Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 15-2012: Phá sản để hồi sinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 15-2012: Phá sản để hồi sinh

Thanh Hương

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 15-2012 phát hành ngày thứ Năm 5-4 có những nội dung chính:

Cả nước có trên 200.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, bao gồm nhiều doanh nghiệp đã thực sự phá sản. Nhưng có rất ít doanh nghiệp trong số đó nộp đơn xin phá sản theo Luật Phá sản. Sự kiện & Vấn đề tuần này, Phá sản Luật Phá sản, phản ánh thực tế đó, và lý do tại sao Luật Phá sản vẫn xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tại sao Quỹ đầu tư Elliott Advisors từ bỏ vụ kiện tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) lên tòa thượng thẩm London sau gần bốn tháng miệt mài theo đuổi? Bài Vì sao Elliott hết kiện Vinashin? của phóng viên Hải Lý trong mục Ghi nhận phản ánh những diễn biến lý giải sự kiện này.

Thị trường tiền tệ sẽ chứng kiến các cuộc hợp nhất lớn giữa các ngân hàng lớn? Bài Sẽ có những cái “bắt tay” giữa các ngân hàng? của tác giả Việt Nguyễn trong mục Tài chính-Chứng khoán xoay quanh vấn đề này.

Số liệu về lợi nhuận và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết có những vấn đề gì, là phản ánh trong bài Tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết: Chuyện cũ nhưng vẫn mới của tác giả Nguyễn Huy Hải.

Tại sao lạm phát đã hạ nhiệt trong quí 1, nhưng chưa phải là dấu hiệu đáng mừng? Bài Nguy cơ lạm phát đi đôi với đình trệ của các tác giả Bùi Trinh – Nguyễn Việt Phong và bài Tồn kho, chi phí đều tăng của phóng viên Tấn Đức ghi nhận bức tranh thực tế đáng lo ngại của ngành công nghiệp sản xuất hiện nay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang xoay xở giải quyết hàng tồn kho bằng nhiều phương cách, được ghi nhận trong bài Giải phóng hàng tồn, của phóng viên Sơn Nghĩa trong mục Phao cứu sinh cho doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp đóng cửa chính là sự trả giá của nền kinh tế trong tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài quá lâu” – đó là một nhận định của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của TBKTSG trong bài Doanh nghiệp Việt Nam đã kiệt sức, mục Gặp gỡ.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khá nhiều trở ngại trong năm 2012, cả từ các “đối thủ” xuất khẩu gạo Thái Lan và Ấn Độ, và từ việc thiếu một chiến lược tạo giá trị cạnh tranh bền vững cho gạo Việt Nam. Mời xem bài Cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới 2012: “Tam quốc tranh hùng” của tác giả Nguyễn Đình Bích và bài Thách thức xuất khẩu gạo năm 2012 của tác giả Trần Sơn để nhìn lại bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay.

Ai rồi cũng phải già!, của tác giả Quỳnh Thư trong mục Nghĩ dọc đường, là một bài viết nhẹ nhàng nhưng đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm về các chính sách, luật, và cả ứng xử tình người đối với người cao tuổi trong giao thông công cộng hiện nay.

Giữa tháng 3-2012, một ngư dân Vàm Nao đã bắt được con cá hô nặng 147 ki lô gam, trị giá hơn sáu lượng vàng. Câu chuyện đánh bắt cá hô và việc nuôi cá hô từ giống nhân tạo là phản ánh trong phóng sự “Săn” cá hô ở miền Tây của tác giả Phạm Anh Tuấn.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang lùi xa?,  bài của phóng viên Quốc Hùng, phản ánh tại sao các hãng ô tô thế giới đã có mặt tại Việt Nam liên tiếp công bố đổ vốn vào Indonesia và Thái Lan trong khi tại Việt Nam lại đang thu hẹp quy mô và dần chuyển hướng kinh doanh xe nhập khẩu.

Cải cách chính trị và kinh tế, tiến tới dân chủ, có những vị lãnh đạo thực sự vì dân…, dường như đất nước Myanmar đang có nhiều yếu tố để có thể đến gần giấc mơ trở thành con hổ mới của châu Á, dẫu vẫn còn nhiều thách thức. Mục Kinh tế thế giới và Bình luận quốc tế có hai bài Kỷ nguyên mới ở Myanmar của tác giả Thái Bình và bài Người khai cuộc đổi mới của tác giả Huỳnh Hoa đều nói về Myanmar.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới