Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 11-2011: Bịt lỗ hổng đầu tư công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 11-2011: Bịt lỗ hổng đầu tư công

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 11-2011 ra ngày thứ Năm 10-3 có những nội dung chính:

Một trong những giải pháp của Chính phủ để chống lạm phát là cắt giảm đầu tư công, bởi tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng lớn nhưng hiệu quả thì ngược lại. Trong khi đó, năm 2008 Việt Nam đã có một đợt cắt giảm đẩu tư công rầm rộ, nhưng hiệu quả vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Sự kiện & Vấn đề tuần này, thông qua đợt cắt giảm đầu tư công năm 2008, phân tích hiệu quả của giải pháp lần này; đồng thời phỏng vấn ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về cách thức thực hiện.

Trong mục Góc nhìn trong tuần, tác giả Vũ Thành Tự Anh có bài Cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước, phân tích những rủi ro khi nợ của doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ tăng nhanh trong một thời gian ngắn. Tác giả cho rằng dù nợ ở cấp độ nào cũng phải tuân thủ những nguyên lý cơ bản. Nếu bỏ qua những nguyên lý này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Trong mục Ghi nhận, tác giả Lưu Hảo có bài Đại lý thu đổi ngoại tệ: Tay dài đến đâu?, phản ánh giải pháp chấn chỉnh thị trường ngoại hối của cơ quan quản lý. Tác giả cho rằng các đại lý thu đổi ngoại tệ sẽ dần dần tự dẹp tiệm trong trường hợp chênh lệch tỷ giá trong-ngoài ngân hàng không còn.

Trong mục Tài chính-Chứng khoán, đáng chú ý là bài Đến lượt vàng! của phóng viên Hải Lý, phân tích những biện pháp quản lý vàng của cơ quan quản lý theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02, quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng tiền đồng của các ngân hàng, bao gồm cả khuyến mãi dưới mọi hình thức, là 14%/năm. Phân tích vấn đề này, tác giả Nguyễn Vạn Phú có bài Lãi suất nhìn từ góc độ lợi ích và tác giả Hồ Quốc Tuấn có bài Trần lãi suất: từ đồng thuận tới thông tư. Theo tác giả Hồ Quốc Tuấn, cơ chế trần lãi suất đang tiềm ẩn khả năng bóp méo mặt bằng giá cả trên thị trường tài chính và có thể dẫn đến sự phân bổ tài sản tài chính lệch lạc.

Trong số 100 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam được khảo sát, có 80/100 công ty có mức điểm quản trị công ty dưới trung bình. Bài 100 công ty niêm yết được quản trị ra sao? của hai tác giả Nguyễn Thu Hiền và Trần Duy Thanh trong mục Sổ tay quản trị ghi nhận kết quả khảo sát do IFC, Diễn đàn Quản trị công ty toàn cầu và Ủy ban Chứng khoán nhà nước thực hiện.

Về việc ông Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng một trường trung học ở Hà Giang bị cáo buộc về hành vi mua dâm đối với học sinh nữ, lại ra tòa, trong mục Văn hóa-Xã hội PGS.TS.Nguyễn Ngọc Điện có bài Khi người thầy hỏng, bàn về vấn đề đạo đức học đường. Theo tác giả, nếu người thầy hỏng nhiều quá, thì, để làm trong sạch môi trường giáo dục, nên cân nhắc nghiêm túc về khả năng tiến hành một cuộc “quét dọn”.

Trong mục Bình luận quốc tế, bài Trung Quốc chú ý hơn đến người nghèo của tác giả Huỳnh Hoa phân tích những nguyên nhân khiến Trung Quốc ngày càng chú trọng hơn đến việc gia tăng thu nhập cho người nghèo và kiềm chế lạm phát, hơn là chỉ lo tăng trưởng GDP. Có điều, Trung Quốc một mặt đưa ra những cam kết cải thiện đời sống người nghèo để xoa dịu sự bất bình trong xã hội, mặt khác lại gia tăng các biện pháp kiểm soát, khi tăng ngân sách dành cho ngành an ninh gấp đôi mức tăng thu nhập, cao hơn cả ngân sách quốc phòng.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới