việc “bể” thị trường lần này không phải do phương thức phân phối hiện nay không tốt mà là do yếu tố bất khả kháng từ dịch bệnh.
ĐBSCL: giữa hạn-mặn, nói thêm chuyện sạt lở, sụt lún (Dương Văn Ni): Tháng 10-2019, ĐBSCL đã phải ứng phó đầy khó khăn với tình trạng sạt lở, sụt lún và ngập lụt. Đến nay lại đang chống chọi vất vả với hạn – mặn. Xem ra, đây là vùng dễ bị tổn thương nhất nước.
Cần cẩn trọng ngay từ khái niệm và định hướng (Phan Minh Ngọc): Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển Doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Nhìn lại việc thí điểm thành lập 11 tập đoàn kinh tế nhà nước trước đây, dường như chưa bao giờ được đánh giá và tổng kết một cách đầy đủ.
Luật nghiêm cấm kê khai khống vốn điều lệ, nhưng… (LS. Trương Thanh Đức): Về bản chất, vốn điều lệ doanh nghiệp chỉ làm cơ sở thỏa thuận tỷ lệ sở hữu vốn và cơ cấu vốn. Việc bắt buộc ghi nhận vốn điều lệ trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không cần thiết.
Bước quan trọng trong giao dịch M&A (ThS.Trần Châu Hoài Hận): Tài sản sở hữu trí tuệ của công ty ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong sự cân nhắc của bên mua cũng như sự thành công của toàn bộ giao dịch mua bán – sáp nhập doanh nghiệp.
Trợ cấp giá điện than là rào cản đối với năng lượng tái tạo (Bảo Uyên phỏng vấn TS. Lê Thái Hà, Giám đốc nghiên cứu của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam): Chính sách trợ giá điện than là không bền vững về mặt tài chính và gây thách thức cho việc đầu tư vào điện từ năng lượng tái tạo.
Hãy để phụ nữ được đi học (Hiệu Minh): Phụ nữ có học vấn nuôi con dễ thành đạt hơn.
Mỗi năm có đôi ba ngày phụ nữ… (Trúc Giang): Xã hội không nên ứng xử như thể mỗi năm chỉ có đôi ba ngày phụ nữ. Khi ấy, phụ nữ mới thực sự được giải phóng, bình đẳng giới mới đầy đủ ý nghĩa.
Thừa hung dữ, thiếu văn minh? (Đoàn Khắc Xuyên): Có một thứ “dịch bệnh” có chiều hướng lan rộng trong cộng đồng, đó là những biểu hiện kém văn minh của tính hung dữ ở một số không nhỏ người Việt.
Chống “dịch nước bọt” không thể bằng nước bọt (Danh Đức): Còn nhiều chuyện phải làm để phòng chống dịch bệnh, bắt đầu là làm sao bình thường hóa việc cung cấp khẩu trang và nước rửa tay.
Của cho là của nợ? (Nguyễn Khắc Giang): Sẽ rất thú vị khi có đầy đủ thông tin về quá trình gọi thầu và các doanh nghiệp trúng gói thầu 270 tỉ đồng mua ấm chén của thành phố Hải Phòng.
Ngày thầy thuốc Việt Nam trong mùa dịch corona (Lê Học Lãnh Vân): Ngay ngày Thầy thuốc Việt nam, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đưa Việt Nam ra khỏi các điểm đến có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thành quả này hiển nhiên có công lao đầu của những thầy thuốc nước ta.
Thiên bất dung gian (Hải Anh): Trời cao có mắt!
Mở trang “gốm mới” trên nền gốm cổ (Huỳnh Văn Mỹ): Nép mình bên lũy tre dọc bờ sông Thu Bồn (Quảng Nam), xưởng “đất nung Lê Đức Hạ” chỉ cách làng gốm cổ Thanh Hà chừng dăm cây số.
Trang Kinh tế thế giới có các bài viết: Các ngân hàng tuyên bố hành động để hạn chế tổn thất do dịch Covid-19 (Chánh Tài); Khi diễn viên bị cơ quan chứng khoán phạt (Nguyễn Vũ); Làm việc từ xa thời có dịch (Thư Kỳ).
Mời bạn đọc đón xem!