Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 13-2018: Chống tham nhũng: đánh thuế hay tịch thu tài sản?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 13-2018: Chống tham nhũng: đánh thuế hay tịch thu tài sản?

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh thương mại thế giới hiện nay, Việt Nam nên tránh xa những lời chào mới “tẩy trắng” xuất xứ hàng hóa vì Việt Nam cũng đang có thâm hụt thương mại với Mỹ. Đừng để bị lọt vào tầm ngắm của chính sách thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng có lợi nhiều lần hơn con số tăng xuất khẩu không thực chất. Mời bạn đọc đón đọc bài viết “Để không bị cuốn vào vòng xoáy” của tác giả Nguyễn Vũ về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc hiện nay và góc nhìn Việt Nam nên như thế nào trong “vòng xoáy” này trên TBKTSG số 13, ra ngày 29-3-2018.

Các bài viết khác trên số báo tuần này, xin giới thiệu bạn đọc:

Những “khúc xương” của cải cách! (Mục Ý kiến): Chỉ cần Nhà nước chọn được người tận tụy, tâm huyết và thấu hiểu doanh nghiệp để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và trao quyền lựa chọn nhân sự cho họ, thì lo gì cải cách không thành công!

Kỳ vọng nào cho tỷ giá? (Hải Lý): Đa số doanh nghiệp mà chúng tôi tham khảo ý kiến nhận xét mức trượt giá 1-1,5% so với năm ngoái là chấp nhận được.

Góp vốn ngân hàng: vào dễ ra khó (Hải Lý): Trước đây, khi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ồ ạt góp vốn vào các ngân hàng, ai có thể hình dung việc thoái vốn lại phức tạp đến như vậy? Một trong những lý do là… không được phép lỗ.

Có trình mà không bày (LS.Trương Thanh Đức): Tại một số phiên tòa hình sự được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đại diện một số cơ quan nhà nước đã được tòa án triệu tập để làm rõ các nội dung liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, không những chẳng làm rõ mà có khi họ còn làm khó hơn cho việc xét xử.

Lạc quan quá làm lu mờ khó khăn (Tư Giang): Gần đây nhiều người tỏ ra lạc quan khi nói tới việc Việt Nam có tới bốn tỉ phú đô la, chứng khoán tăng kỷ lục sau 11 năm và đặc biệt là tăng trưởng kinh tế quí 1 lên tới 7,41%. Những dấu hiệu đó là đáng mừng nhưng phía sau nó còn cả bức tranh doanh nghiệp đầy khó khăn và đáng được quan tâm hơn.

PCI: gương soi của chính quyền và doanh nghiệp (Võ Đình Trí): Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay (2017) ngoài việc phác thảo bức tranh môi trường kinh doanh còn cho thấy từ phía các doanh nghiệp cũng cần nhiều nỗ lực hơn.

Định giá không hợp lý thì mang nhau ra tòa (Phan Minh Ngọc): Ở nước ngoài, cách thức xử lý các vụ việc nảy sinh từ vấn đề định giá tài sản, kể cả khi liên quan đến Nhà nước, thường là mang tính kinh tế, thông qua kênh tố tụng dân sự để buộc các công ty định giá phải bồi thường khi chứng tỏ được là chúng đã (cố tình) làm sai.

Cải tổ toàn diện việc quản lý an toàn (Lê Học Lãnh Vân): Triết lý an toàn ở Việt Nam quá yếu ớt. Rất nhiều người cho rằng an toàn là vấn đề của số mệnh, trời kêu ai nấy dạ, tai nạn thì không ai lường trước được, đứng trên lề đường mà tới số thì xe cũng leo lề mà tông. Vậy đâu cần đề phòng làm chi! (?)

Sửa Luật Phòng, chống tham nhũng: Từ chuyện đánh thuế hay tịch thu tài sản… (LS. Nguyễn Tiến Lập): Hy vọng rằng các thảo luận về các biện pháp xử lý tài sản tham nhũng vừa qua sẽ là khởi đầu cho quá trình xem xét toàn diện và triệt để hơn nhằm hoàn thiện thiết chế phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Thu thuế hay tịch thu – chỉ là xử lý hậu quả (Phan Minh Ngọc): Cần thiết phải đưa vào Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi một số điều khoản cứng rắn, ví dụ,  nếu phát hiện ra cán bộ nào không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì lập tức sẽ bị cách chức, đình chỉ công tác (bất luận vì lý do gì).
Cửa xuất cá tra sang Mỹ không thực sự hẹp (Nguyễn Mai Khang – Nguyễn Trang Nhung): Với việc hai doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất hiện nay là Vĩnh Hoàn và Biển Đông (tính trung bình trong năm 2017 và quí 1-2018 chiếm tới gần 80% tổng thị phần xuất khẩu sang thị trường Mỹ) vẫn tiếp tục được duy trì mức thuế có lợi 0 đô la Mỹ/ki lô gam và 0,19 đô la Mỹ/ki lô gam thì xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ kỳ vọng sẽ không bị ảnh hưởng quá mạnh.

TMĐT Việt Nam: khởi sắc trong tĩnh lặng (Ô Lâu): Theo kết quả khảo sát, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2017 đạt tốc độ tăng trưởng 25% so với năm trước, dự báo mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Thị trường cũng ghi nhận một số lĩnh vực có mức độ tăng trưởng ấn tượng trong năm qua…

Thận trọng khi ngân hàng ồ ạt tăng vốn (Linh Trang): Đằng sau câu chuyện tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng trong năm 2018 là nỗi lo của các cổ đông. Việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu.

Giám sát ngân hàng: không đợi “bệnh” nặng mới điều trị! (Bình An): Điểm tiến bộ trong thông tư quy định về các biện pháp giám sát ngân hàng hiện nay là bên cạnh phương pháp giám sát tuân thủ, đã có các quy định khung về giám sát rủi ro.

Hội nhập tài chính: quyền lợi của người tiêu dùng có được nâng theo? (Mai Đình): Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của các tổ chức tài chính mà còn phải là các quy định pháp luật và chính bản thân người tiêu dùng.

Vốn cho hạ tầng vẫn điệp khúc chậm giải ngân (Lê Anh): Cho dù Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn không giải ngân hết vốn theo kế hoạch của năm…

Doanh nghiệp bắt đầu “thấm”  Nghị định 20 (Minh Tâm): Các quy định mới của Nghị định 20/2017 về giao dịch liên kết, có hiệu lực từ 1-5-2017, như mẫu tờ khai về hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu hay báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đang là thách thức không dễ vượt qua với nhiều doanh nghiệp trong mùa quyết toán thuế năm 2017 đang diễn ra hiện nay.

Bệnh viện công – tư vào cuộc cạnh tranh gay gắt (Hoàng Nhung): Hiện nay, khi hầu hết các bệnh viện công lập ở TPHCM đều phải tự chủ về tài chính thì hình thức cung ứng dịch vụ tại các bệnh viện này cũng thay đổi mạnh mẽ nhằm “kéo” bệnh nhân – khách hàng về phía mình. Cũng từ đây, sự cạnh tranh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư càng trở nên khốc liệt hơn.

Tạo nguồn lực con người cho hệ thống y tế tư nhân (PGS.BS. Nguyễn Hoài Nam): Thiết nghĩ, không nên ràng buộc bác sĩ chỉ được làm ở bệnh viện công hay chỉ làm ở bệnh viện tư. Họ có quyền chọn lựa thời gian làm việc…

Doanh nghiệp băn khoăn chuyện đi – ở (Nhóm phóng viên): Không ít doanh nhân thành đạt hiện có khuynh hướng đầu tư tài sản, nhà cửa, lập công ty ở nước ngoài với ý định tạo lập sự nghiệp mới nơi xứ người. Làm sao để doanh nhân gắn bó hơn với quê hương xứ sở, đeo đuổi đến cùng nghiệp kinh doanh? TBKTSG ghi nhận ý kiến của một số doanh nhân…

Đầu tư hay tháo chạy ra nước ngoài? (Nguyễn Thanh Lâm): Bài viết này góp một góc nhìn về việc xuất khẩu vốn (capital export) như thế nào thì bị xem là xuất huyết vốn (capital drain).

Để cao mãi giấc mơ cao (Bình Vương): Hoạt động “xây cho nhà cao cao mãi” phải đi liền với bảo đảm an toàn về tính mạng và của cải cho người sử dụng…

Quyền thụ hưởng lợi ích công cộng (Lê Triết): Không chỉ câu chuyện bít lối ra biển ở Nam Ô đang nóng dư luận hay nhiều nơi có biển khác, mà chuyện “xẻ thịt” công viên ở một số thành phố, chuyện khuôn viên nhà văn hóa cấp xã, phường bị chiếm dụng… đang ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng lợi ích công cộng của người dân.

Suy nghĩ tiếp theo một bài nghiên cứu về tính trung thực (Lê Học Lãnh Vân): Vì sao con người và xã hội con người có những tính chất phổ quát giống nhau về tính trung thực, mà thực tế lại phân ra các xã hội với mức độ trung thực cao thấp khác nhau? Cách tổ chức xã hội và cách vận hành xã hội có vai trò gì trong việc phân hóa này?

Nhận diện số (Phạm Hải Chung): Mạng xã hội đang ghi lại hành vi và dấu tích của chúng ta trên đó, do vậy, có lẽ cần hành xử có trách nhiệm với sự “hiện diện số” của mình.

Hạnh phúc là cái chi chi? (Phạm Kỳ Anh): Chuyến về buôn của H’Hen Niê bằng đoàn "công voa" (convoi) xe cày là một chọn lựa « hạnh phúc » của riêng cô dành cho bà con buôn làng, đó chẳng phải là sự hài hòa giữa cái riêng và cái chung sao?

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: ai mất gì và tại sao? (TS Phạm Sỹ Thành) : Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do đã phủ trùm toàn cầu, cuộc chiến trực diện tay đôi dường như mang nhiều màu sắc chính trị hơn là để giành lấy các lợi ích kinh tế thực hữu.

Ấn Độ : Rắc rối ID sinh trắc học (Minh Đức): Tòa án Tối cao Ấn Độ đang xem xét một số vụ kiện về những rắc rối do chương trình nhận diện sinh trắc học Aadhaar mang lại.  Một số nguyên đơn cáo buộc chương trình này đã làm ảnh hưởng đến các quyền cơ bản được hiến pháp công nhận.

Có nên từ bỏ Facebook? (Thái Bình): Từ bỏ Facebook không giải quyết được vấn đề, trừ khi bạn quay lại lối sống xưa cũ, viết thư tay trên giấy, không dùng điện thoại và dịch vụ ngân hàng, lãng quên Google và mọi mạng thông tin khác…

Vì sao Uber bỏ Đông Nam Á (Huỳnh Hoa): Quyết định rút ra khỏi thị trường có 600 triệu dân và đang phát triển mạnh này của Uber đánh dấu sự thay đổi lớn về tư duy quản trị công ty và xu thế của các thị trường địa phương…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới